Kỳ thi tuyển sinh cao đẳng: Đề thi phù hợp

16/07/2010 02:00 GMT+7

Theo nhận định của các giáo viên, đề thi vào các trường cao đẳng (CĐ) tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với trình độ thí sinh (TS). Chính vì thế mà phần lớn TS sau giờ thi đều tỏ vẻ phấn chấn.

Môn Ngữ văn khối C, D: Đề hay và phân loại hợp lý

So với đề thi văn C, D đợt 2 ĐH thì đề văn CĐ tương đối nhẹ nhàng hơn.

 - Câu I, TS không chỉ hiểu nội dung chủ đề bài thơ mà còn phải nắm được đặc điểm của thơ trữ tình là hướng nội mới có thể hiểu được “cái tôi trữ tình” của Xuân Diệu bộc lộ trong bài thơ này.

- Câu II, vẫn là đề “mở” và vẫn là đề tài “tài đức” quen thuộc trong đời sống, nhưng để lập luận cho vững vàng quả thật không dễ với những TS lười đọc sách báo và tâm hồn hời hợt.

- Câu IIIa, đề phân tích chứng minh quen thuộc, nhưng để làm rõ nét “mới lạ, sâu sắc” trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước chắc chắn TS lúng túng và rơi vào tình trạng viết lan man. Có một điều dễ gây ra tranh cãi khi chấm bài thi đó là thế nào là “mới lạ”? Có những cái đối với người này là “mới lạ”, nhưng với người khác thì “cũ kỹ và quen thuộc”.

- Câu IIIb là một đề tài sâu sắc và đoạn văn bình luận độc đáo. Để lột tả được hết cái hay của đoạn văn đó đòi hỏi phải có một sự hiểu biết sâu sắc về sự ẩn dụ và khái quát về nét đẹp trong tâm hồn và trong lối sống của Một người Hà Nội.

Nhìn chung đề hay, có tính phân loại cao, đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào hệ CĐ.

Nguyễn Đức Hùng
(Giáo viên trường THPT Thành Nhân - Tân Phú, TP.HCM)

Môn Sinh học (mã đề 382): Nhiều câu hỏi lạ và hay

Đề cho sát với chương trình SGK 12, không có nhiều câu đánh đố. Câu hỏi cụ thể, rõ ràng, bài tập phân hóa trình độ TS. Thời lượng làm bài của TS hợp lý vì không có nhiều câu hỏi bài tập quá dài như đợt thi tuyển sinh ĐH vừa rồi.

Có khoảng 10 câu nội dung tương tự đề thi tuyển sinh ĐH, nên TS nào có tham khảo trước đề thi và đáp án của đề thi ĐH sẽ thuận lợi hơn trong khi làm bài. Một số câu mới, lạ và hay. Cụ thể: Câu 8: Học sinh 12 không biết ADN mạch đơn mà chỉ biết ARN mạch đơn, còn ADN là mạch kép nên sẽ có nhiều TS sai câu này (mặc dù không khó). Em nào còn nhớ kiến thức lớp 10, ADN của vi-rút có dạng mạch đơn thì sẽ làm được. Câu 10 cũng là câu quen thuộc qua các kỳ thi nhưng TS dễ chọn nhầm đáp án vì có thêm chi tiết cặp Bb không phân ly nhưng không ảnh hưởng đến kết quả (vẫn chọn số loại giao tử là 2 dù có đột biến hay không). Câu 30, 44 là câu vận dụng lý thuyết hay, được cụ thể hóa bằng một bài tập nhỏ để TS phải suy luận mới tìm được đáp án.

Bùi Kim Oanh, Nguyễn Kim Quy
(Giáo viên Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn TP.HCM)

Môn Vật lý: Khó tương đương đề thi ĐH

Cấu trúc đề thi giống như đề thi ĐH vừa qua. Nội dung đề thi CĐ bám sát và trải khắp chương trình lớp 12. Số câu tính toán vẫn còn khá nhiều (60%) nên chỉ những học sinh có kỹ năng tính toán nhanh mới có đủ thời gian hoàn tất bài thi.

So với đề thi CĐ 3 năm gần đây thì năm nay khó hơn. Mức độ khó của đề này cũng tương đương với đề thi ĐH vừa rồi. Với đề thi này, học sinh các năm sau chắc chắn phải lo học, chăm học hơn nếu muốn đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH và CĐ. Một số TS thiếu cẩn thận sẽ dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ các câu tổng hợp dao động vừa cho sin vừa cho cos hoặc trong điện xoay chiều, như câu 35, câu 42 của mã đề 794.

Đề thi rõ ràng, khá hay, chính xác không có những câu gây hiểu lầm về nội dung.

Ths Nguyễn Hữu Lộc
(Giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Môn Toán khối A, B, D: Quen thuộc và công bằng

Cấu trúc đề thi quen thuộc như mọi năm, nhưng không có câu hình học phẳng, đề thi CĐ năm nay có độ khó bằng 50% so với đề thi ĐH, phù hợp với trình độ TS thi CĐ. Nội dung đề thi bao gồm lớp 10 - 11 chiếm 30%, phần còn lại thuộc chương trình 12. Độ khó trong phần riêng giữa chương trình chuẩn và nâng cao khá tương đồng tạo được sự công bằng cho học sinh học cả hai chương trình.

