Giai thoại rau sắng chùa Hương

05/05/2010 00:30 GMT+7

Thi sĩ vốn đa tình, đôi khi chỉ vì một nguyên do rất bình thường mà cũng tạo nên những rung động tình cảm để rồi ngót 90 năm sau, hậu thế còn truyền tụng những giai thoại ly kỳ, như giai thoại “rau sắng chùa Hương”...

Muốn ăn rau sắng chùa Hương...

Rau sắng là một trong những đặc sản của vùng Hương Sơn - nơi nổi tiếng với lễ hội chùa Hương thường được tổ chức vào mùa xuân mỗi năm. Gọi là “rau” nhưng rau sắng không phải loại cây thân mềm như rau cải, rau diếp, rau muống... mà lại thuộc loại họ mộc, thân cao và to, chỉ mọc trên vùng núi đá vôi mà không hợp với một vùng thổ nhưỡng nào khác. Mùa đông cây sắng rụng lá, đến xuân lại nẩy lộc. Người đi trẩy hội chùa Hương, thường hái lá sắng non (tựa như lá rau ngót) đem về nấu canh. Dù mọc trên đá vôi nhưng tỷ lệ chất đạm trong lá rau sắng rất cao, nấu canh không cần phải nấu chung với thịt, xương hoặc cho thêm bột ngọt mà chỉ cần nêm nếm chút gia vị mắm muối là cũng thấy ngon. Chẳng vậy mà “rau sắng chùa Hương” đã đi vào ca dao: “Ai đi trẩy hội chùa Hương/Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm/Mớ rau sắng, quả mơ non/Mơ chua, sắng ngọt biết còn thương chăng?”.

Thi sĩ Tản Đà có lẽ mùa xuân nào cũng đi hội chùa Hương, và đâm “ghiền” cái món canh rau sắng. Nhưng rủi thay, đến mùa xuân năm 1923 thì chàng... hết tiền! Ngồi bó gối nhìn người ta nô nức đi trẩy hội mà lòng cuộn lên những xuyến xao bồi hồi... Thế là trút tâm sự qua đầu ngọn bút: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/Tiền đò ngại tốn, mà đường ngại xa/Mình đi, ta ở lại nhà/Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm”. Không chỉ giãi bày nỗi niềm lên trang giấy mà Tản Đà còn đăng 4 câu thơ trên lên tờ Hữu Thanh do chính ông làm chủ bút.

Tưởng đăng báo chỉ để giải tỏa nỗi niềm, ai ngờ mấy hôm sau qua đường bưu điện (hồi ấy gọi là “nhà dây thép”), Tản Đà nhận được một gói bưu phẩm bên trong là một mớ rau sắng và một mảnh giấy ghi 4 câu thơ, họa nguyên vận bài thơ đăng trên báo của ông: “Nguyễn tiên sinh nhã giám: Kính dâng rau sắng chùa Hương/Tiền đò đỡ tốn, mà đường đỡ xa/Không đi, xin gửi lại nhà/Thay cho dưa khú cùng là cà thâm”. Phía dưới ghi “Đỗ tang nữ bái tặng”.

“Đỗ tang nữ” có nghĩa là người con gái hái dâu họ Đỗ. Đã có bao nhiêu giả thiết, bao nhiêu câu hỏi xoay quanh nhân vật “bí  hiểm” này. Nhiều người còn nghĩ “biết đâu có một ông tướng nào đó thấy Tản Đà đăng báo bèn “đội lốt” Đỗ tang nữ để chơi khăm”... Gì thì gì, với Tản Đà thì ông rất... hạnh phúc. Với một tâm hồn đầy lãng mạn, ông coi đây chính là “người tình không quen biết” của mình (sau này ông có làm khá nhiều bài thơ nhắn gửi “người tình không quen biết”, ngôn ngữ hậu thế gọi là “người tình không chân dung” - NV), và không thể không tận dụng tờ báo của mình để vừa cảm tạ người ấy vừa kín đáo bày tỏ nỗi lòng, bài thơ cảm tạ được đăng ở Truyện Thế Gian cũng trong năm 1923: “Mấy lời cảm tạ tri âm/Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình/Đường xa rau vẫn còn xanh/Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào/Yêu nhau xa cách càng yêu/dẫu rằng suông nhạt mà nhiều chứa chan/Núi non khuất nẻo ngư nhàn/Tạ lòng xin mượn Thế Gian đưa trình” - Nguyễn Khắc Hiếu bái phục.

