Nga mua tàu chiến đa năng Mistral

07/01/2011 09:26 GMT+7

(TNTS) Vào cuối tháng 12.2010, các phương tiện truyền thông Nga đồng loạt đưa tin: Chiếc tàu chiến đa năng Mistral (còn gọi là tàu sân bay hai lớp) của Pháp đã thắng thầu trong một dự án nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân của Nga.

Lợi đơn lợi kép

Hợp đồng chính thức giữa Nga và Pháp sẽ được Cơ quan Xuất khẩu vũ khí Nga - Rosoboronexport, xem xét vào đầu năm 2011. Nhưng ngay từ bây giờ, có thể khẳng định đó sẽ là hợp đồng mà giá trị sẽ vượt hơn 1 tỉ euro.

Kết quả chính thức của cuộc đấu thầu được phía Nga chính thức công bố vào ngày 24.12.2010. Trên website của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev có đưa tin: "Tổng thống Medvedev thông báo với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy về việc tàu chiến Mistral đã thắng thầu. Và trong giai đoạn đầu tiên sẽ ký kết hợp đồng để phía Pháp đóng mới 2 chiếc tàu này, sau đó sẽ sản xuất thêm 2 chiếc nữa".

Còn trên website của Điện Élysée khẳng định: "Hợp đồng sẽ được ký kết để Pháp đóng mới 2 chiếc Mistral". Nguồn tin này còn nói thêm rằng việc đóng mới tàu cho Nga có thể đảm bảo cho cả nghìn việc làm trong vòng 4 năm.

Hiện bước đầu mới chỉ có Bộ Quốc phòng Nga và Rosoboronexport ký hợp đồng với nhau. Sau đó, dự kiến trong tháng 1.2011, Rosoboronexport sẽ đàm phán và ký kết với đối tác phía Pháp - hãng DCNS và hãng STX. Báo Vedomosti, Nga dẫn nguồn tin của Liên hiệp Đóng tàu biển Nga cho biết: Giá trị chiếc tàu Mistral đầu tiên là 700 triệu euro, còn chiếc thứ hai sẽ là 600 triệu euro. Số tiền này bao gồm cả chi phí huấn luyện ê-kíp lái tàu, chuẩn bị các dịch vụ cung ứng tại cầu cảng và cả cung cấp các thiết bị, phụ tùng dự phòng.

Tựu trung, để đóng mới 4 chiếc tàu (nếu chiếc thứ ba và thứ tư được hiện thực hóa) hoàn thành sẽ cao hơn mức giá ban đầu là 1,5 tỉ euro. Vào trung tuần tháng 12.2010, báo Le Figaro, Pháp dẫn nguồn tin đáng tin cậy cho biết: Hợp đồng giữa Pháp - Nga trong thương vụ này sẽ vượt hơn 2 tỉ euro. Hiện trong biên chế lực lượng hải quân Pháp có 2 chiếc Mistral và tổng đầu tư cho chúng là 1 tỉ euro.

Sự chênh lệch giá giữa tàu Mistral dành cho Pháp và dành cho Nga có thể biết được ngay qua vài nguyên nhân. Thứ nhất, khi đóng mới Mistral, phía Pháp không mất chi phí để huấn luyện ê-kíp lái. Thứ hai, Mistral cho Nga có thiết kế thay đổi vì được đóng theo yêu cầu quân sự từ phía Nga. Chẳng hạn, đường băng, chỗ đậu… đều phải thiết kế lại để phù hợp với các loại trực thăng Ka-27 và Ka-52. Báo Vedomosti còn viết, ca-bin (từ 2 đến 3 chỗ) dành cho ê-kíp lái sẽ được thiết kế lại cho ấm cúng, tiện nghi hơn. Còn lại, phía Nga sẽ nhận chiếc Mistral với đầu đủ trang thiết bị, kể cả hệ thống thông tin điều khiển Zenith9, nhưng sẽ không có code bí mật như tàu của Pháp và không có giấy phép chuyển giao bản quyền. 

Theo đánh giá của Liên hiệp Đóng tàu biển Nga, tỷ lệ nội địa hóa của Nga trong đóng mới chiếc Mistral đầu tiên sẽ là 20%. Tỷ lệ này này sẽ tăng dần. Mùa thu 2010, vài quan chức quân sự Nga nói: Tỷ lệ nội địa hóa của Nga trong đóng mới con tàu thứ nhất cần phải là 30%, chiếc thứ hai là 60% và từ chiếc thứ ba là 100%. Tuy thế, nhà máy của Nga sẽ tham gia cùng phía đối tác Pháp để đóng Mistral đến thời điểm này vẫn chưa được xác định. Theo vài nguồn tin, nhiều khả năng đó sẽ là Nhà máy đóng tàu Admiralteysky.

