Sự thật đằng sau những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

05/10/2010 07:30 GMT+7

Khi nghe những đứa trẻ sơ sinh được thông báo “bị bỏ rơi” trên các phương tiện thông tin, thoạt nghe ai cũng nghĩ là sự thật. Nhưng thực ra trong đó có không ít đứa trẻ không bị bỏ rơi mà bị chính mẹ bé chào bán từ lúc còn ở trong bào thai.

Gần 1 tháng trời tiếp cận những người mua trẻ sơ sinh tại TP Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy mua bán trẻ sơ sinh đã trở thành "một công nghệ".

Người đàn bà mua trẻ sơ sinh

Phải mất rất nhiều thời gian lân la, làm thân, trò chuyện với các cô gái giang hồ ở nhiều nơi, chúng tôi mới tìm ra đầu mối liên quan đến vụ việc mua bán trẻ sơ sinh.

Giáp mặt

Người được các cô gái giang hồ nhắc đến nhiều nhất trong các câu chuyện bán con của họ, chính là người đàn bà tên Xê (ngụ ở Kim Liên, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Trong câu chuyện của họ, bà Xê là người chuyên mua tất cả những đứa trẻ vừa chào đời của các cô gái này. Ngay khi họ vừa "có bụng", bà đã biết ngay và xuống lân la, gạ mua cho bằng được. “Bà đó mua nhanh, thanh toán gọn, và trẻ sơ sinh kiểu gì bả cũng mua, không bao giờ xét nghiệm xem mẹ nó có bị bệnh gì không!”.

Từ những câu chuyện kể của họ, chúng tôi đã tìm mọi cách để người đàn bà nổi tiếng chuyên mua trẻ sơ sinh lộ diện. Xin được số điện thoại, chúng tôi gọi đến. Người đàn bà giọng khàn, đặc trưng người vùng ven biển Đà Nẵng, nói chuyện với đầy sự e dè, nghi hoặc. Thuyết phục rằng bạn thân của chúng tôi vừa bán con cho bà, nên mới biết và có số, bà vẫn đặt những câu hỏi nghi ngờ. Chúng tôi phải nhận mình là cặp sinh viên không may có bầu, lại thiếu tiền, về quê thì sợ, nên muốn bán con và nói ra một cái tên quen biết mà bà ta từng mua con, bà này mới đồng ý gặp mặt. Cuộc gặp diễn ra tại một quán nước ven đường, thuộc địa phận Q.Liên Chiểu, gần Bến xe Trung tâm.

Bà Xê khá nhanh nhẹn, mặt xương, đen; người đeo đầy vòng vàng. Vừa bước vào, thấy cô gái mang cái bầu to, mắt bà đã sáng bừng lên. Bà chạy ngay đến bên người đóng vai có bầu trong chúng tôi, bắt đầu chị em ngọt ngào, nhập chuyện nói huyên thuyên từ đầu đến cuối.

Câu chuyện của bà Xê xoay quanh vấn đề: Cha đứa bé có biết chuyện buôn bán này? Nếu mua đứa bé, thì coi như xong, sau này không dây dưa, không tìm kiếm, cắt đứt hoàn toàn. Tiền bạc giao xong là coi như xong việc, không ai vướng mắc ai. Khi chúng tôi vờ đau xót gặng hỏi: “Vì không dám nuôi con nên mới bán cho dì, nên dì cho con hỏi, có dám chắc con của con sẽ vào một nhà tử tế không?”, nghe chưa xong, bà ta đã vội gắt lên: “Răng mà không vô được nhà tử tế? Mấy đứa bay đúng dại, răng mà không biết luật pháp chi hết (!?). Luật quy định rõ rồi, chỉ những gia đình vô sinh, có điều kiện kinh tế mới được nhận con nuôi. Chỉ gia đình tốt thì trung tâm mới giao con cho mà nuôi chứ?”. Chúng tôi hỏi dồn: “Trung tâm nào vậy dì?”, người đàn bà vội xua tay, lắc đầu: “Nói tụi bây biết, tụi bây đến đòi con sao? Không được!”.

