Yếu nghiệp vụ trong vụ Vinashin?

22/10/2010 14:38 GMT+7

(TNO) “Thanh tra, kiểm tra, giám sát như thế nào mà có tới 11-12 đoàn đi kiểm tra vẫn không có kết luận chính xác, để xảy ra vụ phá sản Vinashin. Phải chăng là do nghiệp vụ hay do cái gì mờ ám đằng sau?”. >> Vinashin thực chất đã phá sản >> Chính phủ "mổ xẻ" các sai phạm của Vinashin

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) bức xúc đặt câu hỏi như trên trong cuộc thảo luận ở tổ về Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011, diễn ra sáng 22.10.

Khẳng định vấn đề của Vinashin thuộc phạm trù quản lý doanh nghiệp nhà nước, ĐB Trần Ngọc Vinh cho rằng việc quản lý vốn của Nhà nước rõ ràng có sự buông lỏng, quan liêu, đồng thời cần thẩm định lại năng lực nghiệp vụ trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với những vấn đề về sai phạm được phản ánh từ cơ sở lên cấp trên, cần có chế tài rõ ràng ngay cả đối với đoàn thanh tra sau khi đã tiến hành xác minh mà vẫn xảy ra vụ việc tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế, tạo dư luận xấu trong xã hội.

ĐB Phùng Văn Kiểm (đoàn Lạng Sơn) nêu: “Vụ việc Vinashin đã có từ lâu, đơn từ phản ánh gửi nhiều tới các cơ quan thẩm quyền nhưng không có hồi âm. ĐBQH cũng đã nêu công khai, nhưng dường như những người có trách nhiệm không quan tâm”.

Chia sẻ quan điểm trên, ĐB Lê Quang Bình (đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề: “Chúng tôi nhận được những thông tin, số liệu đáng tin cậy từ phía các ngân hàng liên quan đến Vinashin, khẳng định rằng số nợ của tập đoàn này lên tới 120 ngàn tỉ đồng, không chỉ là 86 ngàn tỉ đồng. ĐBQH sẽ đề nghị Chính phủ giải trình rõ ràng về sự chênh lệch số liệu này và khẳng định công khai trước QH”.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) lên tiếng: “Tại sao Vinashin để xảy ra lỗ vốn lớn như vậy mà vẫn được rót thêm vốn?”. Ông Thuyết cho rằng: “Quyết định của Chính phủ đồng nghĩa với việc chúng ta tiếp tục bao cấp cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Điều đó thể hiện việc chúng ta đang mắc bệnh ngẫu hứng, và có thể dẫn tới những Vinashin khác trong tương lai”.

ĐB Lê Quang Bình bày tỏ: “Chúng ta đã có Luật công chức nhà nước quy định về chức năng, thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, cách chức người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vậy khi Thủ tướng không đồng ý cho Vinashin mua tàu Hoa Sen nhưng cấp dưới vẫn làm mà không có kiểm điểm nghiêm túc, thậm chí kỷ luật”; và đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của Bộ chủ quản (Bộ Giao thông vận tải) và cơ quan chuyên ngành (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong vấn đề này đến đâu?”.


Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận chưa kiên quyết bảo vệ quan điểm trong vụ Vinashin

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc thừa nhận bộ có trách nhiệm một phần trong vấn đề này khi không kiên quyết bảo vệ quan điểm trong việc tham mưu cho Chính phủ về việc “không đồng tình với chủ trương mở rộng, hoạt động đa ngành, đa nghề của Vianshin”.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nêu ra một “sơ hở lớn trong Luật Doanh nghiệp nhà nước là có cơ chế cho phép HĐQT tập đoàn, tổng công ty nhà nước được quyền quyết định đầu tư dự án có giá trị bằng 50% tổng giá trị tài sản của tập đoàn, dẫn tới việc đầu tư lớn, ồ ạt, thiếu quy hoạch và không kiểm soát tốt nguồn vốn”.

Thành Lương
 
Ảnh: Ngọc Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.