Bón... đất xuống ruộng

10/05/2010 00:48 GMT+7

Câu chuyện tưởng chừng hoang đường nhưng có thật này đã và đang tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu nông dân trên cả nước. Đó là chuyện ngày càng có nhiều công ty, đơn vị chuyên sản xuất phân bón giả mà hàm lượng dinh dưỡng chỉ nhích hơn hoặc bằng... đất!

Theo điều tra, cả nước có 61 cơ sở, công ty sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả và đã bán ra trên 31 tỉnh, thành, suốt từ Bắc chí Nam và các tỉnh Tây Nguyên.

Hiệp hội Phân bón VN thống kê sơ lược và "giới thiệu" một số công ty nổi tiếng về công nghệ chế tạo phân bón có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với… đất, bị vạch mặt trong thời gian qua.

Đó là Công ty TNHH Việt Thái, đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì loại NPK: 16-16-8-13S, tổng hàm lượng dinh dưỡng 53%. Tuy nhiên, qua kiểm định hàm lượng N chỉ có 3%, Phosphor có 2,7%, Kali chỉ có 1,4% và tệ hơn S chỉ có 0,52%. Tổng hàm lượng dinh dưỡng của loại phân NPK do công ty này sản xuất và bán ra trên thị trường là 7,2% (gian lận gần 46%).

Hay như Công ty CP quốc tế Đông Trung Đa Yếu Tố, đăng ký hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng trên thực tế phân bón của công ty này chỉ có 8,2% (gian lận gần 45%).

Kinh hoàng hơn phải kể đến "phân đất chính hiệu" của Công ty Đông Hải. Trên giấy phép bao bì đăng ký NPK 16-16-8-13S, tổng hàm lượng dinh dưỡng 53%. Nhưng khi kiểm tra mới té ngửa: N tương đương 1,4%, Phosphor 0,6%, Kali 0,03% và S khá hơn chiếm 1,5%. Tính ra, tổng hàm lượng dinh dưỡng của phân NPK do Công ty Đông Hải sản xuất chỉ có 2,99% (gian lận hơn 50%).

Ông Nguyễn Hạc Thúy (Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN) mỉa mai: "Vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới hàm lượng dinh dưỡng NPK đã tương tự như phân bón giả của Đông Hải sản xuất. Vậy có khác gì mang đất bón xuống đất".

Việc sản xuất, tiêu thụ phân bón giả ào ạt gây phương hại nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia không phải các ngành chức năng như QLTT, công an... không biết, thậm chí có nhiều vụ việc đã bị bắt quả tang, phanh phui nhưng sau đó việc xử lý cứ lùi vào quên lãng!

Trong 61 công ty, đơn vị làm phân bón giả như đã nêu, cũng chỉ mới khởi tố điều tra 3 đơn vị. Trong số này cũng chỉ mới có một giám đốc công ty lãnh án 36 tháng tù giam và nhận phạt 1,64 tỉ đồng. Số còn lại, vẫn ngang nhiên đứng ngoài vòng pháp luật.

Theo tính toán của nhà nông, nhất là người dân miền Trung, chi phí phân bón cho một sào lúa (500m2) gần 100.000 đồng. Nếu trúng mùa thì thu lãi từ 150.000 - 200.000 đồng/sào. Nếu chẳng may hộ nào sử dụng đúng loại phân bón… như đất, thì mùa đó mất đứt tiền lãi, đó là chưa kể phải tốn thêm chi phí "dọn ruộng".

Trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 8 triệu tấn phân bón các loại, trong đó chỉ có 2 triệu tấn phân ure là ít có khả năng làm giả, còn lại 6 triệu tấn phân bón khác, khả năng làm giả rất cao. Giá mỗi tấn phân bón từ 2 đến 10 triệu đồng, nếu sản xuất chỉ giảm 10% hàm lượng dinh dưỡng thì những đối tượng làm phân bón giả đã "ăn không" của nông dân tới 2.400 tỉ đồng mỗi năm.

Việc chưa xử lý, không xử lý pháp luật đối với những công ty sản xuất phân bón giả, kém chất lượng đã làm vấn nạn này bùng phát thành đại dịch khiến người nông dân bất an, thấp thỏm mỗi khi vào vụ mùa.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.