Chạm đáy Greenland

31/07/2010 16:30 GMT+7

Sau 5 năm khoan sâu xuống lòng Greenland với hy vọng tìm được manh mối về tình trạng ấm lên toàn cầu trong quá khứ, các nhà khoa học cuối cùng đã chạm được nền đá nằm dưới lớp băng dày gần 2,6 km.

Các mẫu băng từ giai đoạn Eemian cách đây 130.000 đến 115.000 năm - thời điểm khí hậu địa cầu ấm hơn hiện nay - có thể giúp dự đoán những ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt. "Nghiên cứu của chúng tôi sẽ tăng cường hiểu biết về hệ thống khí hậu, đẩy mạnh khả năng dự đoán tốc độ và độ cao cuối cùng mà mực nước biển có thể dâng đến", AFP dẫn lời Dorthe Dahl-Jensen, chuyên gia băng hà tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và là trưởng nhóm dự án, với sự tham gia của 14 nước. Theo cảnh báo của Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu thuộc Liên Hiệp Quốc, nếu không cắt giảm mạnh khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 6 độ C so với thời kỳ trước cuộc cách mạng công nghiệp, và xóa sổ sự sống tại phần lớn các khu vực trên thế giới.

Sau khi chạm đáy lớp băng Greenland ở độ sâu chính xác là 2.537,36m, các nhà khoa học giờ đã thu thập được dữ liệu cần thiết để trả lời những câu hỏi: Lớp băng Greenland bị mỏng đi bao nhiêu cách đây 120.000 năm khi nhiệt độ toàn cầu ấm hơn hiện nay từ 2 - 3 độ C? Điều này ảnh hưởng như thế nào, với tốc độ ra sao đối với sự dâng lên của mực nước biển lúc đó? Tình trạng hiện tại của khối băng có kích thước như một lục địa vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Theo đó có ý kiến khẳng định nó vẫn duy trì sự ổn định, trong khi những người khác cho rằng nó có thể tan ra để nâng mực nước biển cao thêm 1m hoặc hơn trong thế kỷ tới. Một điều không phải bàn cãi là khối băng này chứa đủ lượng nước có thể nâng mực nước biển trên toàn cầu lên đến 7m.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.