Thùng rác trên sông

19/06/2010 15:33 GMT+7

“Tại sao có thùng rác trên bộ mà không có thùng rác trên sông?" - câu hỏi này đã gợi ý cho nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế thực hiện đề tài Hệ thống thùng thu gom và xử lý chất thải trên sông.

Đề tài này đã đoạt giải nhì tại cuộc thi ý tưởng "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" lần 7 do Quỹ Bảo vệ nguồn nước Thụy Điển (SWF), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức.

Nhóm học sinh gồm Nguyễn Phúc Bửu Gia, Nguyễn Hữu Hà Phương và Phạm Hữu Phúc (lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Huệ) cho biết, ý tưởng đến từ những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Trên con đường tới trường của mình, cả ba đều phải đi qua những con sông của TP Huế (trong đó có dòng Hương giang thơ mộng), chứng kiến các con sông "oằn mình" gánh chịu một lượng rác khá lớn và bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn nữa, do các công nhân môi trường chỉ thu gom rác trên sông theo phương thức thủ công nên lượng rác trên sông vẫn không giảm. Thế là 3 bạn trẻ đã nảy ra ý tưởng làm hệ thống thu gom và xử lý chất thải trên sông.

Với các vật liệu đơn giản, rẻ tiền, dễ sử dụng như nhựa tổng hợp, đá cuội, xơ dừa, cát sạch, bã mía..., hệ thống trên gồm 2 bộ phận: chứa rác và lọc nước. Để tiện cho các hộ gia đình hay tập thể, bộ phận chứa rác cũng được nhóm phân chia thành thùng rác cá nhân và tập thể. Với thùng rác cá nhân, bộ phận này sẽ được gắn vào đuôi thuyền để người dân sống trên thuyền, nhất là các thuyền du lịch có thể bỏ rác vào đó thay vì vứt xuống sông. Còn các thùng rác tập thể sẽ được đặt nổi và được cố định trên mặt nước tại các vị trí thích hợp để người dân đổ rác vào đó thay vì phải lên bờ.

Phương pháp cố định các thùng rác tập thể có thể thực hiện theo phương án mắc các thùng rác này bằng dây nối gần với các cọc trên bờ (hay các móc cố định dọc bờ kè) để tránh ảnh hưởng giao thông đường thủy. Sau khi người dân đổ rác vào các thùng rác, đến cuối ngày (hoặc một thời gian nhất định), nhân viên thu gom rác trên sông sẽ tiến hành thu gom rác tại các thùng mà không phải mất công thu gom, vớt rác kiểu thủ công.

Ở bộ phận lọc nước, các vật liệu có thể dùng như thùng nhựa hoặc thùng nhôm và chủ yếu được đặt ở mui thuyền. Bộ phận này được thiết kế bao gồm đá cuội, xơ dừa, than hoạt tính, cát sạch, bã mía... thực hiện chức năng lọc nước. "Nước thải được đổ vào thùng chứa bộ phận lọc nước đặt ở mui thuyền. Qua lớp đá cuội trên cùng, nước được lọc sơ các loại bụi bẩn, sinh vật. Nước thấm qua lớp xơ dừa, một số vi sinh vật trong nước thải được giữ lại. Tiếp tục, nước đi qua lớp bã mía được khử độc tố và hấp thụ một số chất có hại. Lớp than hoạt tính có tác dụng hấp thụ các chất độc hại, các loại vi sinh vật nguy hiểm và trung hòa các khoáng chất khó hoàn tan trong nước. Qua lớp than hoạt tính, nước tiếp tục thấm qua lớp cát và lớp đá cuội lớn, cuối cùng đi qua vòi nước và thoát xuống sông", Hữu Phúc giải thích.


Mô hình thùng rác trên sông

"Thùng rác cá nhân sẽ tiện sử dụng cho các hộ gia đình sống trên sông nước và cả cho thuyền du lịch. Còn thùng rác tập thể sẽ tiện cho việc sử dụng tại các khu vực tập trung nhiều ghe, thuyền buôn bán trên sông" - Hà Phương

Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.