Đằng sau vụ bắt con tin đẫm máu ở Philippines

28/08/2010 22:34 GMT+7

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng vì những gì xảy ra hôm 23.8 ở Manila (Philippines). Nhưng kẻ bắt con tin là ai và vì đâu nên nỗi?

Kẻ bắt 25 con tin trên chiếc xe buýt ở Manila hôm 23.8 là cựu thanh tra cảnh sát cấp cao Rolando del Rosario Mendoza, sinh năm 1955. Trong số con tin có 22 người là du khách Hồng Kông và 8 người đã thiệt mạng khi cảnh sát đọ súng với Mendoza trong một chiến dịch giải cứu con tin đầy sai lầm. Chính quyền Philippines tin rằng các nạn nhân thiệt mạng đều do Mendoza giết nhưng họ vẫn đang điều tra xem liệu có người nào bị lực lượng giải cứu bắn lầm hay không, theo AFP. Vụ việc khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã yêu cầu nhanh chóng điều tra đến nơi đến chốn.

Một quá khứ huy hoàng

Mendoza từng được vinh danh là một trong 10 cảnh sát xuất sắc nhất Philippines năm 1986. Trước khi trở thành cảnh sát, ông này là một thợ điện tại Tập đoàn phát triển công viên quốc gia. Những người làm cùng ông ta vào thời điểm ấy mô tả Mendoza là một người lặng lẽ, khiêm tốn và thường đọc báo lúc giải lao. “Chúng tôi ít nói chuyện nhưng ông ta rất tốt bụng”, một đồng nghiệp cũ của Mendoza kể lại, “Có thể những chuyện căng thẳng đã khiến ông trở nên như vậy”. Hồi tháng 1 năm nay, Mendoza cùng 4 cảnh sát khác bị Văn phòng Thanh tra sa thải với cáo buộc tống tiền Christian Kalaw, một đầu bếp của khách sạn Mandarin. Theo các nguồn tin, Kalaw bị bắt vào ngày 9.4.2008 vì đậu xe trái phép, lái xe không có bằng và sử dụng ma túy. Kalaw cũng được cho rằng đã bị ép nuốt 1 gói “shabu” hay methamphetamine hydrochloride, một loại ma túy. Cùng với các cáo buộc, Mendoza bị sa thải và mọi chế độ hưu trí của y cũng bị tước bỏ.

Theo báo Inquirer, Mendoza tốt nghiệp trường Cao đẳng Tội phạm học. Y tham gia vào lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines năm 1981 và trở thành chỉ huy đội cảnh sát tuần tra cơ động. Sau đó, Mendoza trở thành một thanh tra viên cấp cao ở Manila vào năm 2005.

Em trai của Mendoza là Gregorio Mendoza, cũng là một cảnh sát, kể lại rằng hồi năm 1986, Mendoza đã chỉ huy một biệt đội truy đuổi và chặn đứng một xe tải nhỏ chở 13 thùng gỗ chứa một số lượng lớn tiền mặt mà cựu độc tài Ferdinand Marcos âm mưu tuồn ra nước ngoài khi vị tổng thống này bị lật đổ cùng năm đó. Nhờ chiến công này, Mendoza đã được phong danh hiệu là một trong 10 cảnh sát xuất sắc nhất Philippines. “Nếu anh ấy muốn lợi dụng vị trí của mình để trục lợi, anh ấy có thể làm điều đó rất dễ dàng rồi rút lui khỏi ngành. Nhưng anh ấy thậm chí còn không nghĩ đến chuyện đó”, Gregorio nói.

Khi vụ bắt con tin diễn ra hôm 23.8, vợ của Mendoza, ông Gregorio và một người em khác của y là Florencio cũng đến hiện trường để giúp thương lượng. “Anh ấy rất tuyệt vọng”, Florencio kể, “Anh tôi nghĩ rằng mình là nạn nhân của bất công. Anh ấy đã không có một cơ hội công bằng để bào chữa cho mình”. Hành động liều lĩnh của Mendoza hôm 23.8 vẫn còn khiến người thân của y choáng váng vì bình thường y được nói là rất hiền hòa. Con trai út của Mendoza là Bismark, 26 tuổi và cũng là một cảnh sát, kể anh ta cũng biết chuyện bất mãn của cha mình nhưng không nghĩ ông ấy có thể đi quá xa như vậy.

Đám tang của Mendoza được tổ chức vào hôm qua. Hôm 27.8, Sứ quán Trung Quốc ở Manila một lần nữa phản ứng giận dữ khi truyền hình chiếu cảnh ai đó lấy quốc kỳ Philippines phủ lên quan tài của Mendoza ở nhà của y tại thị trấn Tuanauan, phía nam Manila. “Chỉ những người sống một cuộc đời anh hùng, quảng đại và trong sạch mới xứng đáng được phủ cờ lên quan tài chứ không phải kẻ đã cướp đi mạng sống của người vô tội”, AFP trích tuyên bố của sứ quán viết. Chính quyền Philippines nói có lẽ việc này do gia đình của Mendoza làm và nhanh chóng yêu cầu gỡ bỏ lá cờ.

Vấn đề của truyền thông

Cảnh sát Philippines đã có những bước đi sai lầm trong kế hoạch giải cứu con tin và tiêu diệt Mendoza. Họ cũng thừa nhận không có kỹ năng, trang thiết bị và kể cả không được đào tạo để xử lý những tình huống như vụ hôm 23.8, theo BBC.

