Cầu sập, dân tự kê ván thu tiền!

05/09/2010 23:02 GMT+7

Cầu tràn Tà Rụt - A Ngo nằm trên tuyến đường nối hai xã Tà Rụt - A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị - toàn tuyến được đầu tư với kinh phí hơn 22 tỉ đồng) bắc qua sông Đakrông, xây dựng từ năm 2006 do UBND huyện làm chủ đầu tư.

Nhưng sau cơn bão vào thời điểm gần cuối năm 2009, một phần của cầu tràn bị nước lũ cuốn đi. Không để giao thông bị chia cắt, chính quyền và người dân địa phương đã đắp đất, đá, bê tông để xe cộ có thể được qua lại. Nhưng một lần nữa, sau mấy trận mưa do ảnh hưởng của bão số 3 vừa mới đổ bộ vào nước ta, cầu tràn lại tiếp tục sập. Chất lượng của cây cầu tràn này đến đâu, bài viết này chưa bàn tới; nhưng cái “giải pháp khắc phục” mà người dân địa phương làm và sự “ngó lơ” của chính quyền sở tại mới là điều đáng nói.

 

 Dù rất khó chịu nhưng mọi người đều phải nộp tiền

Sự thể là ngay sau khi nước rút, 8 thanh niên của thôn A Ngo (thuộc xã A Ngo) đã cùng nhau kê ván gỗ, dựng lên một cái cầu tạm và... thu tiền. Không biết công sức và “vốn liếng” của họ bỏ ra đến đâu nhưng chúng tôi thật sự giật mình với mức “lệ phí” 10.000 đồng cho một lượt qua cầu. Có mặt tại “trạm thu phí” cầu tràn Tà Rụt - A Ngo vào chiều 31.8, chúng tôi bắt gặp gần 10 đứa trẻ đen nhẻm “đứng chốt” ở đây. Phía bên kia “cầu” còn có một chiếc lán được dựng bằng vài cọc gỗ và một tấm bạt dùng làm điểm nghỉ ngơi của các “cán bộ thu phí”. Xòe ra một xấp tiền, em Hồ Văn Điềm (học sinh lớp 7, trú xã A Ngo, có anh trai là Hồ Văn Lơi, một trong 8 người trực tiếp góp sức dựng cầu) nói: “Em ra đứng đây thu tiền đã gần 6 ngày nay, mỗi ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối em thu về được khoảng 500.000 đến 700.000 đồng và mang về nộp lại cho các anh”. Một em khác thì nói: “Mấy anh bảo bọn em đứng đây nhưng mà có chuyện gì thì chạy về kêu các anh lên xử lý...”.

Trụ sở UBND xã Tà Rụt chỉ cách cầu tràn này 500 mét và ông Hồ Văn Ngơn, Phó bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt nói: “Bữa trước đi ngang qua tui có thấy và dặn dò mấy đứa ở đó là đừng có thu tiền của học sinh, giáo viên. Mà cây cầu ni là của cả hai xã A Ngo và Tà Rụt quản lý, phần cầu sập là thuộc xã A Ngo, dân thu tiền cũng là dân A Ngo chứ không liên quan đến xã Tà Rụt”. Tuy vậy, khi PV Thanh Niên liên lạc với một số giáo viên đang giảng dạy tại trường Tiểu học xã A Vao thì các cô thầy cũng “kêu trời” vì tình trạng này. 

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.