ODA không phải là của cho không

24/05/2010 02:18 GMT+7

Bài viết Trái đắng ODA đăng trên Thanh Niên ngày 22.5 đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc.

Trách nhiệm của tư vấn giám sát

Việc dễ dãi với nhà thầu làm tăng tổng mức đầu tư. Ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư, theo tôi thì trách nhiệm chính là ở tư vấn giám sát. Theo hợp đồng quốc tế thì tư vấn giám sát có quyền rất lớn, gần như họ thay mặt chủ đầu tư quyết định các vấn đề nghiệm thu và xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên các tư vấn nước ngoài, đặc biệt là tư vấn CDM đang giám sát dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Thị Nghè - Nhiêu Lộc, thì gần như họ chưa hề xử phạt bất cứ vi phạm nào của nhà thầu.

(thucuc19... @yahoo.com)

Cha chung không ai khóc

Từ xưa tới nay, việc các nhà thầu bỏ thầu rất thấp để nhận được thầu, sau đó bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để đưa chi phí phát sinh lên không phải là chuyện xa lạ với những ai có chút ít hiểu biết. Tiền của Nhà nước mà! “Cha chung không ai khóc”, chỉ có người dân phải gánh chịu trên đầu bao nhiêu thứ thuế, rồi nghèo vẫn hoàn nghèo. Thật đáng buồn!

(huynhhiend... @gmail.com)

Cần có biện pháp hợp lý

Qua bài viết, rõ ràng vốn ODA không phải là của cho không. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng cần có sự cân nhắc, chọn lọc khi thẩm định các dự án ODA, giám sát công khai, minh bạch, không để tăng vốn một cách tùy tiện, dễ dãi.

Chí Nhân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Bài học từ Hy Lạp

Những gì đang diễn ra tại Hy Lạp về những khoản nợ quốc gia khổng lồ từ việc của người dân vay ngân hàng mua sắm hàng hiệu, các khoản vay khổng lồ của quốc gia... dẫn đến nợ quốc gia ngoài tầm kiểm soát. Việt Nam nếu không quản lý tốt các khoản vay cũng sớm muộn rơi vào trường hợp tương tự. Những nguồn vay quốc tế quá lớn đổ vào những công trình thi công ì ạch, thậm chí đơn vị thi công thiếu năng lực bị chính Ngân hàng Thế giới yêu cầu bỏ hợp đồng. Những khoản vay này thì ai phải trả? Chính con cháu chúng ta mà thôi. Thế thì khi nào đất nước mới giàu lên được khi nợ còn ngập đầu?

(caoson... @yahoo.com)

Chẳng thể nào hiểu nổi

ODA là nguồn vốn dồi dào mà việc quản lý sử dụng thì dễ dãi, thích thì đề xuất tăng vốn và nước ngoài cũng sẵn sàng rót, vì họ cho ta vay chứ có phải cho không đâu mà ngại. Chỉ tội người dân è lưng đóng thuế, trả nợ. Đáng lẽ với ngần ấy số tiền vay, chúng ta có thể có được vài công trình giao thông hoành tráng nhưng chính vì sử dụng thiếu hiệu quả nên chỉ được một công trình chậm trễ tiến độ, chất lượng thì chẳng biết thế nào.

(babyd... @yahoo.com)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.