Bất đồng bao phủ hội nghị G20

12/11/2010 00:33 GMT+7

Mục tiêu bình ổn nền kinh tế thế giới của G20 đang bị đe dọa bởi những tranh chấp ngày càng lớn dần về chính sách thương mại, tiền tệ.

Hội nghị thượng định G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) khai mạc hôm qua tại Seoul, Hàn Quốc trong nỗ lực xây dựng kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính thế giới và định ra cơ chế an toàn tài chính cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, một thỏa hiệp giữa các thành viên G20 đang trở nên khó đạt được hơn bao giờ hết trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh tiền tệ đang có nguy cơ bùng nổ. G20 đang bị giằng xé bởi một bên muốn Trung Quốc phải nâng giá nội tệ, và một bên đang giận dữ trước chính sách mới của Washington bơm thêm 600 tỉ USD vào nền kinh tế.

Thay vì chỉ tập trung vào đối phó khủng hoảng như 4 hội nghị trước, lần đầu tiên ý tưởng thành lập trật tự kinh tế mới được các nhà lãnh đạo nhìn nhận một cách nghiêm túc trong hội nghị kéo dài 2 ngày lần này. Hiện thế giới đang tồn tại một trật tự với Mỹ là nước chịu tình trạng thâm hụt thương mại kinh niên, trong khi các nước khác như Trung Quốc Đức và Nhật Bản luôn hưởng thế xuất siêu. Trong lá thư gửi các vị đồng nhiệm tại G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh nước này không thể tiếp tục làm người tiêu thụ chung cho cả thế giới và vận động các bên ủng hộ sáng kiến phải giới hạn cán cân thương mại thặng dư hoặc thâm hụt ở mức 4% GDP.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định đặt mục tiêu cho cán cân thương mại là chuyện bất khả và điều quan trọng là các nước không nên áp đặt những biện pháp bảo hộ mậu dịch quá mức. Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố không ủng hộ các đề xuất của Mỹ trong nỗ lực dàn xếp mất cân bằng thương mại. Theo Reuters, Moscow bày tỏ lo ngại về tình trạng mất ổn định và mất cân bằng trong nền kinh tế thế giới, cũng như việc một số nước đang phá giá tiền tệ để kích thích tăng trưởng.

Cũng trong hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có buổi hội đàm kín tại Seoul để thảo luận về vấn đề tỷ giá. Nội dung chi tiết không được công bố nhưng sau buổi gặp, 2 nhà lãnh đạo đều cam kết tăng cường quan hệ mọi mặt và sẽ phối hợp hành động để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tình hình sẽ khó khả quan hơn sau hội nghị lần này. Các bên vẫn chưa tìm được cách vượt qua bất đồng quá lớn về thương mại và tiền tệ để hướng đến mục tiêu cân bằng và ổn định cho từng nền kinh tế thành viên, từng khu vực và cả thế giới.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.