Cùng ăn cùng ở, cùng yêu thương

26/06/2010 10:44 GMT+7

Thời đại sống nhanh, nhiều cặp vợ chồng trẻ lao vào cuộc mưu sinh. Nhiều đứa trẻ vào đời với nỗi cô đơn trong nhịp sống thành thị. Nhiều ông bà già lặng lẽ nơi góc nhà mà đau đáu về một nơi xa.

Câu chuyện gia đình tam đại đồng đường tràn ngập yêu thương có phải là quá khó ở chốn thành thị này? Làm sao để hòa hợp những tính cách, những khác biệt về lối sống?

Rộn rã tiếng nói cười

“Mẹ ơi mẹ, sợi dây nịt của Tí đâu rồi?”, “Bà ơi, bà đeo giày cho Bo đi, bà”... Đó là khung cảnh rộn ràng chuẩn bị chụp ảnh gia đình trong buổi tiệc mừng đầy tháng đứa cháu mới sinh của ông Trương Xuân Phương và bà Cao Thị Đậu ở ấp 6, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Suốt năm nay, ngôi nhà hai gian của ông Phương có nhiều tin vui, hết đón dâu người con trai kế, mừng thôi nôi cháu gái thứ ba con gái lớn, cưới vợ cho con trai Út, và bây giờ làm đầy tháng đứa cháu trai thứ ba.


Giây phút quây quần của gia đình nhiều thế hệ luôn đầm ấm nếu xây dựng được những giềng mối gắn bó (ảnh minh họa) - Ảnh: Gia Tiến

Hết cỗ đến tiệc, đại gia đình ba thế hệ của ông Phương đến nay có 14 thành viên gồm ông bà, ba cặp vợ chồng, con gái và năm đứa cháu nhỏ. Hàng xóm quanh nhà đến chúc mừng cứ xuýt xoa đùa “Bà Đậu mở một nhà trẻ tại gia được rồi đấy”!

Gia đình là nơi bình yên

Trong cuộc thăm dò “bỏ túi” 30 bạn trẻ về các vấn đề của gia đình hiện đại đã đưa đến kết quả: giá trị cốt lõi của gia đình không có nhiều thay đổi so với truyền thống. Gia đình vẫn là nơi bình yên nhất, đầy ắp yêu thương (80%) và tính thuận hòa được đề cao (64%).

Biểu trưng mạnh mẽ cho sự gắn kết các thành viên với nhau là bữa cơm gia đình (87%), nhưng thích hướng tới mô hình gia đình hạt nhân (60%) hơn gia đình truyền thống (30%) và ly hôn lại được ủng hộ như một sự giải phóng (50%), hoặc cho đó là bình thường (30%) khi vợ chồng không thể hòa hợp.

Mang theo nét đẹp truyền thống của gia đình nhiều thế hệ từ Bắc vào Nam, mặc những thay đổi xã hội, gia đình anh Đới Sỹ Phượng và chị Nguyễn Thị Hồng ở đường 43, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM luôn tràn ngập tiếng cười nói của con cháu vào ngày cuối tuần, mỗi khi nhà có tiệc vui hay vào dịp giỗ tết.

Anh là lãnh đạo của công ty xây dựng, chị làm nội trợ, gần 20 năm gia đình sống chung nhiều thế hệ, chan hòa yêu thương và hạnh phúc. Hai con của anh chị đều trưởng thành tốt trong môi trường ấy, con gái lớn đang công tác tại một trường đại học, con trai út học năm 4 Đại học Kiến trúc. Có được niềm vui như hôm nay, bản thân anh chị phải vượt qua rất nhiều khó khăn ngay từ ngày đầu từ miền Bắc vào Nam để hòa nhập cuộc sống, dung hòa giữa gia đình và công việc.

Tài sản quý giá nhất

Sống chung trong đại gia đình đông người, hòa hợp là không dễ. Những khác biệt lối sống, ý thức hệ cũng gây ít nhiều mâu thuẫn cho người trong cuộc. Không ít bạn trẻ lớn lên trong những gia đình nhiều thế hệ thường có cảm giác mất tự do, không được làm những gì mình thích. Thế nhưng chính ứng xử của ông bà, bố mẹ lại là tấm gương soi tốt nhất cho con cháu học tập và rèn luyện.

Là con cháu trong một gia đình bốn thế hệ của ông Nguyễn Oanh Tạc và bà Phạm Thị Anh Tuyết (ngụ tại đường Lê Đức Thọ, P.6, Q.Gò Vấp, TP.HCM), bạn Hoàng Quân, 28 tuổi, chia sẻ niềm vui: “Gia đình tôi có truyền thống đón giao thừa ở nhà, dù có công việc hay hẹn hò gì cũng phải về nhà trước 24g. Nhiều người cho quy định đó cứng nhắc, nhưng chúng tôi luôn trân trọng nếp nhà hiếm hoi ấy. Thời khắc giao mùa, cảm nhận tình thương yêu lan tỏa từ ông bà, cha mẹ đến con cháu, xúc động với thời khắc tưởng nhớ tổ tiên, tất cả điều đó đã giúp tôi hiểu rằng với một tâm hồn Việt con người Việt, thì gia đình chính là thứ tài sản lớn quý giá nhất”.

Trái với sự khắt khe, khó tính thường thấy của người lớn tuổi, bỏ qua hết những bất tiện khi sống chung, bà Đậu cho rằng hạnh phúc nhất của đời sống người già là nhìn thấy con cái thành gia lập thất. “Lớn tuổi rồi, rày đây mai đó, sống có được bao nhiêu, đỡ đần con cái, được chăm cháu nhỏ là cái phúc của người già. Cực thì cực nhưng vui. Chỉ dăm bước đi xa thăm họ hàng thôi đã thấy nhớ tiếng tíu tít, bi bô của mấy đứa cháu rồi, thương lắm, không rời được”.

Ngày tôn vinh những giá trị gia đình Việt Nam (28-6) sắp về giữa những đợt nắng hè oi ả, mong cho hình ảnh sum vầy ông bà - bố mẹ - con cháu không chỉ xuất hiện chấm phá trong một vài thời khắc của cuộc sống, mà sẽ trở thành một điều quý báu vương vấn bước chân ta đi, ấm áp trái tim quay về (*) với tất cả những ai đang có một gia đình.

Theo Nguyễn Lê Minh - Xuân Tứ Phương / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.