Lộ bí mật an ninh quốc gia Mỹ

06/12/2010 23:05 GMT+7

Mỹ ra lệnh thu thập thông tin về cơ sở hạ tầng chủ chốt toàn cầu, Thủ tướng Úc khuyên Washington chuẩn bị đánh Bắc Kinh, theo WikiLeaks.

WikiLeaks vừa tung ra một con bài nặng ký trong cuộc chiến với chính quyền Mỹ: danh sách các cơ sở hạ tầng trọng yếu trên toàn thế giới có liên quan mật thiết đến an ninh của quốc gia này. Tập tài liệu được đóng dấu “mật” và có lẽ là thông tin gây tranh cãi nhất mà WikiLeaks tung ra tới nay.

“Mục tiêu khủng bố”

Theo nội dung một bức điện từ Bộ Ngoại giao vào tháng 2.2009, Mỹ đã yêu cầu các sứ quán trên toàn cầu cập nhật danh sách “những mối quan tâm chủ chốt”. Danh sách này chia thế giới thành 6 khu vực, gồm châu Phi, Đông Á và Thái Bình Dương, châu u và lục địa u - Á, Trung/Cận Đông, Nam - Trung Á, Tây bán cầu. Danh sách nêu tên các đường ống khí đốt, cơ sở viễn thông như vị trí cáp quang, vệ tinh..., cảng biển, hàng không, mỏ khoáng sản và các khu vực giao thông quan trọng. Phạm vi địa lý của danh sách trên được BBC đánh giá là “lớn khủng khiếp”. Đây được cho là danh bạ toàn cầu về các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất. Nó cũng lý giải rõ ràng sự phụ thuộc của Mỹ vào những cơ sở này, từ nhà máy sản xuất vắc-xin ở Đan Mạch đến mỏ bauxite tại Guinea và mỏ khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Trung Đông. Ví dụ, nếu al-Qaeda tấn công eo biển Hormuz ở biển Ả Rập và kênh đào Panama, hoạt động thương mại của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bức điện cũng nhấn mạnh rõ cơ sở quân sự và tài sản của chính quyền Mỹ không thuộc danh sách trên và những người tập hợp danh sách không cần tham khảo ý kiến của các chính quyền nước ngoài. Phía chỉ trích đã cực lực phản đối WikiLeaks sau tiết lộ mới nhất, cho rằng website này đã cung cấp thêm các mục tiêu tấn công khủng bố mới cho bọn tội phạm. Tuy nhiên, WikiLeaks cho rằng tài liệu đó, được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chuẩn thuận, là bằng chứng cho thấy chính quyền Washington thu thập thông tin nhạy cảm tại nước ngoài mà không thông báo cho chính quyền sở tại.

Lời khuyên vàng từ Canberra

“Cơn địa chấn” ngoại giao cũng  đã lan đến Úc sau khi WikiLeaks tiết lộ bức điện có thể đe dọa quan hệ giữa nước này và Trung Quốc. Trong đó, Thủ tướng Úc lúc đó là Kevin Rudd đã khuyên Mỹ nên chuẩn bị đánh Trung Quốc “nếu tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu”.

Bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi lại chi tiết cuộc đối thoại vào tháng 3.2009 trong lúc ông Rudd và Ngoại trưởng Clinton dùng bữa trưa tại Washington. Bà Clinton nói Thủ tướng Úc tự mô tả mình không phải là nhân vật thân Trung Quốc như ông thường thể hiện. Ông Rudd nhận định các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hoàn toàn dựa trên lý trí mà bị “hoang tưởng” về Tây Tạng và “nhạy cảm” về Đài Loan. Ông Rudd nói nên tìm cách để hòa nhập Trung Quốc vào cộng đồng thế giới, khiến nước này phải thể hiện trách nhiệm lớn hơn. Bên cạnh đó, chính khách thông thạo tiếng Trung này cũng nhắc đến kế hoạch xây dựng và phát triển lực lượng hải quân Úc thành một lực lượng cân bằng với sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Ông Rudd, hiện là Ngoại trưởng Úc, hôm qua đã trả lời báo giới sau khi WikiLeaks tiết lộ nhận xét của mình về Trung Quốc. AFP dẫn lời ông một mực bảo vệ quan điểm của mình, khẳng định bất đồng trong quan hệ song phương là chuyện bình thường. Ông cho biết vẫn chưa liên lạc với Bắc Kinh về những nhận xét trên và cũng không có ý định làm việc đó. Ngoại trưởng Úc khẳng định quan hệ song phương giữa Úc và Trung Quốc đủ mạnh để đứng vững trước những tiết lộ của WikiLeaks.

Theo giới quan sát, Thủ tướng đương nhiệm Julia Gillard sẽ sớm phải thể hiện quan điểm chính thức của mình về vấn đề Bắc Kinh để khỏa lấp những gì người tiền nhiệm, nay là thuộc cấp của bà, đã tuyên bố ở Washington.

WikiLeaks liên tục “nhân bản”

Bất chấp các biện pháp ngăn chặn, vẫn có hàng triệu người hằng ngày truy cập vào WikiLeaks để tìm kiếm thông tin. Website này đã tung ra hơn 355 website con, chứa toàn bộ nội dung có trên website chủ. Trong trường hợp trang chủ bị tấn công, người đọc vẫn có thể truy cập dữ liệu bình thường. Trong tin nhắn trên Twitter, nhà sáng lập Julian Assange thông báo số website nhân bản sẽ còn tiếp tục tăng thêm.

Trong một diễn biến khác, Washington buộc phải “thay máu” toàn bộ các cơ quan ngoại giao trên toàn cầu, sau khi tên nhiều quan chức xuất hiện trong các mật điện bị rò rỉ. Không ít người ở vị trí chủ chốt như Đại sứ Mỹ tại Libya là Gene Cretz, hay phái đoàn của Mỹ tại LHQ…Điều này đẩy chính quyền Mỹ vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về nhân lực của Bộ Ngoại giao.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.