Câu I. Việc khảo sát sự biến thiên và vẽ đồ thị hàm bậc 3 và viết phương trình tiếp tuyến tại một điểm có hoành độ cho trước là các dạng toán rất quen thuộc đối với TS. Hơn thế nữa, các số cho trong bài toán dễ tính toán hơn cả đề thi tú tài, vì chỉ tính toán trên số nguyên.

Câu II. Phương trình lượng giác và hệ phương trình chứa căn cho trong đề thi khá đơn giản. Đối với phương trình lượng giác, chỉ với hai phép biến đổi có thể đưa về phương trình bậc hai theo sin2x. Từ đó giải tìm sin2x rồi suy ra x, còn hệ phương trình chứa căn có thể giải dễ dàng bằng cách đặt ẩn phụ.

Câu III. Bài toán tích phân chỉ cần chia đa thức và áp dụng công thức sẽ tìm ngay được kết quả.         

Câu IV. Bài toán hình chóp có độ khó trung bình. TS chỉ cần nắm được tính chất hai mặt phẳng vuông góc và định nghĩa góc giữa đường thẳng và mặt phẳng là có thể giải quyết bài toán này.

Câu V. Bài toán tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức có thể giải bằng cách dùng bất đẳng thức Cauchy hai lần là ra kết quả. Đây là bài toán khó nhất trong đề thi này.

Câu VI.a Hai bài toán: Tìm tọa độ hình chiếu của một điểm trên mặt phẳng và viết phương trình mặt cầu là một dạng toán rất quen thuộc và rất dễ đối với tất cả TS.

Câu VI.b. Bài toán viết phương trình mặt phẳng và tìm tọa độ điểm M thỏa mãn điều kiện của bài toán là một dạng quen thuộc đối với học sinh có luyện tập.

Câu VII.a. Bài toán số phức trong đề thi khá dễ chỉ cần TS thuộc định nghĩa số phức liên hợp và thực hiện các phép tính toán thông thường sẽ ra kết quả.

Câu VII.b. Bài toán giải phương trình số phức được cho tương đối đơn giản đối với học sinh trung bình khá.

Tiến sĩ Nguyễn Phú Vinh
(Trưởng khoa Cơ bản trường ĐH Công nghiệp TP.HCM)

Môn Sử Tương đối dễ

Câu 1 của phần chung là câu khó nhất, đòi hỏi TS phải biết nhận xét sau khi trình bày về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam được Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra trong Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 7.1936 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5.1941. Tuy không yêu cầu so sánh nhưng TS phải có động tác này mới đạt điểm cao. Đây là câu dùng để phân loại học sinh.

Câu 2 của phần chung tương đối dễ đối với TS vì không cần phải suy luận, phân tích hay tổng hợp.

Câu 3 của phần chung dành để phân loại học sinh khá, đòi hỏi TS phải thuộc bài và biết sắp xếp ý một cách hợp lý và đầy đủ.

Câu 4.a của phần riêng đòi hỏi TS phải nhớ rất nhiều sự kiện và những mốc thời gian nên TS khó đạt được điểm trọn vẹn.

Câu 4.b của phần riêng là một đề tài quen thuộc và được coi là trọng tâm của phần lịch sử thế giới nên TS dễ đạt trọn vẹn số điểm câu này.

Nhìn chung, đề thi phù hợp với trình độ học sinh trung bình khá, trải rộng khắp chương trình, không đánh đố học sinh, dễ hơn đề thi CĐ năm trước. Đa số các câu tương đối dễ, chỉ cần học thuộc sách giáo khoa là có thể trình bày tốt.

Đoàn Văn Đạo
(Giáo viên Trung tâm BDVH và LTĐH Vĩnh Viễn TP.HCM)

  

Ngày đầu tiên thi CĐ

Bị kỷ luật chủ yếu liên quan đến điện thoại di động

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, ngày 15.7, số TS đến dự thi CĐ là 351.435 trong tổng số 471.187 TS đăng ký dự thi, đạt tỷ lệ 74,59 %, tăng 8,3% so với năm 2009. Sau 2 môn thi, có 40 TS bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 4, cảnh cáo 4; đình chỉ 32. Phát hiện 1 trường hợp thi hộ tại trường CĐ Y tế kỹ thuật II (Đà Nẵng).

Ghi nhận từ các địa phương cho thấy mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng nhiều TS vẫn cố tình mang điện thoại di động vào phòng thi. Vì thế những trường hợp bị đình chỉ thi trong ngày đầu vẫn liên quan đến điện thoại di động. Cá biệt, đợt này, có 1 giám thị của trường CĐ Kinh tế đối ngoại (TP.HCM) bị đình chỉ coi thi do mang điện thoại vào khu vực thi. Tại TP.HCM, đến các môn thi vào buổi chiều, có nhiều TS bỏ thi. Chẳng hạn trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn có đến gần 100 TS bỏ thi, trường CĐ Công thương là 74 TS, trường CĐ Nguyễn Tất Thành là 45 TS...

V.Thơ - M.Quyên - D.Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.