Đặc thù không phải là đặc quyền

16/11/2010 23:45 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự luật Thủ đô, sáng 16.11 nhiều ý kiến của ĐBQH tỏ ra chưa đồng tình với những quy định mà dự luật đưa ra.

Không công bằng

ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) nhận xét: “Dự luật tạo ra một bộ máy với chức năng, quyền hành và quyền hạn của bộ máy chính quyền thủ đô không phải là một bộ, cũng không phải là bộ máy của một cấp tỉnh, tôi không hiểu được cái này nó là cái gì?”.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lên tiếng: “Chúng ta cần phân biệt, làm rõ vấn đề đặc thù không phải là đặc quyền. Nhưng tôi rất tiếc trong dự luật quy định vấn đề liên quan đến chiến lược, quy hoạch, quản lý không gian phát triển kinh tế, phát triển ngoại thành, văn hóa giáo dục... đều là đặc thù của đô thị lớn chứ không phải riêng thủ đô. Nếu ta biến nó thành riêng của thủ đô thì sẽ xung đột hệ thống và tạo sự bất công bằng”. 

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng có lẽ ta cố gắng hoàn thiện hơn sửa đổi pháp lệnh đã có, sau đó chúng ta sẽ xây dựng một đô thị và sửa lại Hiến pháp để tạo một cơ hội phát triển lâu dài cho Hà Nội và trên nền tảng đó chúng ta sẽ xây dựng Luật Đô thị, Luật Thủ đô thì sẽ hợp lý hơn”. Tán đồng ý kiến này, ĐB Trần Du Lịch đề nghị: “Để có một thủ đô tương xứng đặt trong tổng thể, chắc chắn phải sửa các quy định của Hiến pháp”.

Tăng quyền phải tăng quản lý và giám sát

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: “Nếu cho phép Hà Nội có cơ chế chính sách đặc thù theo hướng mở hơn các địa phương khác thì cũng cần có quy định mang tính ràng buộc kiểm soát chặt chẽ và cụ thể hơn vào trong dự thảo luật. Cơ chế chính sách đặc thù là biện pháp thúc đẩy để đạt được mục tiêu đặt ra và khi nào mục tiêu đã đạt được thì cơ chế chính sách đó phải được chấm dứt”.

Đại diện cho ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Chúng tôi rất đồng tình cơ chế kiểm tra, kiểm soát. Chính vì vậy cho nên Chính phủ cũng mạnh dạn đề nghị có một cơ chế giám sát riêng trong luật này. Pháp lệnh Thủ đô 9 năm qua, nói chung chưa được giám sát lần nào cả”.

Là ĐBQH của Hà Nội nhưng ông Nguyễn Ngọc Đào thẳng thắn: “Hãy lắng nghe ý kiến của nhân dân cả nước thì chúng ta sẽ tìm được những quy phạm mà tôi cho là một hành lang pháp lý vừa phải, hợp lý”.

"Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”

Về vấn đề quản lý dân cư mà dự thảo luật quy định, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc vì Luật Cư trú đã quy định cụ thể điều kiện thường trú, tạm trú của công dân. "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó”, ở đâu có việc làm, có cơm ăn, có áo mặc, con cái được học hành, an ninh trật tự được bảo đảm thì họ tìm đến", ĐB Khá nói và cho rằng: “Chính quyền thủ đô phải làm gì để đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân, thay vì dùng các biện pháp hành chính. Thủ đô nên dùng biện pháp kinh tế - xã hội khác như thúc đẩy phát triển đô thị vệ tinh các vùng ngoại thành để thu hút người dân giãn ra”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ: “Trước khi có Luật Cư trú thì đã có một thời gian dài chúng ta dùng biện pháp hành chính, nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, nhưng không đem lại hiệu quả. Vì vậy giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo quy hoạch, như dùng giải pháp về kinh tế - xã hội, di chuyển bớt các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, xây dựng những vùng nội thành, xây dựng các đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông công cộng thuận lợi để kết nối nội thành với ngoại thành, chứ không nên dùng biện pháp hành chính”.

Trong khi đó, đại diện cho ban soạn thảo, ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, lại cho rằng: “Biện pháp trước mắt vẫn phải có hành chính”. Ông Cường lý giải: “Theo báo cáo của thủ đô Hà Nội trong mấy năm thi hành Luật Cư trú, một năm có 176.000 người nhập cư vào nội thành Hà Nội. Chính vì vậy vừa qua Chính phủ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 107 để hướng dẫn thi hành Luật Cư trú, đã thắt lại một phần đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và riêng đối với Hà Nội, TP.HCM, nhưng cái thắt lại đó vẫn phải trên cơ sở Luật Cư trú. Trong dự án luật này, Chính phủ muốn xin một cơ chế nữa để kiểm soát chặt hơn”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.