Cám cảnh đi hát chùa

15/09/2010 14:11 GMT+7

Diễn ở rạp đã thấy buồn nản, nhìn những cảnh diễn tại nhà hàng, sòng bạc mới thấy thương cho đời nghệ sĩ.

Tôi may mắn có dịp theo chân hai nghệ sĩ Ngọc Đáng và Mai Thế Hiệp chạy sô hát cho các chùa ở Mỹ. Cộng đồng người Việt trên đất Mỹ cũng xây dựng nhiều chùa nên trong mùa Vu lan, chùa nào cũng tổ chức văn nghệ phục vụ khách thập phương.

22 USD/sô/người
 
Từ Bolsa đến San Diego mất 3 giờ chạy ô tô. Từ 14 giờ, nghệ sĩ Mai Thế Hiệp và Ngọc Đáng đã phải hóa trang để chạy sô diễn cho chùa. Ở Mỹ chạy sô xuyên tiểu bang rất vất vả và cực nhọc vì nghệ sĩ phải tự lo cho mình, không có người đi theo giúp việc như nghệ sĩ ở trong nước. Nhìn hai nghệ sĩ tay xách nách mang, cơm ăn, nước uống, mới thấy thương bởi họ quý nghề và đam mê sân khấu nên mới như vậy.
 
Hôm đó, hai nghệ sĩ này cùng với nghệ sĩ Hồng Loan diễn trích đoạn Câu thơ yên ngựa. Thi thoảng mới có dịp diễn tuồng cổ nên ai cũng hồi hộp, lo lắng. Khán phòng là một nhà hàng mà nhà chùa thuê để tổ chức biểu diễn.
 
Vé được bán thông qua mỗi bàn cơm chay. Nghệ sĩ tự do hát những bài nhạc theo ý thích, kể cả nhạc thất tình, buồn nản, miễn có hát là được. Thầy phụ trách văn nghệ kiêm cả MC của chùa, khi đọc thơ, khi hát, kiêm luôn cả diễn tấu hài. Tên thầy là P. N., nổi tiếng lợi dụng ca sĩ, nghệ sĩ ở hải ngoại. Thầy tổ chức nhiều sô văn nghệ, mỗi sô chỉ trả cho nghệ sĩ vài chục USD/người.
 
Cụ thể, Mai Thế Hiệp và Ngọc Đáng chỉ nhận được mỗi người 22 USD cho buổi biểu diễn nhưng phải chờ đến 23 giờ 30 phút mới được lên sân khấu. Nghệ sĩ Ngọc Đáng buồn bã: “Yêu nghề thì hát cho đỡ nhớ nghề, chứ lãnh cát-sê kiểu này không đủ đổ xăng, làm sao nói đến chuyện đủ sống, nếu không có thêm nghề tay trái”. 

Hiện nay, ngoài nghề đi diễn, nghệ sĩ Ngọc Đáng còn nhận làm nhân viên trực điện thoại cho văn phòng trung tâm săn sóc sắc đẹp của nghệ sĩ Thanh Kim Mỹ, mỗi giờ được trả 8 USD.


Các nghệ sĩ hóa trang trong một lối đi nhỏ hẹp cạnh nhà vệ sinh

 
Dù 3 giờ mới về đến nhà nhưng trưa hôm sau, nghệ sĩ Ngọc Đáng và Mai Thế Hiệp lại phải có mặt tại chùa Huệ Quang (khu Bolsa) để hát phục vụ lễ Vu lan. Cả hai cũng hóa trang rồi ngồi chờ hơn 4 giờ mà vẫn chưa được lên sân khấu.
 
Ở chùa này không chỉ có một thầy mà nhiều thầy cùng lo phần văn nghệ nên có quá nhiều “đệ tử” là nghệ sĩ. Nghệ sĩ cứ giành nhau lên sân khấu biểu diễn trước. Biết nghệ sĩ Ngọc Đáng đang nóng ruột, một thầy vào phát thù lao trước cho chị, nhờ vậy mới được 100 USD.
 
Lãnh 100 USD nhưng tiết mục của họ bị xếp cuối cùng, diễn chỉ cho vài khán giả xem vì khi đó chương trình chỉ còn vài khán giả ngồi xem. Đó là những người thực sự yêu cải lương nên nán lại chờ xem cho bằng được Ngọc Đáng, Mai Thế Hiệp diễn.  Thấy hoàn cảnh của hai nghệ sĩ này mà lòng ngao ngán!
 
