Phụ nữ Uzbekistan bị triệt sản ngoài ý muốn

18/07/2010 23:36 GMT+7

Saodat Rakhimbayeva cứ mong thà mình chết đi cùng với đứa con bé bỏng còn hơn. Người mẹ trẻ 24 tuổi phải sinh mổ vào tháng 3 và cho ra đời Ibrohim, bé trai thiếu tháng đã chết sau khi sinh 3 ngày.

Chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con, cô biết thêm một tin động trời khác. Bác sĩ đỡ đẻ cho Rakhimbayeva đã cắt luôn một phần tử cung trong lúc phẫu thuật, khiến cô trở nên vô sinh. Vị bác sĩ nói việc cắt bỏ tử cung là cần thiết để loại bỏ luôn một khối u, trong khi “nạn nhân” cho rằng ông này triệt sản mình theo yêu cầu của một chiến dịch giảm tỷ lệ sinh sản trên toàn quốc.

Theo các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ cũng như các nạn nhân và một số viên chức y tế, Rakhimbayeva là một trong số hàng trăm phụ nữ Uzbekistan bị phẫu thuật triệt sản trái ý muốn của họ vì chính quyền sợ nếu để dân số tăng thì khó bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trong nước. AP dẫn một thông tư của Bộ Y tế ra vào tháng 2 cho hay mọi cơ sở y khoa trên toàn quốc được yêu cầu tăng cường giám sát việc kiểm tra sức khỏe của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Thông tư này cũng yêu cầu phẫu thuật triệt sản miễn phí cho những người tự nguyện. Chỉ thị của Bộ Y tế không nêu rõ các bác sĩ nhận được lệnh phải tiến hành triệt sản bệnh nhân, nhưng đã có nhiều lời cáo buộc rằng chính quyền gây áp lực buộc giới bác sĩ phải thi hành chuyện này.

Theo một số nhân viên y tế giấu tên, chính quyền đặc biệt muốn triệt sản những phụ nữ nhiễm HIV, lao phổi hoặc nghiện ma túy. Tuy nhiên, các dụng cụ giải phẫu thường không được tiệt trùng cẩn thận nên nguy cơ lây lan rất cao. Ngoài ra, những nhân viên y tế tham gia chiến dịch trên bị đe dọa sẽ cắt lương, thưởng hoặc giáng chức và tệ hơn nữa là bị sa thải nếu không hoàn thành chỉ tiêu là thuyết phục ít nhất 2 phụ nữ chịu triệt sản mỗi tháng, AP dẫn lời một cựu quan chức cấp cao trong Bộ Y tế cho hay.

Nhiều phụ nữ sau khi triệt sản đã bị chồng bỏ rơi vì không còn khả năng sinh con nữa. Nhiều phụ nữ khác, đặc biệt ở khu vực nông thôn, cho hay họ bị buộc phải từ bỏ quyền làm mẹ để đổi lấy công việc. Một người mẹ 2 con tại thành phố Ferghana nói với AP rằng giám đốc một nhà trẻ buộc bà phải xuất trình giấy chứng nhận đã giải phẫu bỏ tử cung nếu muốn làm việc tại đây.

Theo AP, đến nay chính quyền Tashkent vẫn chưa hồi đáp những yêu cầu trả lời về các cáo buộc trên của hãng tin này. Khi còn thuộc Liên Xô, nước này là một trong những “quán quân” về chuyện sinh đẻ với một phụ nữ sinh trung bình từ 4 đến 5 con. Nay, tỷ lệ sinh sản trung bình ở đây giảm xuống còn khoảng 2, 3 con/phụ nữ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.