“Hát rong” xa xứ

12/02/2011 13:14 GMT+7

Gót chân nhún nhảy trong vũ khúc Latin rộn rã, Gaile - nữ ca sĩ người Philippines - dường như quên mất phía dưới sân khấu chỉ có một vài khán giả hay có cả trăm người đang quay cuồng theo từng điệu nhảy của cô.

Như những người "hát rong" xưa kia, những ca sĩ gốc Philippines - quốc đảo mà dường như tất cả những chàng trai, cô gái đều lớn lên trong âm nhạc - lần theo những ban nhạc du ca khắp từ u sang Á mưu sinh với nghề ca hát... Các chương trình vũ khúc Latin, dòng nhạc pop, ballad hay khó nghe như jazz đều có mặt họ. Ở VN, tết là thời điểm chạy "sô" tất bật của họ. "Ăn ba ngày tết, chơi ba tháng hè" - một ông bầu dí dỏm nói về công việc bấp bênh của các ca sĩ "Phi".

"Nơi tôi sinh ra - hòn đảo hát"

Gaile dí dỏm ví von về quê hương của mình như vậy. Có thể trong câu trả lời về nơi sinh của mình, Gaile đã giấu chúng tôi quê quán xác thực của cô. Vì theo những ông bầu của các ban nhạc Latin, hầu hết ca sĩ "Phi" đều muốn ẩn mình nơi họ đi hát để mưu sinh. Ông bầu Hoàng Thuấn của ban nhạc Gipsy Nation cho hay: "Hầu hết ca sĩ "Phi" đều mang dòng máu Latin xa xưa nên dường như ở họ, chất máu lửa, khỏe khoắn trong giọng hát, trong cốt cách và từng vũ điệu đã thành nét đặc trưng. Thêm nữa, tiếng Anh được xem như ngôn ngữ thứ hai của người Philippines nên họ rất thuận lợi trong đời sống du ca khắp mọi nơi trên thế giới".

Nhưng tại sao họ dừng chân ở VN? Gaile đang hát cho một câu lạc bộ đêm nổi tiếng ở Vũng Tàu, trước đó cô từng du ca ở Thái Lan, Campuchia, Indonesia... Lý giải về lựa chọn của mình khi tới VN, cô nói: "Bạn bè tôi thường rủ nhau tới những nơi được hát và kiếm sống được vì ở Philippines có quá nhiều ca sĩ và sự cạnh tranh, đào thải rất nghiệt ngã. Nhìn bề ngoài chúng tôi giống người VN và ở đây chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu với con người, đồ ăn cũng như thời tiết". Gaile có thể hát, múa các ca khúc dòng nhạc Latin, pop hay những bản ballad trữ tình. Không biết tiếng Việt nhưng Gaile có thể làm say lòng người với một vài bài nhạc Việt như Ðừng xa em đêm nay, Trái tim tật nguyền, Ước gì... để tạo hứng thú khác lạ cho khách dự tiệc trong các buổi diễn.

Sau các buổi diễn hợp đồng ở Vũng Tàu, cuối tuần Gaile đi tàu cánh ngầm lên TP.HCM chạy các sô khác để kiếm thêm tiền gửi về quê cho gia đình hay bù vào những lúc ế sô. Trung bình giá catsê của họ khoảng 30-40 USD/đêm diễn. Trên bến tàu cánh ngầm, nhìn những con tàu cập rồi rời bến, Gaile nói cô thấy cuộc đời mình dường như cũng dập dềnh như những con sóng ấy, nhưng dù sao đó cũng là cuộc sống cô yêu thích và chọn lựa.

Cùng đến từ Philippines với Gaile, Joan và Kay là hai cô gái khá nhỏ nhắn và lặng lẽ, thường xuất hiện trong những buổi tiệc tại các nhà hàng, khách sạn, câu lạc bộ đêm ở TP.HCM. Trên sân khấu cả ba cô gái này đều rất "máu lửa" cùng ban nhạc nhưng sau khi thay đồ diễn, họ lại lặng lẽ với áo thun, dép... xẹp và một chiếc mũ bảo hiểm trong giỏ xách để đi xe ôm.