Về chuyện “rau sắng chùa Hương”, sau này Tản Đà đã có kể lại trong Tản Đà vận văn (Hương Sơn, Hà Nội xuất bản năm 1944): “Khoảng tháng ba năm nay, tôi có tiếp được một gói, gửi do nhà dây thép, ngoài bọc giấy, trong là rau sắng... Không thấy có đề tên người gửi, xem dấu nhà dây thép, cho biết là từ Phủ Lý gửi lên. Lại có phong thư cùng tiếp nhận, mở xem cho thấy ở mảnh giấy có mấy câu lục bát, tức là lời gửi rau sắng, trên không đề là ở đâu gửi đến, đi báo ngày hôm nào, dưới ký tên như một người đàn bà con gái... Lạ thay! Không biết ai như hẳn một người tình nhân không quen biết đây. Nay đã không biết trả lời về đâu mà cám ơn, vậy nhân Truyện Thế Gian, kính in bức ngọc thư của ai, và xin nói mấy lời cảm tạ”.

Đỗ tang nữ là ai ?

Mãi 5 năm sau, bức màn bí mật mới được hé lộ một phần: nàng chính là nữ sĩ Song Khê, tên thật Đỗ Thị Khê, sinh năm 1901, nguyên quán tại Cấm Khê (Khoái Châu, Hưng Yên) nhưng sinh ra và lớn lên tại Thất Khê (Cao Bằng) vì thế mới có bút danh là Song Khê. Nàng là em ruột của nữ sĩ Tương Phố (tác giả Giọt lệ thu) cho nên thi tài cũng không hề “thua chị, kém em”. Thời điểm xảy ra câu chuyện trên, Song Khê đang là nữ hộ sinh cao cấp (tương đương bác sĩ), làm việc tại Phủ Lý (Hà Nam). Đến năm 1927 thì Song Khê chuyển công tác về Móng Cái (Quảng Ninh), theo dõi An Nam tạp chí biết cuộc sống của Tản Đà lâm vào cảnh túng thiếu, Song Khê đã gởi tặng tác giả Thề Non Nước trọn một tháng lương kèm theo những lời động viên, khích lệ. Một năm sau, Song Khê chuyển về Kiến An (Hải Phòng). Tản Đà cũng có một người bạn thơ đang sống ở đây. Nhân một buổi về Hải Phòng thăm bạn, Tản Đà được người bạn này dẫn đến thăm Song Khê. Rồi... theo tác giả Trần Kiêm Đạt trên Kiến thức Văn hóa thì trong bức thư đề ngày 23.3.1968 gửãi cho ông Hồ Đình Chữ (Huế), bà Song Khê có viết: “Tuy sinh cùng nước, cùng thời, với lòng cảm phục văn tài vô hạn nhưng tôi cũng chưa được hân hạnh quen biết và tìm gặp tiên sinh bao giờ. Mãi đến năm 1928, khi tôi ở Kiến An, có một bữa (21 tháng 3), một văn hữu ở Hải Phòng đưa thi sĩ Tản Đà đến thăm tôi mà không hề giới thiệu. Tiếp chuyện độ nửa giờ, người bạn tôi cùng ông khách ra về, sau này tôi mới biết vị khách đó là thi sĩ Tản Đà... Câu chuyện văn chương tưởng như mới ngày nào, nửa thế kỷ thấm thoát đã trôi qua, đến nay chỉ là giấc mộng. Tuổi vô dụng giục người tóc bạc. Trận phong sương đồn rã cuộc trăm năm. Ngót ba mươi năm nay, Tản Đà tiên sinh đã gánh văn lên bán Chợ Trời, chẳng còn mấy nữa người rau sắng cũng sắp về Hương quy Phật, âu cũng là Vèo trông lá rụng đầy sân/Công danh phù thế có ngần ấy thôi !” (*) - Kính bút: Song Khê - Người Rau Sắng”!

Sau này, bà Song Khê sống ở Sài Gòn, rồi định cư ở Virginia (Mỹ) và mất năm 1993, hưởng thọ 93 tuổi.

(Còn tiếp)

Hà Đình Nguyên

(*) Thơ Tản Đà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.