Nhọc nhằn dạy trẻ khuyết tật

01/11/2010 02:12 GMT+7

Các trường dạy trẻ khuyết tật thường mang tên Hy Vọng, Niềm Tin, Ánh Dương... bởi trong đó chan chứa những mong ước về một tương lai tươi sáng. Thế nhưng giáo viên (GV) và học sinh (HS) các trường này đang gặp bộn bề những khó khăn, thiếu thốn...

Đã qua gần 5 năm, nhưng cô Phạm Thị Vũ Xuyên, giáo viên trường Khuyết tật Hy Vọng (Q.8, TP.HCM) vẫn nhớ như in cái cảm giác bất ngờ và choáng váng khi bị một HS ném hộp bút vào mặt đến chảy máu.

Cô Lê Thị Dung - Hiệu trưởng trường chuyên biệt Bình Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Có cô giáo ngoài 20 tuổi dạy HS 18 tuổi, có khi phải tắm rửa thay đồ cho các em… Không từ ngữ nào có thể lột tả được hết những khổ cực trong công việc nuôi dạy trẻ khuyết tật bằng việc đích thân mình tham gia. Vì vậy, mỗi khi có giáo sinh đến nộp hồ sơ tôi đều cho các em khoảng thời gian suy nghĩ, nếu thấy mình đủ độ kiên nhẫn thì quay trở lại”.

Nhưng thu nhập của GV khuyết tật mới thực sự bi đát. Cô Nguyễn Ngọc Hạnh dạy ở trường Hy Vọng (Q.8) từ ngày mới thành lập cách đây 21 năm mà hiện nay tổng thu nhập (lương và phụ cấp 70%) chưa đến 4 triệu đồng/tháng, cô Vũ Xuyên  (thâm niên 5 năm) nhận được 2,6 triệu đồng... Còn GV mới vào nghề thì chỉ nhận lương theo hệ số tức là khoảng 1 triệu đồng/tháng. Vậy mà, từ GV cho đến ban giám hiệu các trường đều nhất mực cho rằng mình có thể vượt được qua mọi khó khăn. Cô nào cũng lo sao đến 18 tuổi các em có được kiến thức hoặc một nghề trong tay để hòa nhập với xã hội.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó ban Chỉ đạo giáo dục khuyết tật Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Hiện nay Sở quản lý 27 trường dành cho trẻ khuyết tật, nuôi dạy được gần 2.300 HS trong khi nhu cầu theo học còn khá nhiều. Và ngay trong dự án trợ giúp người tàn tật, UBND TP.HCM yêu cầu mỗi quận huyện phải xây dựng ít nhất 1 trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật nhưng đến nay vẫn còn 7 quận, huyện chưa có trường”.

Trong khi đó, các quận, huyện có trường lại không được quan tâm. Hằng ngày, 46 HS và 12 GV trường Hy Vọng (Q.8) cùng sinh hoạt trong căn nhà phố 2 tầng lầu xây dựng từ trước năm 1975 với tổng diện tích khoảng 200m2. Đó là chưa kể những ngày mưa hay triều cường, trường nằm trong hẻm thấp hơn so với mặt đường, GV vừa phải lo cho HS vừa phải lo tát nước. Còn trường chuyên biệt Ánh Dương (Q.12) là dãy nhà cấp bốn xuống cấp trầm trọng. Hằng năm, sửa chữa lớn nhất của nhà trường là quét vôi lại 4 bức tường...

Các trường còn gặp khó khăn vì khan hiếm GV. Tại TP.HCM có 2 trường là ĐH Sư phạm TP.HCM và CĐ Mẫu giáo T.Ư 3 có mã ngành đào tạo GV tật học nhưng thí sinh dự thi vào ngành này khá hiếm, đặc biệt HS của TP lại không có hứng thú với ngành này.           

Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.