Bấp bênh hợp đồng

R. - nữ ca sĩ người Philippines - đã sống mười năm ở VN cùng bạn trai và con gái Izea mới 3 tuổi. Ở vào độ tuổi gần 40, R. vẫn trẻ trung, nồng nhiệt trong các ca khúc tuy ngoại hình không "sexy" như những cô gái trẻ khác. Nhưng với ông bầu Ðình Hùng của ban nhạc du ca Fire ở TP.HCM, đó vẫn là một "cô gái hát" tuyệt vời. Cả R. và chồng đều là ca sĩ. Họ từng chuyển nhà hàng chục lần trong mười năm sống ở VN để di chuyển theo hợp đồng biểu diễn. Sau tết này, cả hai dự định làm đám cưới để con gái Izea được sinh tại VN chính thức có một gia đình.

Giống như bạn bè của mình, Cyndy và bạn trai Alex phải chuyển nhà nhiều lần. Nơi họ ở thường là một căn hộ với giá rất khiêm tốn so với người nước ngoài ở VN, thường là 200 USD/tháng. Cứ một nhóm ca sĩ "Phi" khoảng 3-4 người hùn tiền ở chung một căn hộ như vậy. Một phần trong số tiền kiếm được, họ sẽ gửi về quê giúp đỡ gia đình. Ở xứ sở nào cũng vậy, các ca sĩ gốc "Phi" phải liên tục đổi chỗ ở theo các hợp đồng biểu diễn. Có vài trường hợp để tìm hiểu môi trường làm việc mới, họ chấp nhận sống ẩn dật theo visa du lịch (thời hạn tối đa cho loại visa này là ba tuần - PV) và thường chịu nhiều rủi ro vì bị các ông bầu ép giá hay bất ngờ bị trục xuất theo luật xuất nhập cảnh ở từng nước.

Hát quán sang, chơi nhạc "xịn" nhưng xài tiền với "giá bèo" là cuộc sống trong đời du ca của các ca sĩ này. Trong một buổi tiệc ra mắt sản phẩm ở nhà hàng FB, quận 1, TP.HCM có thể dễ dàng nhận ra hai cô ca sĩ "Phi" khi họ xuất hiện. Red - nghệ danh của một ca sĩ "Phi" - thổ lộ: "Chúng tôi thường mua sắm trang phục, phụ kiện ở các chợ Tân Bình, An Ðông hay Phạm Văn Hai. Ðồ trong chợ khá rẻ và đa dạng. Ở Thái Lan hay Malaysia cũng thế, hầu hết trang phục của chúng tôi đều có giá rất bình dân".

Một cái tết Việt chạy sô tất bật nữa của Joan và Gaile lại qua. Gaile lại trở về với các đêm diễn ở Vũng Tàu, còn Joan và Kay vẫn chưa có dự định gì vì đang còn chờ các hợp đồng của những ban nhạc Gipsy trong TP.HCM. "Công việc của chúng tôi vào thời điểm này cũng rất bấp bênh..." - Joan thổ lộ.

“Ở đâu, chúng tôi cũng có thể hát”

 
Mariedel trong một buổi diễn nhạc jazz ngoài trời - Ảnh: Rico Gonzales

May mắn hơn các ca sĩ “Phi” du ca khác, Mariedel đang làm ở bộ phận marketing cho một công ty mỹ phẩm của Mỹ tại VN. Mười năm trước ở Philippines, Mariedel từng ca hát kiếm sống. Cô đến VN gần bốn năm nay và hát nhạc jazz, pop những năm 1970 ở các quán bar, phòng trà như Acoustic Bar, The Coffee Bean and Tea Leaf hay The Boat House... Chia sẻ với đời sống du ca của những người đồng hương, Mariedel nói: “Chúng tôi sinh ra để ca hát và chúng tôi tự hào về điều đó. Bạn có thể thấy ca sĩ người Philippines ở mọi nơi trên thế giới, từ những đại tiệc sang trọng hay trên lề đường, góc phố nghèo nàn nào đó. Ở đâu, chúng tôi cũng có thể hát và cháy hết mình”.

Ở VN, Mariedel thích đi bộ mỗi tối gần nơi ở của cô. Có một khoảng lặng ngoài ca hát, ngoài công việc để cô thư giãn chính là giây phút này, khi cô thấy mình hòa vào dòng người tất bật của Sài Gòn bình yên, thân thiện.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.