Những quả đấm trong lòng nước Nga

03/04/2010 23:39 GMT+7

Những vụ tấn công liên tiếp tại Nga cho thấy mối đe dọa khủng bố đang rất đáng sợ tại cường quốc quân sự này.

Báo chí Nga vào hôm thứ sáu đã đăng một bức hình đầy ám ảnh. Trong hình, một cô gái còn rất trẻ và có phần xinh đẹp đầu trùm khăn choàng truyền thống Hồi giáo, ngồi gọn trong vòng tay của người chồng trẻ tuổi. Cả hai đều cầm súng ngắn.

Theo báo Kommersant thì cô gái trẻ chính là một trong hai phụ nữ đã đánh bom tự sát nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Moscow hôm 29.3. Tờ báo cho hay cô này tên là Dzhanet Abdurakhmanova, hay Abdullayeva. Người đàn ông trẻ tuổi được xác định là Umalat Magomedov, một gã khủng bố có tiếng tăm đã bị quân Chính phủ Nga bắn chết hồi cuối năm ngoái.

Dù chưa có xác nhận nào từ nhà chức trách, nhưng thông tin trên phù hợp với tiết lộ của một số nhà điều tra trước đó rằng, một trong hai kẻ khủng bố ở Moscow là góa phụ 17 tuổi Dzhanet Abdurakhmanova. Theo giới chức trách thì Abdurakhmanova đã đánh bom tự sát để báo thù cho chồng.

Thần chết nơi cánh cửa

Với trung bình 7 triệu lượt người đi lại mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm Moscow đứng thứ nhì thế giới về sự nhộn nhịp, chỉ sau thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Cũng chính vì thế, đây là mục tiêu ưu tiên của các lực lượng khủng bố.

Moscow vào đầu buổi sáng ngày 29.3, hành khách đông nghẹt trên các chuyến tàu điện ngược xuôi. Người người đều hối hả đến sở làm, tới lớp, ra công trường. Và trong đám đông tất bật ấy, thần chết cũng có mặt. Thần chết đội lốt những phụ nữ chân yếu tay mềm.

Vào lúc 7 giờ 56 phút, chuyến tàu Mũi tên đỏ - 75 năm dừng lại ở ga Lubyanka. Khi các cánh cửa vừa mở, một phụ nữ đứng ngay lối ra thứ hai của toa tàu thứ hai đã kích nổ khối thuốc trong người. Một tiếng nổ rầm trời vang lên. Hơn 20 người thiệt mạng. Hãng tin RIA Novosti dẫn lời cảnh sát cho biết loại chất nổ được dùng trong vụ này là RDX, với sức công phá tương đương 4 kg TNT.

Khi vụ nổ thứ nhất xảy ra, một chiếc tàu khác đang dừng ở khoảng giữa hai ga Frunzenskaya và Park Kultury, có thông báo trên hệ thống loa rằng tất cả hành khách sẽ phải xuống tàu do có trục trặc kỹ thuật. Khoảng 40 phút sau, khi tàu đến ga, và cũng ngay lúc cửa vừa mở, một phụ nữ tóc đen đã kích khối thuốc nổ trong người. Sức công phá của vụ này tương đương 2 kg TNT.

Cảnh sát sau đó cho biết trong cả hai trường hợp, thuốc nổ đều được trộn lẫn mảnh kim loại, đinh vít, chốt sắt để tăng sát thương.

Hai vụ đánh bom kinh hoàng làm tổng cộng 40 người chết, gồm 25 người trong vụ đầu, 13 người trong vụ sau, cùng với 2 sát thủ. Khoảng hơn 100 người bị thương.

Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống tàu điện ngầm Moscow bị tấn công tự sát. Sáu năm về trước, hai vụ tấn công tương tự cũng đã làm hơn 50 người chết.

