Điêu khắc trên hạt gạo

23/11/2010 09:55 GMT+7

(TNTS) Nghệ thuật vẽ tranh và viết chữ lên hạt gạo đã xuất hiện từ lâu đời ở Ấn Độ. Hạt gạo sau khi trải qua công đoạn “vẽ vời” sẽ được đặt trong lọ thủy tinh làm đồ trang trí. Hiện nay, thú chơi này đang “nóng” trong giới trẻ tại VN.

Những tác phẩm được làm ra từ hạt gạo thường được dùng làm các đồ vật trang trí, trang sức như hoa tai, vòng tay, vòng cổ và các vật lưu niệm. Các bạn trẻ hiện nay rất thích những món đồ được làm từ hạt gạo có khắc tên mình hay tên của những người thân. Tuấn, sinh viên trường ĐHKH Xã hội & Nhân văn nói: “Gạo tượng trưng cho sự no ấm, nên dùng hạt gạo làm quà tặng rất có ý nghĩa. Đặc biệt, hạt gạo nhỏ xíu còn được khắc tên hay khắc ngày kỷ niệm nên độc và lạ. Thấy tôi dùng móc khóa có hạt gạo khắc hình trái tim, ai cũng thích”. Hỏi ra mới biết, Tuấn “tậu” cái móc khóa “độc” trên tại một trang web trên mạng chuyên bán những mặt hàng lạ. Hiện nay, hầu hết các vật trang trí có chứa hạt gạo thường được rao bán trên internet là chính. Còn Lan Phương (Q.5, TP.HCM) tiết lộ: “Thấy anh bạn thân mang cái móc khóa có chứa hạt gạo bên trong rất đẹp, tôi cũng thử mày mò trên mạng tìm kiếm nguyên liệu vật liệu và nghiên cứu cách khắc chữ, rồi tự mình “xông pha” vào nghệ thuật này. Tôi khắc chữ lên hạt gạo không phải để bán mà chỉ để tặng bạn bè nhân dịp sinh nhật hay lễ tết mà thôi. Món quà không đắt giá nhưng mang nhiều giá trị tinh thần”.

Xuân Khôi, một trong những người mang thú chơi này nhân rộng ra TP.HCM cho biết: “Chữ khắc lên hạt gạo thường là tên hoặc lời chúc. Sau khi khắc, để hạt gạo vào chiếc bình thủy tinh có chứa dung dịch chống làm hư và mốc hạt gạo”. Muốn khắc chữ hay vẽ hình lên hạt gạo không phải dễ, vì diện tích bề mặt hạt gạo rất nhỏ. Người khắc phải cực kỳ khéo tay và tinh mắt. Theo anh Khôi, mỗi mặt của hạt gạo có thể khắc tối đa chừng 5 đến 6 ký tự và người thành thạo thì tốn chừng 30 phút là có thể khắc xong một hạt gạo theo đúng yêu cầu. “Ban đầu, để khắc xong một hạt gạo mất cả ngày trời ròng rã, rồi nhiều khi khắc hư làm nát cả hạt gạo. Từng động tác điêu khắc đều phải thực hiện thật chính xác và tỉ mỉ. Khắc tên hay khắc ngày tháng còn đơn giản vì những ký tự này mình đã làm quen tay. Còn nhiều mẫu hình phức tạp khách hàng mang đến yêu cầu cần phải tốn nhiều thời gian hơn, có khi “bó tay” nếu như hình có nhiều chi tiết quá”, Xuân Khôi tâm sự. Ngoài ra, cái khó nữa là còn phải tìm dung dịch bảo quản hạt gạo. Giá thành của mỗi sản phẩm có chứa hạt gạo đã được khắc chữ hoặc vẽ hình dao động từ 60.000 đồng đến 200.000 đồng tùy theo lớp “vỏ” bên ngoài hạt gạo là pha lê, thủy tinh hay thủy tinh dạ quang.

Nguyễn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.