Lung linh bóng nguyệt thực

26/06/2010 22:08 GMT+7

(TNO) Từ 17 giờ chiều 26.6, những bạn trẻ mê thiên văn và các thành viên của CLB Thiên văn Bách khoa Đà Nẵng đã tập trung tại bãi biển Phạm Văn Đồng để chờ xem hiện tượng nguyệt thực kỳ thú.

Các bạn trẻ được thành viên CLB Thiên văn Bách khoa hướng dẫn cách sử dụng kính thiên văn và xem một số tài liệu. Theo CLB Thiên văn Bách khoa, nguyệt thực một phần lần này bắt đầu vào khoảng 17 giờ 16 phút khi trăng đi vào vùng tối của bóng Trái đất, nhưng vào thời điểm này, trăng vẫn chưa lên. Phải đến khoảng 18 giờ 15 phút, nhiều bạn trẻ đã ồ lên khi thấy mặt trăng mọc lên từ chân trời đông với một nửa phần phía bên trái bị che khuất.

Lúc 18 giờ 39 phút, nguyệt thực đạt cực đại với 53% diện tích mặt trăng bị bóng tối Trái đất bao phủ. Đến 20 giờ, mặc dù mặt trăng vẫn còn trong vùng bóng nửa tối của Trái đất, nhưng hơi mờ và khó phân biệt với trăng rằm bình thường. Mặc dù vậy, các bạn trẻ Đà Nẵng vẫn chờ đến 21 giờ 19 phút theo lịch trình mặt trăng ra khỏi vùng nửa tối, chấm dứt nguyệt thực.

Cùng lúc đó, tại TP.HCM, CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM - HAAC cũng tổ chức quan sát nguyệt thực tại khuôn viên chung cư phía sau METRO, Q.2.

Tại Hà Nội, Hội thiên văn Hà Nội - HAS cũng tổ chức quan sát hiện tượng thiên nhiên này tại tầng thượng Khu chung cư 789 (21 tầng).

Nguyệt thực toàn phần sẽ trở lại vào rạng sáng ngày 16.6.2011.


CLB Thiên văn Bách khoa Đà Nẵng lắp đặt “súng ống” từ 17 giờ


Hướng dẫn những bạn trẻ cách thưởng thức nguyệt thực và sử dụng kính thiên văn


Phạm Quý Nhân - Phó chủ nhiệm CLB Thiên văn Bách khoa dùng webcam đặt vào kính thiên văn để mọi người có thể quan sát nguyệt thực từ laptop


Bắt đầu săn “gấu ăn trăng”


Nguyệt thực xuất hiện lúc 18 giờ 30 phút nhưng bị mây mù


Phải chờ đến 19 giờ, nguyệt thực mới bắt đầu rõ nét


Bãi tắm đêm tại biển Đà Nẵng lung linh dưới trăng

Tin, ảnh: Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.