Văn Tèo bán đất

08/01/2011 17:28 GMT+7

Y tên Văn Tèo. Năm hai mươi tuổi Văn Tèo lấy vợ là Thị Diễm, một cô gái cùng xóm cách nhà chừng hai công đất, thêm một cây cầu bằng khúc trâm bầu bắc qua mương ranh giữa đất của hai nhà. Lấy vợ xong, ra riêng, vợ chồng Văn Tèo được ông già tía chia mười công đất ruộng để “mần ăn”.

Đương nhiên nó không bằng một góc hồi thời ông cố Văn Tèo mới đến khẩn hoang, lập nghiệp ở vùng này. Qua không biết bao nhiêu lần phân chia cho con cái cháu chắt, đến đời ông già tía của Văn Tèo mảnh đất ấy chỉ còn hơn hai mươi công. Khi Văn Tèo lấy vợ, ông làm cuộc phân chia trọng đại đầu tiên trong cuộc đời mình.

Ra riêng được hơn năm, gia đình nhỏ của Văn Tèo xuất hiện thêm một nhân khẩu: đứa con gái đầu lòng. Ban đầu Văn Tèo định chọn một cái tên thuần Việt để đặt cho con, như Thị Thoa hoặc Thị Tím, nhưng cô vợ kịch kiệt phản đối. Cô ta cho rằng tên lót chữ Thị bây giờ cũ mèm rồi, nghe không sang, còn Thoa hoặc Tím thì vừa buồn vừa quê một cục, giống như… mẹ nó: Thị Diễm!

Cãi nhau vì tên của con gái. Đó là trận cãi cọ dài nhất của vợ chồng Văn Tèo từ khi cưới nhau đến giờ. Để chấm dứt tình trạng này, cả hai thống nhất: khi làm giấy khai sinh thì… nhờ cán bộ hộ tịch xã đặt tên giùm.

Bội Cơ - đó là cái tên được ghi trong giấy khai sinh của đứa con gái, sặc mùi phim Hồng Kông (chắc vị cán bộ ấy vẫn ghiền những tập phim mùi mẫn trên tivi). Mặc vợ đi khoe cùng làng khắp xóm, Văn Tèo luôn hậm hực với cái tên ấy. Nghe y chang dân cờ bạc: Bội Cơ với Ách Cơ thì có khác gì! Thây kệ, ai kêu Bội Cơ thì kêu, với Văn Tèo, nó là Bé. Thị Bé từ thuở lọt lòng. Cứ thế mà gọi.

Năm hai ngàn không trăm…

Thị Bé của Văn Tèo, tức Bội Cơ của vợ Văn Tèo nghỉ học khi vừa xong lớp mười một. Chuyện đó cũng bình thường, vì ở cái xóm này đứa con gái nào học hết cấp ba mới là chuyện lạ. Con gái thì học hành chi cho nhiều (quan niệm này xưa như trái đất nhưng vẫn còn hiện diện trong gia đình Văn Tèo). Nó như một quy luật bất thành văn: con gái nghỉ học để đi làm công nhân chế biến thủy hải sản (đứng tám tiếng mỗi ngày chưa kể tăng ca, chỉ làm mỗi một việc là lột vỏ ngắt đầu mấy con tôm).

Vì quy luật ấy mà từ ngày Thị Bé vào nhà máy chế biến thủy hải sản, chẳng còn ai gọi cái tên Bội Cơ nữa.

Cứ cách ngày lại sang ca đêm, gần sáng mới được về. Về đến nhà là lăn ra ngủ tới trưa, chẳng mấy khi ló mặt khỏi nhà. Bội Cơ đã trở thành Thị Bé rồi lẫn lộn với Thị Tím, Thị Thoa từ lúc nào chẳng ai còn nhớ, kể cả vợ Văn Tèo.

