Đường hầm dài nhất thế giới

17/10/2010 00:05 GMT+7

Ngoài đồng hồ và sô-cô-la, từ ngày 15.10, người Thụy Sĩ có thêm một niềm tự hào mới: đường hầm Gotthard.

14 giờ 20 phút giờ địa phương (19 giờ 20 phút ngày 15.10, giờ VN), máy khoan phá vỡ những lớp đá cuối cùng trong sự hân hoan của đội ngũ kỹ sư, công nhân và hàng trăm ngàn người theo dõi trực tiếp qua truyền hình, theo Tribune de Genève. Sau 15 năm lên kế hoạch và thực hiện, đường hầm dài nhất thế giới nối hai thị trấn Erstfeld và Bodio của Thụy Sĩ đã được hoàn thành. 

Hàng loạt kỷ lục

Với chiều dài 57 km, đường hầm Gotthard xuyên dãy núi Alps của Thụy Sĩ đã vượt qua “đương kim vô địch”, đường hầm Seikan nối 2 đảo Honshu-Hokkaido của Nhật (53,8 km) và phá luôn kỷ lục châu u của đường hầm xuyên biển Manche (49,9 km).

Công trình này còn chứng minh sự chính xác của công nghệ Thụy Sĩ: đường hầm Gotthard sau khi đào xong chỉ sai lệch 8 cm chiều rộng và 1 cm chiều cao so với tính toán ban đầu. Nằm ở độ sâu khoảng 2.000m trong lòng núi, nhiệt độ của đường hầm Gotthard được giữ ở mức 28°C. Theo nhật báo Le Temps, để hoàn thành 57 km đường hầm, Công ty AlpTransit Gottard SA phải đào hệ thống giếng, đường ống và đường hầm phụ với tổng chiều dài 152 km. Ngoài ra, 24 triệu tấn đá đã được lấy ra khỏi dãy Alps. Tổng cộng 2.500 kỹ sư, công nhân, chuyên gia địa chất… đã làm việc tại công trình, có 8 người đã thiệt mạng do tai nạn lao động.


.. trong sự vui mừng tột độ của các công nhân ở Gotthard - Ảnh: AFP

Khi được đưa vào sử dụng vào năm 2017, hệ thống đường sắt của đường hầm Gotthard sẽ giúp rút ngắn thời gian đi từ Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Ý) còn 2 giờ 40 phút, nhanh hơn 1 giờ so với hiện tại. Các chuyến tàu sẽ chạy nhanh gấp đôi, với vận tốc từ 160 - 250 km/giờ, tùy theo tàu hàng hay tàu khách. Lượng tàu qua lại hằng ngày tại trục Gotthard sẽ đạt trên 200 chuyến. Nhờ đó, việc chuyên chở hàng hóa ở Thụy Sĩ dự kiến sẽ tăng lên 78% vào năm 2030 so với năm 2004.

Tầm nhìn chiến lược

Nếu 2 dãy núi Alps và Jura là thế mạnh du lịch của Thụy Sĩ thì đây cũng chính là rào cản giao thông, gây nhiều khó khăn cho mở rộng thương mại, giao thông. Từ lâu, nước này đã xem việc mở đường hầm xuyên dãy Alps là trọng tâm của các chương trình phát triển. Ngoài ra, đường hầm Gotthard cũng sẽ giúp trục giao thông bắc - nam ở châu u, vốn lâu nay bị các dãy núi ngăn trở, thông thoáng và dễ dàng hơn.

Chi phí cho việc xây dựng đường hầm Gotthard lên đến 7,5 tỉ euro nhưng đã được người dân đồng tình qua các cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1992 và 1998, theo AFP. Năm 1993, những đường hầm thăm dò địa chất vùng Saint-Gotthard thuộc dãy Alps bắt đầu được xây dựng. Tháng 7.1998, công nhân bắt đầu phá núi, mở đường cho công trình thế kỷ. Khi mọi điều kiện cơ sở hạ tầng của đường hầm hoàn thành và được đưa vào sử dụng năm 2017, các tuyến đường sắt mới sẽ phục vụ cho hơn 20 triệu dân của Áo, Đức, Thụy Sĩ, Ý.

Ngoài ra, công trình này còn là biểu tượng cho tinh thần bảo vệ môi trường của Thụy Sĩ. Từ nhiều năm nay, nước này đã thông qua nhiều chính sách nhằm chuyển hướng các phương tiện giao thông vận tải từ đường bộ sang đường sắt, giúp giảm khí thải. Thụy Sĩ hy vọng với hầm Gotthard nước này sẽ đạt mục tiêu hạn chế mỗi năm chỉ còn 650.000 xe có tải trọng lớn đi qua dãy Alps vào năm 2019 (so với hơn 1 triệu lượt hiện nay).

Nguyễn Ngọc Lan Chi 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.