Áo xanh ở bệnh viện

04/04/2010 16:52 GMT+7

Xắn tay áo “xông” vào bệnh viện, các sinh viên (SV) tình nguyện không chỉ góp phần chia sẻ khó khăn với các bệnh nhân nghèo, neo đơn, mà qua đó còn tự rèn mình...

Cứ mỗi ngày hai lần, những bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên lại bắt gặp những bóng áo xanh tình nguyện tại bếp ăn từ thiện. Họ là những SV đến từ Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên.

“Có tụi nó, tui vui lắm”

Hôm chúng tôi có mặt, không khí vốn trầm lặng ở đây như sinh động hẳn lên. Trong một góc của gian bếp, 2- 3 bạn nữ ngồi xoay tròn vừa lặt rau, chặt thịt vừa nói chuyện rôm rả. Bên kia, mấy bạn trai đang gò lưng chẻ củi nấu cơm. Cạnh giếng nước, 2 bạn nam, nữ ngồi rửa đống chén bát chất cao ngất ngưởng. Trời nóng bức, gian bếp nhỏ chật kín người. Ai cũng khẩn trương làm việc cho kịp bữa trưa, mồ hôi cứ thế túa ra trên mặt và lưng của các bạn trẻ.

“Các em rất siêng năng và chịu khó. Tôi đã gặp nhiều đoàn tình nguyện nhưng chưa có đoàn nào làm việc có trách nhiệm và đạt hiệu quả cao như vậy”

Võ Thị Minh Trang - Bếp trưởng bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.
“Lúc trước em chỉ nấu cho riêng mình ăn thôi, nay đã biết cách nấu cho hơn 50 người ăn rồi. Cũng nhờ các cô, các bác chỉ bảo tận tình nên em còn biết nấu sao cho đơn giản mà đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh và ngon miệng”, bạn Nguyễn Thị Bích Cẩm khoe.

Sau tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn trưa, hàng trăm bệnh nhân nghèo đổ về nhà ăn để nhận suất cơm của mình. Những bóng áo xanh cũng ngược xuôi giúp nhân viên bếp ăn thu phiếu, bới cơm, múc canh cho người bệnh. Với những người bệnh nặng, sức khỏe yếu, không đến nhận cơm được, các bạn chia nhau đem cơm đến phòng và tự tay bón từng muỗng cơm cho người bệnh.

Cụ Cao Thị Bé (69 tuổi, quê ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa) nhập viện gần một năm, thường xuyên không có người nhà ở lại chăm sóc nên buồn lòng, cứ nằm một chỗ khiến bệnh tình ngày một nặng. Biết hoàn cảnh của cụ, các bạn đã cử người lo bữa ăn cũng như tranh thủ thời gian trò chuyện động viên để cụ đỡ tủi thân. Nhờ vậy, cụ đã bớt buồn, bệnh tình thuyên giảm. Cụ cứ xuýt xoa mãi: “Các cháu học hành căng thẳng, một số còn bận bịu đi dạy thêm để có tiền đóng học phí, vậy mà còn biết dành thời gian giúp đỡ thân già này. Có tụi nó, tui vui lắm, có cảm giác như được ở bên con cháu của mình”.

Rèn luyện bản thân

Phó bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên Hồ Hồng Nam cho biết trong Tháng thanh niên 2010, Phú Yên đã có 425 công trình, phần việc thanh niên được 17.325 đoàn viên - thanh niên thực hiện. Trong đó đã thành lập 118 nhóm, tổ tuyên truyền vận động 630 hộ gia đình tham gia bảo vệ các dòng sông; trồng 14 ha rừng tại 14 xã, thị trấn ở huyện miền núi Sơn Hòa; trồng tre ngăn sạt lở trên các con sông trong tỉnh; nhận bảo vệ, duy tu, sửa chữa các tuyến kênh mương nội đồng...

Đã có 665 thanh niên được vay 3,68 tỉ đồng để học tập, tạo việc làm; đoàn viên - thanh niên đã đảm nhận gần 500 đoạn đường thanh niên tự quản, 7 bến đò thanh niên tự quản; thu gom 303 tấn rác thải, xây dựng 1 căn nhà mới và hỗ trợ sửa chữa 29 căn nhà cho người nghèo. (
Hoàng Lê)

Đưa áo xanh tình nguyện vào bệnh viện thực ra chỉ là một trong những hoạt động nhiều ý nghĩa của Tỉnh Đoàn Phú Yên trong Tháng thanh niên vừa qua. Tuy nhiên, hoạt động này cũng không còn dừng lại trong phạm vi phong trào mà sẽ kéo dài trong thời gian tới.

Mỗi SV tham gia đều ý thức trong việc đi đúng giờ, làm việc tích cực và lấy đó làm tiêu chí để rèn luyện bản thân. Không chỉ góp sức, các bạn còn tham gia vận động các mạnh thường quân quyên tiền để bữa ăn người bệnh ngày càng được cải thiện. Ngoài ra, các bạn còn trích quỹ Chi đoàn mỗi tháng gần 700.000 đồng để lo phần trái cây tráng miệng cho các cụ cao tuổi. Điều đáng ghi nhận ở đây là hoạt động này giúp mỗi đoàn viên thấy mình có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng, với những số phận không may trong cuộc sống.

Lâu nay, SV Học viện Ngân hàng bị “mang tiếng” là “công tử”, “tiểu thư”. Mỗi người là một cá tính nên tập hợp các bạn lại đã khó; khơi dậy lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm để cùng chung tay giúp đỡ cộng đồng lại càng khó hơn. Nhưng Chi Đoàn K28B của Phân viện Phú Yên còn làm được hơn thế khi đã khiến các “cậu ấm”, “cô chiêu” có thể tích cực hoạt động vì mọi người xung quanh. Cũng nhờ tham gia hoạt động này mà nhiều bạn đã trưởng thành hơn, biết sống tiết kiệm và chuẩn mực hơn trong sinh hoạt cá nhân. 

Xuân Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.