Nhưng liệu việc các phương tiện thông tin đại chúng tường thuật trực tiếp vụ việc có phải là một sai lầm khác khiến chiến dịch thất bại? Nghị sĩ Philippines Gabriel Luis Quisumbing cho rằng truyền thông là một vấn đề. Theo ông, truyền thông phải bị hạn chế và đôi khi là bị cấm tường thuật vụ việc để tránh làm thất bại kế hoạch của nhà chức trách và cũng để kiểm soát tình thế. Trong những tình thế như bắt cóc con tin, gỡ bom, hay đảo chính, cảnh sát hay quân đội có thể cung cấp thông tin cho báo chí nhưng không nên đưa chi tiết về chiến dịch vì có thể giúp thủ phạm thuận lợi trong việc kiểm soát tình thế. Như vụ bắt con tin hôm 23.8, lẽ ra truyền thông phải bị cấm tường thuật trực tiếp vì Mendoza có thể theo dõi mọi diễn biến bên ngoài thông qua ti vi trên xe buýt. Theo BBC, cảnh sát Philippines cũng thừa nhận vấn đề báo chí kể trên cũng là sai lầm của họ. Hôm ấy, Mendoza thậm chí còn có thể trả lời phỏng vấn một kênh phát thanh địa phương và dọa rằng sẽ giết hết con tin nếu cảnh sát không rút lui.

Quân đội bị cho ra rìa

Quân đội Philippines đã gửi một lực lượng tinh nhuệ đến giúp giải quyết khủng hoảng con tin hôm 23.8 nhưng không được sử dụng, theo Inquirer. Người phát ngôn quân đội Jose Mabanta cho hay một đơn vị phức hợp thuộc Lực lượng phản ứng nhanh với các binh sĩ được huấn luyện kỹ lưỡng và trang bị tốt đến từ không quân, hải quân và lục quân đã được điều động đến hiện trường.

Ngay khi vụ việc mới xảy ra, quân đội đã chủ động liên lạc với cảnh sát và đề xuất hỗ trợ. Phía cảnh sát lập tức nhận lời nhưng sau đó thì chỉ có cảnh sát ra tay, còn các binh sĩ tinh nhuệ thì bị cho đứng ngoài rìa. Lực lượng phản ứng nhanh thuộc quân đội Philippines là một đơn vị nổi tiếng với nhiều trận đánh thành công chống lại lực lượng ly khai Abu Sayyaf ở miền nam. Theo tướng Mabanta, lực lượng này có thể chiến đấu trong những tình trạng bất thường, kể cả trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế. Chuyên môn của Lực lượng phản ứng nhanh bao gồm cả giải cứu con tin. Tướng Mabanta nói ông không hiểu tại sao Lực lượng phản ứng nhanh lại không được sử dụng.

Hai ngày sau vụ bắt con tin, đồng minh của cựu Tổng thống Gloria Arroyo trong Hạ viện đã chỉ trích Tổng thống Benigo Aquino III và đòi sa thải 3 thành viên nội các. Lãnh đạo phe thiểu số trong Hạ viện Edcel Lagman nhận xét chính quyền Aquino đã thất bại khủng khiếp trong việc ứng phó khủng hoảng. Ông Lagman nói: “Vì cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến quốc tế và ngay cả nền kinh tế của đất nước, nên một hành động quyết đoán và nhanh chóng của tổng thống là cần thiết”. Ngoài ra, một người phát ngôn của bà Arroyo còn ca ngợi rằng chính quyền của bà xưa kia đào tạo và trang bị cho cảnh sát rất tốt để kiểm soát những tình huống khủng hoảng. Một nghị sĩ khác thì ca ngợi chính phủ Arroyo hành động quyết đoán hơn trong tình thế khẩn cấp.

Tổng thống Aquino III cho biết ông thấy không cần thiết phải phản hồi lại những chỉ trích trên. Người phát ngôn của tổng thống thì nói nên chấm dứt chuyện đổ lỗi và hãy đợi kết quả điều tra. Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Rex Robles cho rằng từ vụ giải cứu con tin sai lầm nên truy lại căn nguyên vấn đề từ sự thất bại của chính quyền Arroyo trong việc thành lập một đội quân chống khủng bố có chuyên môn. Theo ông Robles, nếu có một đơn vị trấn áp được đào tạo để thương lượng trong khủng hoảng con tin, kiểm soát đám đông, quản lý cứu trợ với đường dây liên lạc trực tiếp với tổng thống thì sẽ tốt hơn so với một toán cảnh sát không được đào tạo như vụ hôm 23.8. Báo Inquirer trích lời ông Robles nói chính quyền của bà Arroyo cách đây 2 năm đã cố gắng thành lập lực lượng chống khủng bố quốc gia và thành viên thì toàn những vị tướng già.

Trong khi đó, Phủ Tổng thống cũng đưa ra thông điệp rằng cựu Tổng thống Arroyo cũng phải bị trách cứ. Người phụ trách thông tin của Phủ Tổng thống là Herminio Coloma cho rằng chính quyền của Tổng thống Aquino III mới chỉ được 55 ngày tuổi trong khi chính quyền Arroyo tồn tại 9 năm. Theo ông Coloma thì: “Chính phủ trước đây cũng phải trả lời xem họ đã làm gì với lực lượng cảnh sát. Họ có cấp đủ ngân sách để hiện đại hóa lực lượng cảnh sát quốc gia hay không?”. 

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.