Tinh hoa gốm Việt

04/09/2010 23:58 GMT+7

Ban tổ chức Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương đã đề cử 7 sản phẩm gốm sứ tham gia “kỷ lục Việt Nam”.

Trong 7 sản phẩm gốm sứ đề cử tham gia kỷ lục lần này, Công ty TNHH Minh Long 1 (Bình Dương) đóng góp 3 sản phẩm sứ cao cấp, gồm Chén Ngọc Văn Lang (cao 80 cm, trọng lượng 29 kg), Cúp Hồn Việt (cao 100 cm, trọng lượng 39 kg) và Cúp Sen Vàng (cao 90 cm, nặng 45 kg). Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty THNH Minh Long 1, cho biết: “Từ khi hình thành ý tưởng đến khi Chén Ngọc Văn Lang ra đời phải mất hơn 5 năm. Rút kinh nghiệm lần trước làm Cúp Rồng Việt bị nhiều nhà chuyên môn trên thế giới cùng với khoảng 20 nghệ nhân Trung Quốc cho rằng “Tây hóa”, tôi bắt đầu có ý tưởng tạo ra một sản phẩm mang đặc trưng của người Việt, “xác và hồn” đều là Việt Nam. Chính vì thế, trên hoa văn phải thể hiện những sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt Nam như thiếu nữ đi lễ chùa, xe ngựa trên làng quê... Bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: chùa Một Cột, hồ Gươm, cánh đồng…".

Để làm ra Chén Ngọc Văn Lang cũng như Cúp Sen Vàng Cúp Hồn Việt, các nghệ nhân trải qua nhiều công đoạn khó khăn do sản phẩm cao và nặng, rất dễ bị sụm, méo mó trong quá trình nung ở nhiệt độ cao. Cũng theo ông Minh, 3 sản phẩm trên phải trải qua 3 lần nung. Lần đầu, nung non ở nhiệt độ 900 độ C. Sau đó, đem tráng men và nung ở ngọn lửa màu xanh ngọc. Công đoạn cuối cùng là phủ vàng ròng được nhập về từ Đức ở dạng chế phẩm (đảm bảo độ ròng của vàng và không phai màu), rồi tiếp tục nung ở nhiệt độ trên 1.300 độ C. 

Cúp Hồn Việt

Quốc Bình Thăng Long (cao 73 cm, nặng 28 kg) là sản phẩm gốm cao cấp của Công ty TNHH Cường Phát, mang đậm nét văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mặt trước và sau của sản phẩm là trống đồng Việt Nam với những họa tiết chim lạc, nai cùng nét sinh hoạt của người Việt thời xa xưa, được chạm nổi và phủ men xanh lam, phết vàng 24K; hai bên được bố cục 2 con rồng bay lên mang ý nghĩa sự vươn lên của dân tộc, 2 đuôi rồng cuộn thành chân đế nâng đỡ mặt trống đồng. Sản phẩm được nung thô ở nhiệt độ 900 độ C, sau đó làm nguội, đánh bóng, tráng men và phủ men bên ngoài và nung ở nhiệt độ 1.200 độ C. Cuối cùng là công đoạn phủ vàng 24K lên các họa tiết nổi và hấp lại ở nhiệt độ 800 độ C. Ông Lý Ngọc Bạch, Công ty Cường Phát, chia sẻ: “Phải mất hơn 2 năm có ý tưởng về sản phẩm và trải qua hơn 50 lần thất bại chúng tôi mới có được sản phẩm hoàn thiện hôm nay”.

Các sản phẩm gốm như: Lu Thiên Địa của DNTN Trung Thành (cao 127 cm, nặng 250 kg), Lu Địa Cầu của Công ty Tân Toàn Phát (cao 187 cm) và Đèn Gốm của Công ty gốm Thượng Nguyên (cao 4m) cũng là những sản phẩm có những bước đột phá và đạt kỷ lục về kích thước trong ngành gốm.Ông Lý Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Toàn Phát, cho biết: "Lu Địa Cầu rất khó làm vì chiều cao đến 187 cm, phải sử dụng kỹ thuật xoay không ráp, công đoạn tạo hình và nung cũng rất khó khăn. Làm hoàn toàn bằng tay, không hề sử dụng máy móc. Những nghệ nhân làm sản phẩm này có 50 năm kinh nghiệm".

Theo nhiều chuyên gia, rất khó để tìm ra các sản phẩm gốm sứ như trên ở nước ngoài. Ông Lý Ngọc Minh cho biết: “Nếu không tiết lộ nguyên lý chế tác, thì hàng trăm năm sau việc sản xuất những sản phẩm này vẫn còn là bí mật”.          

 Tuy Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.