Bất đồng trong việc ban hành Luật Thủ đô

16/11/2010 18:18 GMT+7

(TNO) Hôm nay 16.11, Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô tại phiên họp toàn thể. Đa số ý kiến đại biểu Hà Nội đều bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành luật này, song các đại biểu QH không thể tìm được tiếng nói chung trong nhiều nội dung chi tiết của dự luật.

“Hà Nội không thể là khu độc lập với cả nước”

Khẳng định sự cần thiết đối với việc Thủ đô có một số cơ chế chính sách đặc thù mạnh mẽ quyết liệt hơn để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh sao cho xứng đáng với bộ mặt của cả nước, tuy nhiên ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) nhấn mạnh “những cơ chế chính sách đặc thù này phải không được trái với Hiến pháp, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân dù ở Hà Nội hay ở bất cứ địa phương nào, Hà Nội không thể là một khu độc lập với cả nước”.


Đại biểu Lê Văn Học - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ĐB Học dự thảo luật đưa ra đến gần 20 cơ chế chính sách đặc thù nhưng chưa giải thích rõ tại sao lại phải có thêm ngần ấy cơ chế chính sách.

“Có phải tất cả do chính sách pháp luật của ta hiện hành chưa có hay không thể áp dụng được, hay là chính sách pháp luật hiện nay đã cản trở không sát thực tế Hà Nội mà cần bắt buộc phải điều chỉnh thì chưa thấy giải thích rõ ở trong dự án luật cũng như tờ trình của Chính phủ", ĐB Lê Văn Học bày tỏ nghi ngờ về sự xuất hiện quá nhiều cơ chế đặc thù trong dự Luật Thủ đô.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị rà soát nội dung các cơ chế chính sách đặc thù. Theo đại biểu, nhiều cơ chế không nên đưa vào luật, bởi “đã là đặc thù để đạt mục đích nào đó thì khi đạt được mục đích rồi phải chấm dứt. Do đó, khi thấy cần thiết thì để Chính phủ quy định, áp dụng có thời hạn”.

Bày tỏ băn khoăn về những biện pháp hành chính nhằm hạn chế người nhập cư làm gia tăng quá mức dân số Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Khá ví von: “Thóc ở đâu, bồ câu đến đó. Xu hướng nhập cư là tất yếu. Thay vì sử dụng những rào cản hành chính, Hà Nội cần có những biện pháp kinh tế - xã hội như xây dựng đô thị vệ tinh, “kéo” các trường đại học, bệnh viện ra ngoại vi, nhưng phải đảm bảo các điều kiện thiết yếu khác về cơ sở hạ tầng”.

“Muốn cấm phương tiện cá nhân vào nội đô thì phải có tàu điện ngầm, xe buýt chứ làm sao có thể rủ nhau đi bộ vào Thủ đô?”, ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đặt câu hỏi.

“Đặc thù của Hà Nội là địa chính trị”

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) thẳng thắn nêu quan điểm: “Điểm đặc thù nhất của Hà Nội mà không nơi nào có chính là vị thế địa chính trị. Còn nhiều “đặc thù” khác là vấn đề chung của các “siêu đô thị”. Cho nên, luật chỉ nên quy định những cơ chế đặc thù để đáp ứng vai trò trung tâm chính trị của Thủ đô hoặc Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có giá trị như luật về Thủ đô và chuẩn bị bài bản hơn cho việc xây dựng Luật Thủ đô”.


Đại biểu Trần Du Lịch phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cũng phân tích sâu ở khía cạnh lịch sử về thời gian xây dựng và phát triển Hà Nội với tư cách là một Thủ đô của đất nước. Từ đó, nhà sử học này chủ động đưa ra quan điểm rằng “điều bất cập nhất hiện nay trong việc quản lý những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM là chúng ta chưa có một mô hình quản lý đô thị, nó vẫn được quản lý như các tỉnh, thành khác”.

Theo ĐB Dương Trung Quốc, trước khi tính đến việc ban hành Luật Thủ đô, điều quan trọng hơn, là nền tảng cho sự phát triển vững chắc chính là Luật Đô thị. Nếu chúng ta chưa ban hành Luật Đô thị, thì việc ban hành Luật Thủ đô chỉ thể hiện tình cảm, ý chí của chúng ta mong muốn Thủ đô phát triển, nhưng nó sẽ bất cập, không đi vào được đời sống. Đôi khi những yếu tố đặc thù có thể bị biến thành những đặc quyền, đặc lợi.

“Trên thực tế, có những vấn đề được phân cấp cho Hà Nội mà không giao cho các địa phương khác; ngược lại, cũng có những việc chỉ phân cấp cho tỉnh thành khác mà không phân cấp cho Hà Nội”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) tranh luận. “Quy định về quản lý dân cư trong dự thảo Luật Thủ đô không trái Hiến pháp, cũng không ảnh hưởng đến tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật”.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cũng cho rằng: “Tuy có “đụng chạm” đến một số luật khác, nhưng theo nguyên tắc thì luật sau có thể sửa luật trước cho phù hợp hơn”.

Tuy nhiên, chính ĐB Đinh Xuân Thảo cũng phải thừa nhận chính cách thể hiện của dự luật làm người dân có cảm tưởng rằng Hà Nội được ưu đãi đặc biệt quá.

Trong khi đó, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn về quy định mức xử phạt hành chính trong khu vực nội thành cao hơn so với mức chung của cả nước: “Tăng phạt có giải quyết được bức xúc không? Cơ sở nào quy định mức phạt cao không quá 5 lần cả nước, trong khi thu phí chỉ cao không quá 3 lần?”.

Ông Trần Ngọc Vinh cũng cho rằng, trước khi áp dụng Luật Cư trú, “chúng ta đã từng áp dụng nhiều biện pháp hành chính để hạn chế dân nhập cư vào thành phố lớn, nhưng không có hiệu quả. Cho nên quản lý dân cư phải bằng các biện pháp kinh tế xã hội”.

Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.