Thông báo cụ thể về đấu thầu đóng tàu chiến của Nga không được công bố, nhưng không ít các hãng danh tiếng đã tham gia đấu thầu dự án này. Đó là hãng TKMS của Đức, Daewoo của Hàn Quốc, Navantia của Tây Ban Nha và hãng thiết kế Nevsk của Nga.

Lợi cả đôi bên

Chiếc chiến hạm chở trực thăng Mistral của Pháp thắng thầu được Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga - ông Nikolai Makarov, thông báo vào trung tuần tháng 12.2010. Đây không phải là điều gây bất ngờ. Bởi từ năm 2009 Bộ Quốc phòng Nga đã tiếp cận với tàu Mistral và từ đầu năm 2010 cử đại diện chính thức đàm phán với đối tác Pháp để mua chiếc tàu này. Phía Bộ Quốc phòng Nga cũng ra thông báo, mua hay không Mistral sẽ được "quyết định ở cấp cao nhất".

Theo đánh giá của ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí Nga thì việc mua Mistral có thể mở đường để Nga tiếp cận với hàng loạt công nghệ tiên tiến của Pháp. Chẳng hạn, Nga rất quan tâm đến công nghệ sản xuất nguồn năng lượng khí dành cho tàu ngầm diesel, hay công nghệ sản xuất ngư lôi…

Một thuận lợi khác là ngành công nghiệp đóng tàu Nga sẽ được hưởng lợi khi tham gia dự án này và có được các công nghệ hiện đại của nước ngoài về đóng mới tàu chiến đa năng. Tuy thế, loại tàu này sẽ được sử dụng như thế nào trong hạm đội của Nga cho đến nay vẫn chưa được rõ. Theo lời của ông Nikolai Makarov, chiếc Mistral thứ nhất sẽ được biên chế vào Hạm đội Thái Bình Dương và sẽ làm nhiệm vụ chuyển quân tới đảo Kuril trong trường hợp cần thiết.

Trong khi đó, vào tháng 2.2010, Bộ Quốc phòng Nga lại thông báo Mistral sẽ được sử dụng như tàu chỉ huy. Còn chức năng chở trực thăng chỉ là nhiệm vụ thứ cấp. Một trong những nhiệm vụ khác của Mistral với Nga là dùng nó để chống lại tàu ngầm, hay làm công tác cứu hộ cứu người, cứu tàu trong những tình huống khẩn cấp.

Việc chưa xác định được Mistral sẽ được sử dụng như thế nào làm dấy lên cuộc tranh luận trên các phương tiện truyền thông Nga. Một số ý kiến cho rằng, Nga mua tàu sân bay hai lớp của Pháp chẳng qua chỉ là "cám ơn" Pháp đã ủng hộ Nga trong cuộc chiến tại Nam Ossetia hồi tháng 8.2008. Số khác lại cho rằng, đây là kết quả của việc các nhà máy đóng tàu Nga toan tính tiếp cận với các công nghệ quân sự hiện đại của Pháp.

Dù có thế nào thì Mistral sẽ được biên chế vào lực lượng hải quân Nga. Theo đánh giá của hãng DCNS, nếu mọi chuyện thuận lợi, sau khi ký kết hợp đồng, trong thời hạn 36 tháng, chiếc tàu thứ nhất sẽ được chuyển giao cho phía Nga.

Vài nét về tàu Mistral

Tàu sân bay Mistral dài 192m, rộng 32m, có lượng rẽ nước 21,3 nghìn tấn, chạy với tốc độ trung bình 35 km/giờ và tầm hoạt động trên 17 nghìn km. Trọng tải của Mistral là 23 nghìn tấn, có thể chở 60 xe thiết giáp, hoặc 450 lính đặc nhiệm cùng 13 xe tăng. Hay chở 16 trực thăng loại Eurocopter Tiger và 450 lính đặc nhiệm trong thời gian 6 tháng. Thậm chí 700 binh lính trong thời gian ngắn. Đặc biệt, Mistral là loại tàu chiến thiên về khả năng tiến công.

Mistral có hệ thống động lực điều khiển Azipod, gồm một động cơ điện đặt trong vỏ riêng. Hệ thống này gắn ngoài thân tàu bằng cơ cấu khớp bản lề, có thể quay 360 độ quanh trục đứng. Mistral là tàu chiến đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống Azipod, cho phép duy trì vị trí chính xác của tàu khi trực thăng hạ cánh.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.