Yakuza, mafia xứ mặt trời mọc

21/07/2010 23:28 GMT+7

Ngoài ấn tượng từ hình xăm và những ngón tay mất vài lóng, yakuza Nhật có sức ảnh hưởng không kém mafia Ý.

Hôm 6.7, Đài truyền hình NHK của Nhật thông báo sẽ không phát sóng giải đấu sumo mùa hè tại Nagoya để phản đối các vụ bê bối gần đây khi một số võ sĩ bị tố cáo dính dáng đến những tổ chức tội phạm, theo AFP. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1953, NHK không tường thuật một giải sumo. Trước đó, võ sĩ nổi tiếng Kotomitsuki đã bị Hội Sumo Nhật Bản (AJS) khai trừ vì tham gia cá cược bất hợp pháp do các băng nhóm yakuza tổ chức. Những người đứng đầu một số lò sumo thừa nhận đã tặng vé ngồi hàng đầu cho nhiều tay anh chị của Yamaguchi-gumo, tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản. Nhờ vậy, chúng có thể chuyển thông điệp ngầm cho đồng bọn đang bị giam giữ tại những nhà tù có cho phép phạm nhân xem sumo. Không chỉ sumo, yakuza dường như có tầm ảnh hưởng lan rộng đến mọi lĩnh vực trong đời sống tại Nhật Bản và bắt đầu “lấn sân” sang các nước khác như Mỹ chẳng hạn.

Tội phạm có bảng hiệu

Một trong những truyền thống lâu năm của yakuza là xăm đầy mình. Các yakuza xăm mình để chứng tỏ lòng can đảm và sự trung thành với tổ chức. Thường mỗi băng nhóm có một hình xăm khác nhau.

Ngoài ra, khi một thành viên vi phạm luật của tổ chức, hình phạt thường là tự chặt một lóng hoặc một ngón tay. Khi chấm dứt tranh chấp, các thành viên yakuza cũng có thể trao một ngón tay của mình cho đối phương để tỏ thiện chí. Vì thế, khá ít yakuza cao tuổi vẫn giữ nguyên 10 ngón tay.

Yakuza chia thành 3 dạng hoạt động chính: các nhóm chuyên sử dụng bạo lực, các nhóm chuyên làm tiền giới kinh doanh và các nhóm thân cận với những đảng phái chính trị cực hữu. Không như mafia Ý, nhiều tổ chức yakuza hoạt động khá công khai, với văn phòng làm việc có bảng hiệu rõ ràng. Lý do là trong quá khứ, yakuza từng có nhiều liên hệ với chính quyền và các tổ chức chính trị cực đoan. Theo sử gia Jean-Marie Bouissou thuộc Đại học Sciences Politiques Paris (Pháp), những yakuza xuất hiện lần đầu vào khoảng thế kỷ XVII. Khi đó, chính quyền Shogun Tokugawa (Mạc phủ Đức Xuyên) áp dụng chế độ an ninh hà khắc và các yakuza, ban đầu là những người bán hàng rong và chơi cờ bạc chuyên nghiệp được trưng dụng để quản lý các khu chợ búa. Sau thời Tokugawa, yakuza tiếp tục phục vụ cho các đảng phái bảo hoàng và ngược lại, nhiều samurai “thất nghiệp” vì chế độ phong kiến chấm dứt đã gia nhập yakuza. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng theo đó “thẩm thấu” vào giới yakuza và nhiều samurai - yakuza đã thành lập các tổ chức bí mật để tham gia xâm chiếm thuộc địa của quân phiệt Nhật vào cuối thế kỷ XIX. Vụ ám sát hoàng hậu Triều Tiên năm 1895, các chiến dịch “giữ gìn trật tự” sau đợt “bạo động gạo” năm 1918... đều có bàn tay của yakuza.

Sau Thế chiến 2, các tổ chức mafia Nhật bắt đầu chuyển sang buôn bán ma túy và kiểm soát hoạt động mại dâm. Những thành phố bị bom đạn tàn phá cũng là món mồi ngon để yakuza kinh doanh đất đai. Ngoài ra, nhiều băng nhóm yakuza được các đảng phái chính trị thuê để gây áp lực, thậm chí ám sát những nhân vật chống đối.

Đến thập niên 1970, sự phát triển kinh tế giúp làm giảm căng thẳng xã hội. Các băng nhóm bạo lực theo đó cũng bớt “công ăn việc làm” và dần tập trung vào một số tổ chức lớn, tiêu biểu là Yamaguchi - gumi, Sumiyoshi-rengo và Inagawa. Tùy theo “đường lối” mà những tổ chức này sẽ tiếp tục hoạt động theo kiểu đâm thuê chém mướn hay nhúng tay vào lĩnh vực kinh doanh, chính trị. Buôn bán vũ khí mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho yakuza (chiếm 35%), tiếp đó là thu thuế bảo kê (20%), tổ chức bài bạc, cá cược (17%) và mại dâm (13%). Ngoài ra, các băng nhóm còn kiểm soát các khu cảng, tổ chức di cư bất hợp pháp, chuyên cưỡng đoạt và thu hồi đất đai.

Luật pháp chưa mạnh tay

Chính vì có mối liên hệ với nhiều tổ chức chính trị và sự mập mờ “lúc chính lúc tà” của các tổ chức yakuza nên đến tận năm 1991 mới thật sự có luật chống yakuza ở Nhật. Luật này cho phép các cơ quan an ninh địa phương được quyền xếp những tổ chức, hội nhóm có 12% thành viên từng lãnh án hình sự vào loại “bạo động”. Và như thế, theo ông Bouissou, không phải tổ chức yakuza nào cũng ngoài vòng pháp luật, vì luật chỉ cấm các băng đảng không được tham gia vào một số lĩnh vực như thu thuế, bảo kê, đòi nợ, giải quyết các tranh chấp dân sự bằng vũ lực... Trong trường hợp vi phạm, cảnh sát đình chỉ hoạt động và chỉ đến khi tái phạm mới bị phạt. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn nỗ lực chống lại yakuza khi tổ chức nhiều trung tâm tư vấn để cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời đón nhận các yakuza hoàn lương. Theo đó, nỗi sợ hãi thế lực đen cũng lùi dần, nhiều người đã tham gia biểu tình phản đối việc các tổ chức tội phạm mở văn phòng trong khu nhà của họ, nhiều nạn nhân của các cuộc thanh toán bạo lực bắt đầu kiện yakuza ra tòa để đòi bồi thường...

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.