Không thể mãi sống chung với “độc dược”

06/07/2010 02:24 GMT+7

“Kinh hoàng”, “khủng khiếp”... là những điều bạn đọc đã thốt lên sau khi đọc bài Hãi hùng “công nghệ” trồng rau muống đăng trên Thanh Niên ngày 5.7.

Khủng khiếp

Đọc bài báo mà tôi giật mình vì rau muống là loại rau gia đình tôi rất hay dùng. Bà xã tôi cũng nghe nói nhiều về rau muống có phân u-rê hay gì gì đó nên khi về nhà, bà xã tôi hay ngâm rau muống với nước muối để... “khử độc”, nhưng như những gì mà báo viết thì dù có “khử độc” ngàn lần chắc chắn cũng không hết độc. Vậy là bao lâu nay cả gia đình tôi bị nhiễm chất độc vào người thông qua món rau muống. Thật khủng khiếp! Tôi muốn hỏi, các cơ quan chức năng không có biện pháp gì đối với những ruộng rau muống kiểu này sao? Tại sao nó tồn tại như thế nhưng không ai một lần kiểm tra? Chúng tôi muốn mua rau muống sạch để ăn thì phải mua ở đâu?

              Thanh Thảo (Q.8, TP.HCM)

Rau muống an toàn có "uống thuốc" không?

Không thể tưởng tượng những kẻ làm giàu bằng cách hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng như vậy. Cảm ơn bài điều tra của Thanh Niên. Đây không phải lần đầu báo chí nêu chuyện trồng rau muống bằng “độc dược”, nhưng không hiểu sao những chuyện như vậy vẫn tiếp diễn. Tôi lại thấy lo, tuy chỉ ăn rau muống an toàn bán ở siêu thị, nhưng liệu siêu thị có kiểm soát được nguồn cung cấp rau sạch không? Rất mong các siêu thị kiểm tra lại nguồn cung cấp rau của mình, và không chỉ rau muống, mà các loại rau và thực phẩm khác cũng vậy.

Minh Ngọc (Phan Văn Trị, P.2, Q.5, TP.HCM)

Phạt nặng những người tiếp tay cho “rau độc”

Tôi đã từng trồng rau muống và đi bán ở Hóc Môn (TP.HCM) nên nắm rõ “công nghệ” trồng cũng như những đòi hỏi của người đi mua rau.  Những ngày đầu đi bán rau, tôi đã không bán được do rau "cứng cọng", "đốt ngắn", "xanh rau", "lá to"... Sau khi nắm được "công nghệ" thì tôi mới bán được rau, nhưng vì thấy việc làm này thật vô lương tâm nên tôi đã bỏ nghề. Do đó ngoài việc xử lý người trồng rau táng tận lương tâm thì các ban ngành có trách nhiệm phải hướng dẫn các quy trình làm rau an toàn, cấp giấy chứng nhận rau an toàn cho người trồng, ưu tiên cho rau an toàn vào chợ, và phải phạt nặng những người tiếp tay cho rau độc (trong đó có cả người mua đi bán lại). Có như thế mới chấm dứt được tình trạng này.

(saigondo…@yahoo.com)

Kinh nghiệm

Thật sự, ngoài chợ không chỉ rau muống mà các loại rau khác đều nằm trong vòng nghi vấn về việc người trồng cũng như người bán có sử dụng chất hóa học làm cho rau xanh, mượt... Báo chí đã nói rất nhiều về việc này. Chính vì thế, theo kinh nghiệm của tôi, khi ra chợ, thấy rau củ nào có sâu hoặc xấu xí một tẹo là mua chứ không bao giờ tôi mua rau củ nhìn tươi, mơn mởn. Nói như thế không có nghĩa rau nào tươi, xanh, mượt đều có hóa chất, nhưng cứ dùng phương pháp loại trừ như thế sẽ tốt hơn.

Nguyễn Thị Cẩm Thúy (Q.4, TP.HCM)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.