Đó là ngày 6.2.2004, vào lúc 8 giờ 40, khi một chiếc tàu điện ngầm đang rời ga Avtozavodskaya, trực chỉ trung tâm Moscow, thì một kẻ đánh bom tự sát trẻ xuất hiện. Anzor Izhayev, mới 20 tuổi, thuộc tộc thiểu số Karachay vùng Bắc Caucasus đã kích hoạt khối thuốc nổ trong người. Hậu quả tức thì là 41 người chết và 102 người bị thương. Đến ngày 31.8 cùng năm, tại nhà ga Rizhskaya, một nữ khủng bố đã đánh bom tự sát làm 10 người chết và khoảng 50 người bị thương.

Bên cạnh những pha đánh bom tự sát, lực lượng khủng bố ở Nga cũng thường tổ chức các đợt tấn công bất ngờ, được lên kế hoạch rất tỉ mỉ, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trong lòng quốc gia rộng lớn nhất hành tinh. Vụ cầm giữ con tin ở nhà hát Moscow vào năm 2002 và vụ tấn công trường tiểu học ở Beslan thuộc Cộng hòa Bắc Ossetia vào năm 2004 là hai bi kịch đẫm máu nhất. Trong vụ đầu, khoảng 40 - 50 tay súng Chechnya đã đột nhập vào Nhà hát trung tâm Moscow vào ngày 23.10.2002, bắt giữ 850 con tin và ra điều kiện đòi quân đội Nga rút khỏi Chechnya. Yêu sách của quân khủng bố không được đáp ứng và các cuộc thương lượng đều bất thành. Đến rạng sáng ngày 26.10, lực lượng đặc nhiệm Nga đã sử dụng khí gây mê để tấn công vào nhà hát. Kết cục của tấn bi kịch này là 170 người chết, trong đó gồm quân khủng bố và khoảng 130 con tin. Nhiều tay súng Chechnya và nạn nhân chết do chất độc. Vụ Beslan bắt đầu vào ngày 1.9.2004 cũng tương tự. Một nhóm tay súng người Chechnya và Ingush đã cầm giữ chừng 1.100 con tin, trong đó có gần 800 trẻ em tại trường Tiểu học số 1, thành phố Beslan, nước Cộng hòa Bắc Ossetia. Đến sáng ngày 3.9, các lực lượng của Chính phủ Nga đã mở cuộc tấn công giải thoát. Kết thúc thảm kịch, có ít nhất 385 người chết và gần 800 người bị thương.

Tầm diệt khủng bố

Thủ phạm của các đợt tấn công khủng bố kinh hoàng này thường là các nhóm vũ trang theo đường lối ly khai ở Chechnya và một số nước cộng hòa khác nằm trong Liên bang Nga. Như trong vụ đánh bom kép vào hệ thống tàu điện ngầm Moscow hồi cuối tháng 3 vừa qua, trùm khủng bố Doku Umarov, một nhân vật tự xưng là Tiểu vương của Tiểu vương quốc Hồi giáo Bắc Caucasus, đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Các nhóm khủng bố này thường xuyên sử dụng biện pháp bạo lực để gây bất ổn tại Nga. Ngoài những vụ khủng bố chấn động thế giới, hoạt động đánh bom lẻ tẻ ở những miền hẻo lánh xảy ra như cơm bữa, đặc biệt là tại các nước Cộng hòa như Dagestan, Bắc Ossetia, Chechnya, Ingushetia. Chẳng hạn, chỉ 48 tiếng đồng hồ sau khi hệ thống tàu điện ngầm Moscow bị đánh bom kép, hai vụ tấn công tương tự xảy ra tại nước Cộng hòa Dagestan. Quân khủng bố đã đánh bom nhằm vào một tòa nhà của chính quyền, sau đó, đợi lúc lực lượng chính phủ tới hiện trường, chúng đánh bom tiếp, khiến thiệt hại tăng lên.

