Bài học về giao thông sau thảm kịch đường sắt

08/02/2011 07:32 GMT+7

(TNO) Vụ tai nạn đường sắt tại Cầu Ghềnh, Đồng Nai tối mùng 4 Tết (6.2) khiến 2 người chết và 26 người bị thương quả là một thảm kịch đau lòng.

Không chỉ lái tàu, người gác chắn mà cả những người tham gia giao thông đường bộ cũng có một phần trách nhiệm trong thảm kịch này.

Trước khi xảy ra vụ tai nạn, cảnh kẹt xe diễn ra. Giao thông bị ùn ứ, không xe nào chịu nhường xe nào để thoát ra khỏi khu vực có đường sắt chạy qua. Cảnh cãi vã, tất nhiên, đã xảy ra. Cảnh tượng này hệt như câu chuyện ngụ ngôn hai con dê cùng đi qua một cây cầu. Cầu thì nhỏ mà không con nào chịu nhường còn nào. Cả hai con húc nhau và cùng bị ngã xuống sông.

Thế nhưng, việc tranh giành từng mét đường khi tham gia giao thông không phải là chuyện lạ ở Việt Nam. Cảnh tượng đó gây ra sự hỗn loạn cho đường phố. Cái đó thuộc về ý thức. Ai cũng biết nhưng không ai sửa được.

Một ví dụ đơn giản: khi xe lưu thông qua một ngã tư, đèn báo vẫn bật xanh nhưng đoạn đường bên kia ngã tư đã chật ních xe. Theo thói quen, người tham gia giao thông sẽ cố chạy lên nối đuôi vào dòng xe bên kia, mặc cho việc ngã tư có thể bị bịt lại và tuyến đường cắt ngang ngã tư có thể bị cản trở khi đèn xanh bên tuyến cắt ngang được bật. Và thế là cảnh ùn xe diễn ra. Cứ thế, chẳng xe nào đi được cả.

Giả dụ người tham gia giao thông có ý thức dừng lại để tránh cảnh cản trở ngã tư đi chăng nữa thì những người đi xe phía sau cũng sẽ bóp còi inh ỏi, la ó để người đằng trước buộc phải đi. Và nếu không đi ư? Cảnh cãi vã và chửi nhau sẽ xảy ra. Đó là một thói quen vô cùng xấu, một ý thức tham gia giao thông vô cùng tệ.

Tại Thái Lan, cho dù đèn xanh được bật nhưng phía bên kia ngã tư còn ùn ứ xe thì người tham gia giao thông sẽ dừng lại phía bên này đường chỗ vạch ngang, đợi cho xe bên kia ngã tư đi hết rồi mới đi. Nếu lỡ đợi lâu quá đèn xanh chuyển sang đỏ thì họ cũng sẽ kiên nhẫn đợi thêm một đợt đèn nữa.

Nếu trước mặt là lối đi dành cho người đi bộ, các xe cũng sẽ không đè lên vạch cho khách bộ hành mà lịch sự đỗ sau vạch ngang, để người đi bộ có chỗ đi lại. Cứ như vậy, cảnh kẹt xe dù có xảy ra cũng chỉ là chậm đèn đỏ chứ không phải là kẹt cứng.

Ở thành phố New York (Mỹ), việc cản trở ngã tư ngay cả khi đèn xanh như kể trên sẽ bị phạt nặng. Điều này được ghi rõ trên một tấm biển đặt ở các ngã tư. Và người đi xe sau cũng không bấm còi giục người đi trước phải tiến tới.

Quay lại vụ tai nạn đường sắt. Nếu mỗi người tham gia giao thông cũng có ý thức dừng lại và không cản trở đường sắt thì đâu đến nỗi.

Khánh Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.