Tạm dừng cấp phép game online

28/07/2010 01:06 GMT+7

Chiều qua, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông (Bộ TT-TT) đã có cuộc làm việc với các cơ quan liên quan về công tác quản lý game online (GO).

Thanh Niên đã phỏng vấn ông Lưu Vũ Hải (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) về các vấn đề liên quan.

* Xin ông cho biết một số giải pháp về quản lý GO được đưa ra tại cuộc làm việc này?

- Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã chỉ đạo một số nhóm giải pháp lâu dài và trước mắt cho việc quản lý GO. Về lâu dài, đó là các đề xuất về việc xây dựng Luật An toàn thông tin (ATTT) trên mạng nhằm điều chỉnh toàn bộ việc cung cấp nội dung trên môi trường internet. Lập đề án thành lập Cục ATTT để đảm bảo các vấn đề ATTT trên mạng và hợp tác với quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm xử lý các thông tin độc hại trên internet.


Ảnh: T.Sơn

Về các giải pháp trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo tạm dừng cấp phép các GO để chờ Quy chế về quản lý GO được ban hành. Bên cạnh đó cũng tạm dừng việc quảng cáo GO trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một biện pháp khác là Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ internet (ISP) dừng cung cấp đường truyền internet đến các đại lý internet sau giờ đóng cửa theo yêu cầu của các địa phương (thường từ 23 giờ - 6 giờ). Thực tế là Nghị định 97 của Chính phủ về quản lý, sử dụng internet ban hành năm 2008 đã có quy định rõ về việc các đại lý phải dừng cung cấp dịch vụ sau 23 giờ và biện pháp này sẽ giúp quy định được khả thi hơn.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp với các bộ ngành liên quan hôm 14.7, Bộ TT-TT cũng đang phối hợp với Bộ VH-TT-DL soạn thảo các quy định bổ sung về quản lý các trò chơi điện tử không nối mạng để đưa vào thành Quy chế về  quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử nói chung. 

Ngoài ra, Bộ cũng đưa giải pháp phối hợp với Bộ Công an để xây dựng dữ liệu CMND điện tử để phục vụ công tác quản lý. Trong tương lai, hầu hết các dịch vụ trên môi trường internet sẽ cần đến việc xác thực thông tin tự động và biện pháp này sẽ phục vụ cho mục tiêu lâu dài. Không chỉ giúp quản lý internet, giải pháp này cũng sẽ được sử dụng cho một lĩnh vực cũng đang rất nóng đó là thuê bao di động trả trước.

“Để xây dựng được một GO đòi hỏi các DN phải có sự đầu tư rất lớn về nhân lực, tài chính cũng như thời gian. Nếu không có những chính sách ổn định, nhất quán và sự nhìn nhận thực tế, khách quan sẽ rất khó để các DN đủ điều kiện và đủ dũng cảm để đầu tư”.

* Thưa ông, các quy định hành chính về quản lý internet trước đây như yêu cầu đóng cửa đại lý internet từ 23 giờ -6 giờ gần như không có tác dụng trên thực tế. Ông có bình luận gì về việc các đại lý hoàn toàn có thể thuê đường truyền khác (ví dụ của hàng xóm) để tiếp tục kinh doanh sau 23 giờ?

- Dĩ nhiên đây là chuyện không thể tránh được. Bằng cách này cách khác các đại lý có thể lách luật. Việc đó sẽ phải tiếp tục thanh tra ở địa phương. Nhưng ở góc độ quản lý, tất cả những gì mà khả năng chúng ta có thể làm được tối đa thì phải làm. Rất khó có chính sách nào có thể đảm bảo được 100% mà chắc chắn sẽ còn có những kẽ hở và để ngăn chặn những kẽ hở đó chính quyền địa phương sẽ phải tăng cường giám sát hoạt động của các đại lý. Xin lưu ý lại là các quy định này đã có từ lâu, nếu chính quyền địa phương tổ chức tốt thì cũng đã có thể ngăn chặn rồi. Nhưng có lẽ do số đại lý cũng khá lớn nên các địa phương khó có thể kiểm soát hết được. Biện pháp kỹ thuật này sẽ làm cho quy định trên được thực hiện hiệu quả hơn.

* Ông đánh giá thế nào về nhận định có yếu tố bạo lực quá nhiều trong các GO được đưa ra thị trường?