Để tiêu diệt khủng bố, các lực lượng an ninh Nga đã triển khai hàng loạt đợt tấn công truy quét. Nhiều thủ lĩnh của quân ly khai, khủng bố đã thiệt mạng trong các chiến dịch. Vào ngày 8.3.2005, lực lượng đặc nhiệm thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã thọc sâu vào ngôi làng Tolstoy-Yurt, miền bắc Chechnya, và bắn chết Aslan Maskhadov. Đây là nhân vật từng lãnh đạo quân ly khai Chechnya chống lại Moscow, dẫn tới sự thành lập nước Cộng hòa Ichkeria mà Maskhadov là tổng thống. Đến năm 1999, Maskhadov vào hoạt động bí mật, lãnh đạo du kích quân chống lại chính phủ. Nhân vật này được cho là có nhiều mối liên hệ với các thủ lĩnh khủng bố người Chechnya khác.

Ngày 10.7.2006, một trong những thủ lĩnh hiếu chiến nhất của quân ly khai Chechnya là Shamil Basayev cũng thiệt mạng. Theo các nguồn tin Chechnya, lúc bấy giờ Basayev đang đi trên một xe tải Kamaz chở đầy thuốc nổ ở nước Cộng hòa Ingushetia để chuẩn bị cho chiến dịch mới. Bất thình lình, xe vấp phải một ổ gà và phát nổ. Thủ lĩnh quân ly khai tan xác. Một số nguồn tin từ lực lượng ly khai nói rằng đây chỉ là tai nạn. Trong khi đó, FSB khẳng định vụ tai nạn này là kế hoạch đã được dàn xếp nằm trong một chiến dịch chống khủng bố của chính quyền. Dù là tai nạn đơn thuần hay là thành tích của quân chính phủ, thì việc một thủ lĩnh khủng bố thiệt mạng vẫn là điều tích cực đối với cuộc chiến chống khủng bố của lực lượng an ninh liên bang.

Trong suốt hai thập niên qua, để tiêu diệt các lực lượng ly khai và khủng bố, giới lãnh đạo Nga luôn bày tỏ quyết tâm rất mạnh mẽ và không từ một phương cách cứng rắn nào. Trong quá khứ, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố sẵn sàng tấn công phủ đầu nhằm vào các hang ổ khủng bố ở nước ngoài. Mới đây, sau hai vụ đánh bom ở Moscow, ông Putin trong vai trò thủ tướng và Tổng thống Dmitry Medvedev cũng đã đưa ra những lời lẽ quyết liệt nhất.

“Chúng tôi sẽ không chút lưỡng lự trong việc mở hàng loạt chiến dịch và hủy diệt hoàn toàn bọn khủng bố bất chấp chúng ở đâu”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Medvedev. Tuy nhiên, quét sạch hoàn toàn khủng bố nội địa là nhiệm vụ vô cùng cam go.

Sau vụ 11.9.2001 tại Mỹ, Washington đã phản ứng bằng các chiến dịch trên toàn cầu, trong đó có cuộc chiến tranh nhằm vào Afghanistan dưới thời Taliban. Đó là những cuộc chiến tranh đối ngoại. Và do mối đe dọa khủng bố ở Mỹ không giống ở Nga nên cách phản ứng cũng khác nhau. Ở Mỹ, khủng bố thường là các thế lực từ bên ngoài, có hoặc không có sự gầy dựng lực lượng trong lòng nước Mỹ. Còn ở Nga, khủng bố cũng là các nhóm vũ trang ly khai trong nước. Mở một chiến dịch quân sự lớn ở trong nước là điều rất khó, và có thể đưa quốc gia vào tình trạng chiến tranh, bất ổn lâu dài. Chính Tổng thống Medvedev sau khi lên cầm quyền đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch chống khủng bố ở Chechnya. Không phải là ông buông xuôi, cũng không phải khủng bố đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Tổng thống Nga muốn qua tuyên bố của mình để khu vực Chechnya bớt đi “không khí chiến tranh”, gieo mầm mống ổn định lâu dài.

Giải quyết triệt để các mầm mống bất ổn không nên chỉ bằng các chiến dịch quân sự. Đôi khi, chiến dịch quân sự lại gieo mầm cho những nguy cơ mới. Chẳng phải các “góa phụ áo đen” là thủ phạm trong nhiều vụ khủng bố với động cơ báo thù đó sao?!

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.