Hú vía vì... bom

06/09/2010 21:39 GMT+7

Việc liên tục phát hiện bom, mìn ở ĐBSCL trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối họa tiềm ẩn đối với người dân trong khu vực.

Ngày 21.8, lúc đang xúc cát xây nhà cho ông Hồ Ngọc Sơn (khu dân cư Long Thịnh, P.Phú Thứ, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ), các thợ xây đã một phen thất kinh khi bất ngờ gặp một quả bom to đùng nằm lẫn trong cát. Được biết, số cát này do Công ty TNHH Hoàng Bỉ khai thác ở sông Hậu, đoạn gần cồn Tân Lộc (Q.Thốt Nốt). Trước khi quả bom được tháo gỡ, hằng ngày, các thợ xây hết sức căng thẳng vì phải làm việc cận kề... “thần chết”. Đây không phải là lần đầu tiên người khai thác cát vô tình mang cả... bom đi bán.

Người của Công ty Hoàng Bỉ cho biết, cứ mỗi năm khai thác cát trên sông Hậu, doanh nghiệp này lại phát hiện một vài trái bom với nhiều kích cỡ khác nhau. Hiện tại bãi tập kết cát của công ty (ấp Phú Thành, xã Tân Phú, H.Bình Minh, Vĩnh Long) vẫn còn chôn một quả bom nặng khoảng 250 kg. Anh Nguyễn Hải Thọ, Trưởng phòng bán hàng của công ty, cho biết, hơn 2 năm trước, khi sang mạn cát từ điểm khai thác trên sông Hậu, sà lan của công ty đã vô tình cạp phải... quả bom mà không biết. Rất may là nó nằm gọn trong gàu xáng cạp khi bốc qua sà lan, rồi nằm yên trong đống cát để “chu du” về tới tận địa điểm nói trên. Theo mô tả, quả bom có đường kính gần 3 tấc, dài trên 1 m, nhìn bên ngoài còn rất mới, lớp sơn còn nguyên. Vụ việc lập tức được báo với cơ quan chức năng, nhưng cho đến nay quả bom vẫn chưa được xử lý.

Đến đầu tháng 8, trong lúc công nhân chuyển cát bằng cần cẩu từ sà lan lên bãi chứa ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cũng phát hiện 2 quả bom MK18 loại 125 kg và 250 kg. Chủ sà lan chở cát cho biết số cát này cũng khai thác từ sông Hậu và quả bom đã lẫn trong cát từ lúc nào không hay.

Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Chủ nhiệm công binh BCH quân sự TP Cần Thơ cho biết, sở dĩ phát hiện nhiều đạn, bom từ đáy sông Hậu là vì trong chiến tranh, "đại bản doanh" của Vùng 4 chiến thuật của quân đội chế độ cũ đóng gần đó.  Máy bay địch mỗi khi đi rải bom không hết, trên đường về đã trút xuống sông Hậu, trước khi hạ cánh. Không chỉ riêng trên sông Hậu, nhiều địa điểm thuộc các quận, huyện: Phong Điền, Cái Răng, Ninh Kiều... cũng đã từng phát hiện nhiều bom, mìn, đạn cối... đủ chủng loại, kích cỡ, có khả năng sát thương cao. Nhiều quả lúc phát hiện vẫn còn mới, còn đầu nổ.

Tuy thế, nhiều trường hợp khi phát hiện bom mìn, “khổ chủ” báo với cơ quan chức năng rồi lại phải dài cổ chờ xử lý.   

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm xử lý bom mìn (Bomicen) ước tính: “Phải mất thêm 300 năm nữa với 10 tỉ USD chi phí mới có thể làm sạch số lượng bom mìn còn sót lại trên cả nước”. Theo đại tá Cảnh, việc tiến hành rà, phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh là hết sức quan trọng, phải tốn nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, vấn đề là nên tập trung rà, phá bom, mìn ở những địa điểm dân cư tập trung sinh sống hoặc canh tác.

Những quả bom được phát hiện theo kiểu “bất ngờ” và còn biết bao nhiêu bom mìn chưa được “bất ngờ phát hiện”... đang là hiểm họa tiềm ẩn đối với người dân ĐBSCL.  

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.