Chuyện nhà anh, nhà em

04/09/2010 10:05 GMT+7

“Cưới xong, em đừng nói với mẹ anh là em vẫn còn góp tiền chi tiêu cho gia đình bên em, mắc công mẹ buồn”... Lời của người chồng sắp cưới làm N.M. suy nghĩ, phải chăng khi cưới nhau rồi những khoản chi tiêu riêng cho gia đình mình lại “nhạy cảm” thế!

Thực tế thì ngoài tổ ấm riêng, nhiều cặp vợ chồng vẫn tiếp tục “gánh vác” đại gia đình của mình, và từ đây nảy sinh những tình huống có thể dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng...

“Chiến tranh” vì... bên nặng bên nhẹ

Ông L.V.B. và bà N.T.N. cưới nhau 30 năm, có hai con một trai một gái. Hai vợ chồng đều quê ở Cần Thơ, lên Sài Gòn lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhờ siêng năng cộng với việc khéo tạo dựng mối quan hệ, hai vợ chồng làm ăn mỗi ngày một phát đạt.

Sóng gió nổi lên khi gia đình bên ông hết người này đến người kia lên thăm hỏi và... kể khổ, mượn hoặc xin tiền. Ông vui vẻ chi tiền, bà thì khó chịu ra mặt vì chính những người này ngày xưa đã hắt hủi để hai vợ chồng phải bỏ đi. Mỗi khi thấy anh chị em bên chồng ghé nhà, bà mặt nặng mày nhẹ, la mắng con (thật ra nói bóng gió người nhà chồng).

Ông bực tức, la rầy vợ. “Chiến sự” bùng nổ, bà khóc lóc kể khổ, rằng ông chỉ biết có “nhà mình” mà không hề biết gia đình vợ ngày xưa giúp đỡ thế nào, không màng công sức của vợ; còn ông tuyên bố ông có quyền vì tiền bạc là do ông cực khổ kiếm được. Hai đứa con của họ bắt đầu thay tính đổi nết, ít khi chạm mặt bố mẹ. Riêng cô con gái 22 tuổi ngày càng sống khép kín, có dấu hiệu trầm cảm.

Con cái cần có trách nhiệm trong mối quan hệ gia đình, nên chia sẻ với bố mẹ cảm giác, cảm xúc của mình, đồng thời biết lắng nghe, an ủi bố mẹ. Quan trọng là con cái phải học cách thích ứng với hoàn cảnh, tự mình vươn lên. Khi gia đình có bất hòa, thay vì chỉ biết trách cứ và thu mình lại, các bạn trẻ hãy học tập tốt, chơi thể thao, tham gia các hoạt động cộng đồng và giúp bố mẹ giải tỏa căng thẳng

Thạc sĩ tâm lý
Lê Thị Linh Trang

Anh V.H.M. cũng từ miền Tây lên TP.HCM học tập và đi làm. Hai năm trước anh lập gia đình với chị L.A.Q. . Cả hai vợ chồng đều đông anh em và đều là “nhà tài trợ” chính cho đại gia đình ở quê. Trước khi cưới họ bàn với nhau: tiền lương của cả hai sẽ cho vào quỹ chung, hằng tháng trích ra một phần gửi về cho cha mẹ hai bên.

Tuy nhiên thực tế không đơn giản như họ tưởng. Thỉnh thoảng, anh gửi về quê số tiền lớn để đóng viện phí cho bà nội, mua thuốc cho mẹ... và số tiền này thường gấp hai, ba lần số tiền chị gửi về nhà mình. Đôi lần thấy nét mặt vợ buồn buồn, anh ưu tư vì biết vợ nghĩ mình “thiếu công bằng”. Vậy là những lúc vợ chồng bên nhau, anh kể cho chị nghe những ngày thơ ấu anh được ông bà nội nuôi dưỡng ra sao, ba mẹ anh cơ cực thế nào... và thủ thỉ với chị: “Anh muốn chăm sóc họ thật tốt. Em thương anh hãy chịu khó một thời gian nhé”!

Phải đâu cha mẹ của riêng anh

Xung quanh câu chuyện “nhà anh, nhà tôi”, chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ: “Người xưa có câu của chồng công vợ. Vì vậy khi đã là vợ chồng không nên tồn tại cách nghĩ của anh, của tôi, mà cần phải làm quen với nếp nghĩ tất cả đều là của chung. Với suy nghĩ này thì vui cùng hưởng, buồn cùng chia, vợ chồng sẽ dễ tìm ra cách ứng xử phù hợp với đôi bên gia đình. Nếu các bậc sinh thành còn sống thì vợ chồng phải đồng lòng phụng dưỡng, nếu cha mẹ khuất núi thì vợ chồng, con cái phải phụng thờ; đạo lý hàng ngàn đời nay vẫn thế”.

Trong câu chuyện gia đình ông B., mâu thuẫn nảy sinh do thiếu sự chia sẻ giữa người chồng và người vợ. Bên cạnh đó còn do yếu tố tâm lý và sự tác động của bên ngoài (ứng xử của gia đình người chồng). Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang lý giải: thông thường những phụ nữ đi lên từ gian khó sẽ muốn thụ hưởng khi đã giàu có, vì vậy có người sẽ nhỏ nhen trong việc chia sẻ đồng tiền của mình cho người khác.

Ngoài ra trong quá trình đi lên đó, ai giúp đỡ họ sẽ ghi nhớ, ai gây khó dễ họ cũng ghi nhớ, do đó không khó lý giải phản ứng của người vợ trong câu chuyện trên với gia đình bên chồng. Ngược lại với phụ nữ hay sống với cảm xúc, người đàn ông thường tư duy khái quát, không để ý đến tiểu tiết. Người chồng trong câu chuyện này sẵn sàng chi tiền cho anh chị em mình có thể vì ông ta thật sự yêu quý gia đình mình, không để bụng chuyện cũ; cũng có thể ông ta muốn đổi lấy sự tôn trọng.

“Để đạt được sự hiểu biết và đồng thuận thì chính tình yêu, sự tôn trọng là biện pháp hóa giải tốt nhất mọi nghi ngờ, mâu thuẫn nơi vợ chồng. Nếu chỉ vì chăm lo cho cha mẹ mà vợ chồng trở nên bất hòa, cuộc sống gia đình không hạnh phúc thì vô tình chúng ta đánh mất sự thanh thản nơi các bậc sinh thành”, bà Lý Thị Mai nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.