- Trước đây Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu các DN rà soát lại toàn bộ các trò chơi đã được cấp phép để bảo đảm các yêu cầu đã được quy định đặc biệt liên quan đến giờ chơi, đối tượng chơi. Cục cũng đã yêu cầu các DN, với trách nhiệm xã hội, cần chủ động tiết giảm tối đa các hành vi đối kháng, bạo lực trong GO gây phản cảm đối với xã hội. Đồng thời cũng đã yêu cầu các DN tạm dừng quảng cáo GO trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sắp tới các yêu cầu này sẽ được pháp quy hóa thành các văn bản quy phạm của Bộ.

Hôm qua Sở TT-TT TP.HCM gửi công văn yêu cầu các DN kinh doanh GO báo cáo và đánh giá các hành vi mang tính bạo lực trong nội dung GO. Cụ thể là các DN phải báo cáo chi tiết số lượng kèm theo minh họa bằng các video clip của từng hành vi mang tính bạo lực có xuất hiện trong GO theo 3 nhóm tiêu chí như căn cứ theo vũ khí sử dụng, căn cứ theo đối tượng bị chém giết và căn cứ vào góc độ nhập vai của người chơi. Trên cơ sở đó, DN cũng phải đánh giá sự phù hợp của GO với người chơi theo các nhóm lứa tuổi như nhỏ hơn 6 tuổi, từ 6 - 11 tuổi, từ 12 - 15 tuổi, từ 16 - 18 tuổi, trên 18 tuổi và không phù hợp với bất kỳ nhóm lứa tuổi nào. Các báo cáo phải gửi về cho Sở TT-TT trước ngày 2.8. (Mai Phương)
Theo dự thảo quy chế mới về quản lý GO, Bộ TT-TT sẽ là cơ quan thành lập hội đồng thẩm định GO ở cấp Bộ với sự tham gia của nhiều ngành. Các GO được cấp phép cũng sẽ được rà soát thẩm định lại.

* Thưa ông, liệu có phải Hội đồng thẩm định hiện tại đã để sót, lọt quá nhiều các nội dung xấu không?

- Cần phải rà soát lại mới có thể biết được chính xác. Tuy nhiên, ở đây cũng có yếu tố là mỗi thời điểm có thể có những đánh giá chủ quan phù hợp với thời điểm đó. Trong thời gian tới, ngoài các biện pháp đã nêu Bộ cũng sẽ thúc đẩy việc tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội, trong đó có thúc đẩy vai trò của gia đình và nhà trường. Một giải pháp lâu dài đó là xây dựng chính sách khuyến khích các nhà sản xuất game của VN phát triển các game thuần Việt, kết hợp giải trí với quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, tăng cường yếu tố giáo dục.

* Theo ông, việc chờ các DN Việt Nam phát triển các game có chất lượng có khả thi hay không?

- Cho đến nay đã có 93 GO qua thẩm định được cấp phép nhưng hiện còn 76 GO đang hoạt động và dự kiến một số GO cũng sẽ chấm dứt cung cấp trong thời  gian tới. Đã có 22 DN GO đăng ký kinh doanh nhưng hiện chỉ còn 18 DN hoạt động.

Trên thực tế, chúng tôi cũng hiểu rằng đây không phải việc dễ dàng. Để xây dựng được một GO đòi hỏi các DN phải có sự đầu tư rất lớn về nhân lực, tài chính cũng như thời gian. Nếu không có những chính sách ổn định, nhất quán và sự nhìn nhận thực tế, khách quan sẽ rất khó để các DN đủ điều kiện và đủ dũng cảm để đầu tư.

100% HS tiểu học tại TP.HCM chơi game online trong ngày nghỉ?

Theo kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT được công bố vào giữa tháng 5 vừa qua,  tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học chơi GO trong ngày thường tại Hà Nội là 76%; TP.HCM là 70%, chơi trong ngày nghỉ tại TP.HCM là 100% và Hải Phòng là 98%. Tỷ lệ chơi GO trong ngày thường của HS THPT tại Hà Nội là 76,6%, TP.HCM là 88%. Thời gian chơi lâu nhất cho một lần chơi khoảng 2-3 giờ…

Trên thực tế, cuộc khảo sát ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ (tiến hành từ ngày 18 - 22.5.2010) chỉ thu được tổng cộng 259 phiếu khảo sát hợp lệ đối với HS tiểu học; 247 phiếu khảo sát HS THCS, 227 phiếu khảo sát  HS THPT và 295 phiếu khảo sát sinh viên CĐ, ĐH.

Bộ GD-ĐT không tiết lộ số phiếu phát ra là bao nhiêu nhưng chắc chắn với kết quả thu về nói trên, số phiếu phát ra là không nhiều. Trong khi đó, hiện cả nước có hơn 6 triệu HS tiểu học, với số lượng này, con số 259 phiếu khảo sát thật quá nhỏ bé.

 M.Phương

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.