Trung Quốc mở rộng lãnh thổ: Chuyện ở Kashmir

27/01/2011 08:59 GMT+7

Trung Quốc cũng có nhiều “duyên nợ” với khu vực Kashmir - nơi nước này, Ấn Độ và Pakistan lấn cấn từ nhiều năm qua.

Theo một bài báo đăng trên tờ The New York Times hồi tháng 8.2010, Pakistan đang trao cho Trung Quốc quyền kiểm soát trên thực tế khu vực Gilgit-Baltistan trong phần lãnh thổ Kashmir do Islamabad kiểm soát. Diễn biến này đương nhiên gây ra nhiều lo ngại cho Ấn Độ.

Lính Trung Quốc ở Kashmir

Khu vực phía tây Kashmir do Pakistan chiếm giữ trải dài từ Gilgit-Baltistan ở phía bắc đến Azad Kashmir ở phía nam hầu như bị đóng cửa với giới truyền thông. Nhưng những gì thu thập được từ một loạt nguồn tin tình báo nước ngoài, từ các nhà báo Pakistan và nhà hoạt động nhân quyền cho thấy 7.000 - 11.000 binh sĩ Trung Quốc đang hiện diện tại Gilgit - Baltistan. Trước đó, Pakistan cũng đã “hiến” 5.200 km2 ở phần Kashmir do họ kiểm soát cho Trung Quốc theo một hiệp ước được ký kết hồi năm 1963.

Theo chuyên gia Selig S.Harrison, Giám đốc chương trình châu Á của Trung tâm Chính sách quốc tế ở Mỹ và là tác giả bài báo của The New York Times, việc kiểm soát khu vực trên là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo con đường thông suốt bằng đường bộ và đường sắt tới vùng Vịnh. Hiện các tàu chở dầu của Trung Quốc mất 16-25 ngày để đến vịnh Persia. Khi các tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc băng ngang Gilgit-Baltistan được hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể vận chuyển hàng hóa từ miền đông nước này đến phía đông vịnh Persia trong vòng 48 giờ.

Nhiều binh sĩ Trung Quốc đến Gilgit-Baltistan để làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. Một số làm trong lĩnh vực đường sắt, số khác tham gia mở rộng xa lộ Karakoram, nối liền tỉnh Tân Cương của Trung Quốc với Pakistan. Cũng có một số binh sĩ làm việc trên các công trường xây dựng đập nước, đường cao tốc và nhiều dự án khác. Theo The New York Times, bí ẩn bao trùm xung quanh việc xây dựng 22 đường hầm bí mật, vốn cấm người Pakistan lui tới. “Các đường hầm này cần thiết cho một dự án đường ống khí đốt từ Iran sang Trung Quốc vốn sẽ cắt ngang dãy núi Himalaya”, ông Harrison nói, và nhận xét thêm rằng những đường hầm có thể được dùng cho mục đích quân sự. Bắc Kinh chưa có phản ứng gì với thông tin của báo The New York Times.

Ấn Độ cũng hô “mất đất”

Rõ ràng là lãnh thổ chúng ta đang thu hẹp dần theo thời gian. Quá trình này diễn ra chậm nhưng rất nghiêm trọng

trích từ biên bản cuộc họp giữa chính quyền Kashmir, Bộ Nội vụ và quân đội Ấn Độ

Báo The Economic Times của Ấn Độ dẫn lời các chuyên gia nói rằng những diễn biến ở Gilgit-Baltistan càng gây thêm lo ngại sau khi Trung Quốc gần đây cấp thị thực nhập cảnh đặc biệt cho cư dân Ấn Độ sống trong vùng Kashmir do New Delhi kiểm soát. Song trước đó, Trung Quốc cũng từ chối cấp thị thực cho một vị tướng phụ trách quản lý Kashmir của Ấn Độ sang Bắc Kinh dự một cuộc họp cấp cao. Tờ báo coi đây là sự nghiêng hẳn về Pakistan trong vấn đề Kashmir. Nhân chuyến thăm Pakistan của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã ký với Islamabad các thỏa thuận thương mại trị giá 24 tỉ USD. Trong chặng dừng chân trước đó của ông Ôn ở Ấn Độ, tổng giá trị các thỏa thuận đạt được chỉ là 16 tỉ USD, theo tờ Khaleej Times.

Hồi giữa tháng này, Trung Quốc lên tiếng phủ nhận thông tin rằng binh lính của họ đã tràn vào lãnh thổ Ấn Độ ở vùng Kashmir và đe dọa công nhân nước này, theo AP. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 11.1 khẳng định: “Lính biên phòng Trung Quốc chưa bao giờ bước qua Đường kiểm soát thực tế (LAC)”. Phản bác của Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi Hãng thông tấn Press Trust of India của Ấn Độ đưa tin hồi tháng 9.2010, lực lượng biên phòng Trung Quốc bất ngờ xuất hiện tại khu vực biên giới Himalaya ở vùng Kashmir, đe dọa chủ thầu và các công nhân Ấn Độ đang xây dựng một trạm xe buýt tại đây. Cũng hôm 11.1, trang tin Oneindia.in dẫn biên bản một cuộc họp giữa chính quyền Kashmir, Bộ Nội vụ và quân đội Ấn Độ nhận định nước này đã mất một số lượng “đáng kể” đất đai dọc LAC vào tay Trung Quốc trong 20-25 năm qua do “thiếu một chính sách rõ ràng về vấn đề này”. “Rõ ràng là lãnh thổ chúng ta đang thu hẹp dần theo thời gian. Quá trình này diễn ra chậm nhưng rất nghiêm trọng”, biên bản nói trên viết.

Theo Khaleej Times, giữa Bắc Kinh và New Delhi vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết trước khi đưa quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90.000 km2 lãnh thổ Ấn Độ ở bang Arunachal Pradesh, và đang chiếm giữ khoảng 38.000 km2 ở phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.  Còn theo AP, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan đến đường biên giới dài 3.500 km2 trong vùng núi Himalaya đã dẫn đến cuộc xung đột năm 1962. Đến nay, hai nước chưa phân định được đường biên giới rõ ràng. Thay vì vẽ một đường biên giới chính thức, hai nước sử dụng LAC vốn hình thành từ sau sự kiện năm 1962 để làm ranh giới tạm thời.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.