Huy chương Fields sẽ vinh danh Ngô Bảo Châu?

18/08/2010 17:28 GMT+7

(TNO) Ngày 19.8, Hội nghị Toán học thế giới lần thứ 26 sẽ diễn ra tại Hyderabad (Ấn Độ) và tại hội nghị lần này, Giáo sư Ngô Bảo Châu vinh dự được mời lên trình bày báo cáo khoa học.

>> GS Ngô Bảo Châu: Sẵn sàng về VN 3 tháng mỗi năm
>> “Nobel Toán học” gọi tên Ngô Bảo Châu
>> Hãy tạo điều kiện tốt nhất để giáo sư Ngô Bảo Châu cộng tác
>>
GS Ngô Bảo Châu khó về hẳn VN làm việc
>> Toán học cần hơn bao giờ hết
>> Nhà khoa học cần một đồng lương xứng đáng
>> Ngô Bảo Châu và kỳ vọng toán học VN
>> Bổ đề cơ bản là gì?

Vài nét về Giáo sư Ngô Bảo Châu

Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội.
 
Anh từng hai lần đoạt Huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế trong hai năm liên tiếp: năm 1988 và năm 1989.

Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế, trong đó có lần này anh đã đạt được điểm tuyệt đối (42/42).

Ngô Bảo Châu bắt đầu du học tại Pháp hồi năm 1990 và 7 năm sau đó đã bảo vệ tiến sĩ. Sau đó, anh công tác ở Trung tâm Khoa học quốc gia Pháp cho đến năm 2004, rồi nhận lời làm giáo sư Đại học Paris 11.

Vào năm 2004, anh được trao tặng Giải thưởng Toán học Clay cùng với Giáo sư người Pháp Gérard Laumon vì đã có công trình chứng minh Bổ đề Cơ bản thuộc Chương trình Langlands.

Một năm sau, tức năm 2005, Ngô Bảo Châu được phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất của Việt Nam khi nhận danh hiệu này ở tuổi 33.
 
Từ năm 2007, anh công tác tại Viện Nghiên cứu tiên tiến (Institute for Advanced Study) ở Princeton, New Jersey, Mỹ.

Cuối năm 2009, công trình chứng minh Bổ đề cơ bản thuộc Chương trình Langlands của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 thành tựu khoa học tiêu biểu của năm 2009.

Trong một lần trao đổi với Thanh Niên, Ngô Bảo Châu cho biết đã nhận lời về làm giáo sư cho Đại học Chicago từ tháng 9.2010.

Với những thành tựu về toán học đã đạt được, Giáo sư Châu được mời trình bày báo cáo khoa học trong phiên họp toàn thể Hội nghị Toán học thế giới (ICM) 2010 tại Ấn Độ vào ngày 19.8.

Giải Huy chương Fields = “Nobel Toán học”?

Với sự kiện Ngô Bảo Châu được mời trình bày báo cáo khoa học tại phiên họp toàn thể Hội nghị Toán học thế giới tại Ấn Độ, giới chuyên môn nhận định Ngô Bảo Châu là ứng viên sáng giá nhất cho Huy chương Fields, giải thưởng được mệnh danh là “Nobel Toán học”.

Giải thưởng này do nhà toán học người Canada John Charles Fields sáng lập và được trao tặng lần đầu tiên cho nhà toán học Phần Lan Lars Ahlfors và nhà toán học người Mỹ Jesse Douglas vào năm 1936.

Huy chương Fields cũng bắt đầu được trao định kỳ vào mỗi 4 năm kể từ năm 1950.

Được biết, giải được trao trong Hội nghị Toán học thế giới diễn ra 4 năm một lần. Giải có thể được trao cho hai, ba hoặc bốn nhà toán học không quá 40 tuổi.

ICM là hội nghị toán học lớn nhất thế giới, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1897 tại Zurich (Thụy Sĩ) và là diễn đàn của cộng đồng toán học toàn thế giới.

Người thắng giải được chọn thông qua bỏ phiếu bởi các thành viên Ủy ban Huy chương Fields, vốn đại diện cho những người tham dự ICM.

Theo hãng tin BBC, ngoài phần thưởng là một chiếc huy chương vàng thì những ai đoạt Huy chương Fields còn nhận được 15.000 đôla Canada mỗi người. Nhưng chỉ đến năm 2006 thì giải thưởng này mới kèm theo tiền mặt, cũng theo BBC.

Tuy được mệnh danh là “Nobel Toán học” song giải Huy chương Fields có nhiều điểm khác biệt so với các giải thưởng của giải Nobel.

Chẳng hạn, những ai nhận Huy chương Fields chỉ nhận được hiện kim trị giá 15.000 đôla Canada trong khi trị giá giải thưởng của giải Nobel lên tới khoảng 1,5 triệu USD/giải.

Ngoài ra, một điểm khác nữa là giới hạn tuổi tác. Những nhà toán học nhận Huy chương Fields không được quá 40 tuổi. Theo quy định của giải Huy chương Fields, sinh nhật 40 tuổi của người nhận giải không diễn ra trước ngày 1.1 của năm trao giải.

Trong 74 năm qua, cả thế giới mới có 48 nhà toán học được nhận giải Fields và cả châu Á chỉ mới có Nhật Bản là nước duy nhất trong khu vực có công dân được nhận giải thưởng danh giá này.

Huỳnh Thiềm
(Theo Wikipedia, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.