“Thánh đường” nghệ thuật: Có mà mơ!
 

Khán giả không còn mặn mà

Hai năm trở lại đây, đời sống văn nghệ ở hải ngoại bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, thêm vào đó tình trạng tổ chức sô mang tính lừa bịp của nhiều bầu sô hải ngoại khiến các hoạt động văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Mỹ càng trở nên bát nháo hơn.

Cả “show free” (chương trình miễn phí) và sô ép khán giả mua vé thông qua nghệ sĩ tên tuổi đều không được khán giả mặn mà như trước.

“Show free” được tổ chức tại các sòng bạc vào cuối tuần, phục vụ gia đình những người Việt đến đánh bạc. Chương trình này thường thu hút đông khán giả.

Chất lượng thượng vàng hạ cám cũng đều được cổ vũ bởi người xem chẳng mất tiền mua vé.

Hai sô diễn loại này đều bóc lột nghệ sĩ, bởi một bên trả tiền hậu hĩ nhưng vắt kiệt sức nghệ sĩ (thường diễn từ 18 giờ đến 1 giờ hôm sau ở sòng bạc), một bên trả tiền lương bằng vé, để nghệ sĩ ép khán giả mua vé khiến các sô diễn ngày càng teo tóp lực lượng nghệ sĩ tham gia do vé không bán được, nghệ sĩ không nhận lời biểu diễn.

Hát chùa theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều có những nỗi niềm khiến không ít nghệ sĩ, ca sĩ hải ngoại phải nuốt nước mắt. Hiện nay, một số trung tâm ca nhạc ở hải ngoại chuyên tổ chức biểu diễn gạt tiền nghệ sĩ, ca sĩ, nhất là những người hám danh, chịu bỏ tiền mua sô, những mong được đứng trên sàn diễn, được góp mặt trong các đêm nhạc có quay hình trực tiếp với ý nghĩ sẽ có cơ hội bay sô xuyên bang, nhanh chóng nổi tiếng khi đĩa hình được phát hành.
 
Hát chùa theo nghĩa này chính là cách tồn tại của những nghệ sĩ trẻ muốn dùng tiền để đánh bóng tên tuổi. 2/3 sô quay hình hiện nay tại Mỹ đều không trả thù lao cho nghệ sĩ, ngược lại nghệ sĩ phải tự bỏ tiền thuê vũ công biểu diễn minh họa, may trang phục và lót tay cho bầu sô, chủ các trung tâm.
 
Tiền họ phải trả từ 2.000 đến 3.000 USD/ca khúc được biểu diễn. Có những tên tuổi lạ hoắc, lần đầu tiên xuất hiện dưới cái mác “ca sĩ, nghệ sĩ độc quyền” của trung tâm này, trung tâm nọ nhưng thực chất họ phải trả hơn 20.000 USD mới được quảng bá tên tuổi rầm rộ. Không ít ca sĩ đã phải “tiền mất tật mang” khi bám víu vào những ánh hào quang ảo kiểu này, trong khi bản thân không có năng lực. 

Chứng kiến nghệ sĩ diễn ở rạp đã thấy buồn, nhìn những cảnh diễn tại nhà hàng, sòng bạc càng thấy thương cho đời nghệ sĩ ở hải ngoại. Ở một sòng bạc tận New York, khi nghệ sĩ K. đang diễn, một vị khách ngang nhiên giựt micro chửi thề: “Đ.M, hồi nãy có đoạn hát nhép!”. Khán giả phì cười. Nghệ sĩ K. chỉ biết cười gượng rồi bước vào cánh gà.
 
Hát ở các sòng bạc cũng thê thảm không kém. Thường mỗi sòng bạc đều tổ chức hai suất diễn. Giờ giải lao giữa hai suất diễn không có được một không gian riêng để các nghệ sĩ tham gia chương trình ăn cơm, nghỉ ngơi chờ diễn suất tới.
 
Nơi ăn cơm của họ là đường dẫn vào nhà vệ sinh. Thực khách nhậu quá chén đi qua ngang nhiên chỉ trỏ, nói tục mỗi khi nhìn thấy nghệ sĩ ngồi ăn cơm trong đường hẻm nhỏ chỉ đủ một người bước qua. Những giọt nước mắt của nghệ sĩ rơi xuống, đời nghệ sĩ ở hải ngoại sao thảm thê đến thế!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.