Còn ai nghe nhạc thính phòng

18/05/2010 10:28 GMT+7

(TNTT>) Nhạc thính phòng đã hiện diện trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt, lúc lộ lúc ẩn với lượng khán giả khi sụt khi trồi. Tuy nhiên, giữa xã hội bộn bề tất bật, chính nó vẫn là van điều hòa, một bộ lọc tâm hồn cần được bảo trì đều đặn.

Đối với một số bộ phận dân chúng, trong bối cảnh sống chỉ cần “ăn no, mặc ấm” nhạc thính phòng (NTP) đã từng và vẫn còn là thứ dường như để đứng xa mà nhìn. Nhưng khi tầm sinh hoạt đã đạt mức “ăn ngon, mặc đẹp”, dòng nhạc này đang trở thành tấm áo không thể thiếu trong tủ trang phục phong cách sống hiện đại, mà tác động cộng đồng của nó trước sau vẫn đầy hiệu ứng tích cực.

Có lẽ cụm từ “nhạc thính phòng” là một trong những thuật ngữ văn hóa nghệ thuật có cấu kết ý nghĩa “quen mà lạ” nhất. Chiết tự ra ai cũng hiểu ngay đó là loại nhạc để nghe (thính) trong phòng, thật đơn giản. Thế nhưng khi đứng chung cụm nó lại thành lạ lẫm, “bị” hiểu như một hạng mục nghệ thuật kinh điển, mô phạm, bác học khó với tới. Do đó ở mỗi thời, mỗi giai đoạn phát triển xã hội Việt, NTP đều âm thầm ôm riêng một số tầng lớp khán giả. Chưa bao giờ nó trở thành dòng nhạc đỉnh, chi phối cộng đồng mạnh mẽ như một số thời kỳ của nhạc trẻ nổi lên bấy lâu nay.

Nhạc thính phòng – Hôm qua và hôm nay

Sự thực gần một thế kỷ qua, NTP, với đầy đủ các tầm vóc bao gồm thính phòng truyền thống, giao hưởng cổ điển, nhạc không lời, nhạc nhẹ… vẫn âm thầm làm khung sườn phát triển cho nghệ thuật âm nhạc Việt, bất chấp chỉ số biến động của lượng khán giả. Ở miền Nam trước đây, dường như NTP chiếm ưu thế, nhạc trẻ sôi động chỉ vỏn vẹn hiện diện ở vài đại nhạc hội mỗi năm. Thời  ấy truyền hình chưa phát triển nên các chương trình nhạc không lời trên sóng vô tuyến chiếm nhiều thời lượng.

Các quán cà phê, phòng trà là nơi đủ các giới tuổi đến nghe các dàn nhạc cụ trình diễn tam, tứ tấu. Sinh viên học sinh có lúc mê mẩn với trào lưu guitar cổ điển hay sưu tầm bộ đĩa nhạc vinyl mang tên Anna nhẹ nhàng tình cảm của Pháp. Lúc đó miền Bắc đang ở giai đoạn vừa chiến đấu vừa xây dựng nên hình thái “cùng đến một căn phòng để nghe nhạc” rút hết về những buổi nhạc giao hưởng cổ điển được tổ chức hiếm hoi trong tầm mức mừng đại lễ hay giao lưu hữu nghị quốc tế. Các nhà đài ngày ấy đã thành “phòng” chuyển tải thể loại nhạc này để các bài nhạc thính phòng tam, tứ tấu không lời đến được khán giả. Với sẵn đà đó, khi đất nước thống nhất, NTP thuận lợi phát triển hơn ở đất Thăng Long, trong khi miền Nam lại nhường đất cho các cơn bão nhạc trẻ, nhạc mạnh, nhạc giật.

VN vào thế kỷ mới, sinh hoạt nhạc trẻ của lớp tuổi 8X, 9X nở rầm rộ và sôi động trong chiều kích thị trường kinh doanh giải trí, đồng hành biến thiên theo mức phát triển cả lượng và chất của các sao thần tượng với vô số album, live show mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn có một khối lượng nhất định khán thính giả của dòng nhạc thính phòng. NTP nay nghiễm nhiên chọn chỗ đứng rõ ràng theo không gian địa lý từ nhỏ (ấp, xã…) đến lớn (đô thị, thành phố) với những loại hình từ bác học đến bình dân của mình.