Bà ta ra giá 10 triệu đồng, nhưng do nghe mấy cô gái giang hồ từng bán con nói trước, biết bà thường mua trẻ với cái giá 15 triệu đồng, nên chúng tôi vờ kỳ kèo, nằn nì cho thêm, hoặc mượn một ít để lo sinh nở. Khi người đàn bà này gần như đã đồng ý, thì chúng tôi sơ suất, nói cái thai chỉ mới được 7 tháng, trong khi với những người mua bán trẻ sơ sinh này, thai càng lớn, càng cận ngày sinh càng dễ mua. Bởi nếu càng gần sinh, thì sẽ không thay đổi quyết định bán con. Vì vậy, bà dứt khoát: “Tao nhất định không cho mượn tiền. Ai biết tụi bây là đứa nào, lỡ tụi bây bỏ đi thì tao cắn muối mà sống à? Thôi, không mua bán chi hết nữa!...” - người đàn bà này buông mấy câu tục tĩu, bỏ đi.

Ngã giá

“Nếu quan hệ giữa người mẹ và người nhận có hỗ trợ nhau về mặt viện phí, đường sữa, thuốc men... là chuyện bình thường có thể chấp nhận; nhưng nếu có thương lượng, trao đổi tiền bạc, nghĩa là liên quan đến việc mua - bán trẻ sơ sinh; đây là điều cấm trong luật!”, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng.

Vài ngày sau đó, chờ cho sự việc tạm lắng và tiếp tục lân la, tìm tòi những đường dây mới, chúng tôi quyết định liên lạc với bà Xê qua điện thoại. Cũng vẫn với giọng dè dặt mọi lần, nhưng khi nghe đến hai chữ “sắp sinh” và “mua em bé”, bà Xê thay đổi thái độ ngay. Lần này, bà xưng “cô”. “Có phải con mang bầu ở đường P.N.X không?”, bà Xê ngọt ngào.

Biết bà nhận nhầm người, chúng tôi chộp lấy cơ hội: “Dạ, bác sĩ nói con sắp sinh rồi cô ơi, chỉ độ vài ba ngày nữa là sinh!”. “Con có ra nước hồng hồng chưa? Có đau không?”. “Dạ, bác sĩ nói rứa! Dự tính gần sinh”. “Rứa là gần sinh rồi đó, phải chuẩn bị! Chừ tới tối mà đau như rứa thì cô sẽ xuống chở đi Bệnh viện Đà Nẵng, không có đi đâu hết. Bác sĩ nói rứa chớ kiểu nớ dễ sinh lắm! Tối cứ tới đi nghe. Con có đồ sơ sinh chi chưa?”. “Dạ, chưa!”. “Con yên tâm, để cô lo hết cho. Tối ni cô về nhà, xếp đồ vô giỏ cho con! Mà nghe cô nói, đến lúc đau bụng sinh, gọi điện cho cô liền. Cô cho người xuống với con!”. “Dạ! Rứa cô mua con của con bao nhiêu tiền?”. “Có ai ngồi cạnh con không mà con nói rứa? Thì sinh xong cô đưa cho 10 triệu!”. “Ủa, sao hôm trước cô nói 15 triệu mà?”. “Cô nói hả! Ừ, ờ, thì con lo đi rồi cô đưa 15 triệu! Trừ tiền sinh ra, ví dụ như tiền sinh là một triệu thì con còn mười bốn triệu, còn một triệu rưỡi thì con còn mười ba triệu năm trăm, biết chưa? Rứa đi hỉ, có chi thì gọi điện cho cô! Mà nhớ nè, con xuống là không được vô bệnh viện, mà phải ngồi đằng trước đợi cô, biết chưa? Đi vô bệnh viện là không được nói gì hết. Chừ tới tối mà đau là điện cô liền. Cô nghe điện của con cô sẽ mang đồ đầy đủ xuống bệnh viện liền. Con phải ngồi trước chờ cô, đợi cô xuống đi vô cùng như người nhà dẫn đi rứa, để họ khỏi đánh giá!”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc, không lâu sau đó, chúng tôi nhận được thông tin, bà Xê đã mua đứa trẻ sơ sinh, con của cô gái làng chơi ở đường P.N.X.

Phóng sự điều tra của Bảo Nguyên - Duy Nghĩa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.