Đáng lý ra là đã kết thúc ở đây cái câu chuyện chán chết này, nhưng rồi cũng nhờ Văn Tèo mà có chuyện để kể tiếp:

“Thằng Tèo đâu rồi, ra tao biểu coi?”- đấy là giọng của ông già tía, lúc sáu giờ sáng, con Bé vừa vào ca, vợ Văn Tèo về bên ngoại. Bảy mươi tuổi mà giọng ông già tía vẫn sang sảng như hồi Văn Tèo còn ở truồng vọc sình trong đám rừng sau nhà. Tới giờ cơm, chỉ cần ổng đứng ở chái nhà hắng giọng: Tèo à! Là đủ để thằng con nhảy dựng mà chạy xuyên qua đám lá dừa nước dày bít bùng để về nhà.

Đó là chuyện của năm một ngàn chín trăm hồi xưa.

Bây giờ thì cần gì phải lớn tiếng đến vậy, nhứt là vào lúc sáng sớm?

Khi Văn Tèo trong nhà chường mặt ra thì thấy ông già tía đứng đó, hai chân dạng ra khuỳnh khuỳnh như xuống tấn, trong tay lăm lăm cây mác vót bén ngót day lưng về phía Văn Tèo. Cứ như ông đang đối mặt với một con heo rừng dữ tợn - thứ chỉ còn trong ký ức.

Không để Văn Tèo kịp lên tiếng, ông già tía thộp lấy cổ áo ông con, trỏ cây mác vót vào tấm bảng gỗ nguệch ngoạc dòng chữ Bán đất. “Tao chưa chết mà, ai cho phép mày làm chuyện này?” - Ông gầm lên - “Mày có biết mảnh đất này, ông nội, ông cố của mày đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt để có được hay không? Tao chia cho mày để làm ăn nuôi vợ nuôi con chớ đâu phải để bán. Đất này không thể bán được, mày hiểu không?”.

Rồi không kịp để cho Văn Tèo nói chen được một tiếng nào, sẵn cây mác vót trong tay, ông già tía thẳng tay phạt một nhát, tấm bảng Bán đất đứt tiện.

Đến chiều, Văn Tèo làm một tấm bảng khác, dựng lên. Và đến sáng hôm sau, ông già tía lại chém nó đứt tiện bằng cây mác vót. 

Cứ thế, hết ngày này qua ngày khác, hai tía con Văn Tèo như thể đang chơi một trò mang đậm tính bạo lực, có thể đặt tên là Chém cái bảng Bán đất.

“Trò chơi” này chỉ chấm dứt khi hơn hai phần ba đất nông nghiệp của xóm  được đưa vào quy hoạch khu công nghiệp, trong đó có cả mười công

đất của Văn Tèo. Đất được đưa vào quy hoạch thì có cắm đến cả trăm cái bảng bán đất người ta cũng chẳng thèm ngó ngàng đến.

Nhưng ông già tía của Văn Tèo vẫn không bao giờ tin chuyện đó, khi nằm trên giường bệnh, ở những phút cuối cùng của cuộc đời, cứ nằng nặc biểu tụi con cháu mài cho ông cây mác vót để ông đi chém cái bảng bán đất của thằng con mắc dịch. Không thể để nó bán đi mảnh đất của ông bà tổ tiên.

Từ đời của Văn Tèo trở đi, không còn một cuộc phân chia đất đai nào nữa.  Bây giờ chỉ còn mỗi một việc là tính toán xem với mười công đất ấy, sẽ nhận được bao nhiêu tiền đền bù giải tỏa.

Rồi vợ chồng sẽ làm gì, đi đâu khi không còn đất? Thỉnh thoảng, nông dân Văn Tèo lại thở dài, tự hỏi.  

Câu trả lời lại nằm ở một câu chuyện khác.

Còn chuyện Văn Tèo bán đất, bây giờ, chỉ có vậy!   

Chùm truyện ngắn của  Lê Minh Nhựt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.