Người Á Đông có khuynh hướng thiết tha với ca khúc có lời nên loại hình NTP thuần nhạc cụ vẫn bị hạn chế số lượng khán giả
Tại vùng đô thị trung tâm, những buổi hòa nhạc giao hưởng chính quy đông đúc nhạc công với các nhạc khí không thể thiếu như bộ hơi, giây, gõ và cả lời ca…được đều đặn xuất hiện trong dịp lễ lớn, giao lưu âm nhạc quốc tế hay lưu diễn của các nhà tài trợ. Các tác phẩm kinh điển của Chopin, Bach, Hayden, Mozart hay Beethoven… lại có lớp lớp khán giả ăn mặc chỉnh tề lịch sự, “kiên nhẫn” tuân thủ văn hóa nghe nhạc thính phòng thật nghiêm túc. Thành phố, thị trấn ngày càng nhiều điểm để người ta đến thưởng thức thứ nhạc “music de chambre” đúng nghĩa, được trình tấu bằng các khí nhạc cổ điển như violon, piano hay guitar.

Bên cạnh đó là các bar, cà phê giới thiệu các chương trình nhạc bán cổ điền, nhạc chủ đề, nhạc nhẹ có lời… mà khán giả không chỉ thuần lớp trí thức hay trung niên như thành kiến đã áp đặt nữa. Chưa hết, tùy địa phương, lớp khán giả thưởng thức loại NTP truyền thống đầu tiên của Việt Nam lại tái xuất hiện. Chúng là ca trù, ca Huế, đờn ca tài tử từng ra đời từ thế kỷ thứ 10 thời Đinh, Lê, trong các cung đình, đền miếu, tư thất nay đang tìm được địa bàn mới ở những CLB, hội lễ tại các nôi phát sinh khắp Bắc Trung Nam.

Vẫn cần lắm dòng nhạc thính phòng

m nhạc là thứ ngôn ngữ tương đối trừu tượng. Tính cách người Á Đông lại có khuynh hướng thiết tha với ca khúc có lời nên dù sao loại hình NTP thuần nhạc cụ vẫn bị hạn chế về số lượng khán giả. Lớp trẻ và người bình dân có điểm chung là ưa chọn những gì bớt động não động tâm. Điểm chung nữa là họ khó gò bó lâu trong không gian “phòng ốc” tương đối tĩnh lặng nghiêm túc. Ngoài ra, các cô cậu thanh thiếu niên còn “sính” nhạc trẻ theo tăm tiếng các ngôi sao. Có thể nay họ không hoàn toàn còn “nhợn” cái mác bác học của nhạc thính phòng lắm, nhưng vẫn khó mặn mà vì dòng nhạc này cũng không có nhiều sao thần tượng.

Nếu văn hóa xã hội luôn tìm một nền móng bình ổn đa chiều để phát triển thì dòng nhạc thính phòng vẫn còn cần lắm. Trong một không gian vừa đủ để thưởng thức cung bậc âm thanh, những bon chen tranh đua đùn đẩy bị triệt tiêu, mỗi người sẽ văn minh, vị tha và bớt bị kích động hơn. Xả stress với NTP chỉ là một kiểu nói thời thượng. Thực sự nó là sự cân bằng cần thiết, để ngang tầm hay thậm chí lấn lướt những xáo động xô bồ của cuộc sống hiện đại, đó là trách nhiệm NTP phải gánh vác. Các dàn nhạc cổ điển tí hon mà nhạc sĩ Thúy Hạnh đang nhào nặn hiện nay chính là gieo mầm định tâm cho trẻ để chúng tự bình ổn và giúp lớp trẻ đồng trang lứa- kẻ diễn người nghe - cùng bình ổn khi mai này trưởng thành.

Ở tầm mức là gương mặt văn hóa quốc gia, NTP mảng giao hưởng cổ điển vẫn cần tiếp bước con đường đã đi vững chắc từ những ngày Bác Hồ điều khiển chiếc đũa nhạc cho bài Kết đoàn năm 1960, hay từ bản giao hưởng Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Việt ra đời năm 1961. m nhạc Việt ấn tượng trong con mắt văn hóa thế giới bấy lâu nay phần lớn nhờ vào bước phát triển và hiện hữu của NTP. Ca trù, ca Huế, đờn ca  tài tử… là cái độc đáo riêng không tính tới.

Nhưng NTP giao hưởng là dòng nhạc du nhập nên công cuộc phát triển để có bản sắc và bộ mặt quốc gia không đơn giản. VN đã đóng góp cho dòng âm nhạc bác học một số tên tuổi như nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, và nay, những thử nghiệm thưởng thức giao hưởng thính phòng tại hang Đầu Gỗ (Hạ Long) đầu tháng 5 vừa qua, kế hoạch đầu tư 40 tỉ đồng cho phát triển và bảo trì khí nhạc giao hưởng hay công trình phòng hòa nhạc đồ sộ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội sắp tới… đều là những động thái mà dòng NTP đang đóng góp chung vào sự bền chắc của phần nền văn hóa nghệ thuật Việt.

Trung Nghị 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.