Gồng mình ngăn “bão giá”

03/04/2010 02:32 GMT+7

Đứng trước áp lực đòi tăng giá liên tục của các nhà cung cấp, nhiều siêu thị tại TP.HCM đang gồng mình giữ chân khách hàng. * Giá thép, xi măng tăng mạnh

Người tiêu dùng tại TP.HCM bước vào tháng 4 với thông tin sẽ có thêm hàng loạt mặt hàng tại siêu thị tăng giá, với nhiều mức khác nhau.

Nhà sản xuất đòi tăng

Tại hệ thống siêu thị Maximark, trong tháng 4 này, các mặt hàng mỹ phẩm, hàng may mặc, chất tẩy rửa, đồ nhựa, bánh kẹo, đồ dùng gia đình, thực phẩm, nước giải khát, ngũ cốc... được áp dụng giá mới, tăng khoảng 10%. Bà Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximark - cho biết: “Tất cả các nhóm hàng, với cả ngàn mặt hàng tăng giá. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là nguyên liệu, giá điện, xăng dầu tăng giá, chi phí sản xuất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động...”.

Tất cả các nhóm hàng, với cả ngàn mặt hàng tăng giá. Lý do các nhà cung cấp đưa ra là nguyên liệu, giá điện, xăng dầu tăng giá, chi phí sản xuất tăng, tỉ giá ngoại tệ biến động...
Nguyễn Ánh Hồng - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximark

Theo thông tin từ Phòng kinh doanh siêu thị Citimart, trong tháng 4, tất cả các mặt hàng tại siêu thị này đều tăng giá, từ 5-15%. Lý do các nhà cung cấp hàng đưa ra khi yêu cầu tăng giá cũng là nguyên liệu tăng, xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, giá điện tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, giá nhân công tăng...

Từ đầu tháng 3 đến nay, Saigon Co.op đã nhận được thông báo yêu cầu tăng giá của hơn 60 nhà cung cấp với hơn 100 mặt hàng, trong đó chiếm đa số là bánh kẹo, trà, bột ngũ cốc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chế biến với mức tăng đề xuất từ 7% - 10%. Nguyên nhân tăng giá tương tự như đã nêu trên. Bà Lê Quang Thục Quỳnh - Giám đốc marketing Saigon Co.op - nói: “Saigon Co.op đang xem xét lại những đề nghị này có hợp lý hay không. Nếu nhà cung cấp chứng minh được lý do tăng giá là hợp lý thì Saigon Co.op sẽ chấp thuận. Saigon Co.op đang làm việc với từng nhà cung cấp để xác định mức tăng giá và thời gian tăng giá cụ thể nhằm tránh gây bất lợi cho người tiêu dùng”.

Siêu thị “hoãn binh”

Theo Sở Công thương TP.HCM, lực lượng Quản lý thị trường sẽ kiểm tra giá cả các mặt hàng trên thị trường, nếu có dấu hiệu tăng giá vô lý thì sẽ lập biên bản để xử lý, nếu nghiêm trọng thì sẽ áp dụng hình thức rút giấy phép kinh doanh.

UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì phối hợp các sở, ngành tập trung nghiên cứu thị trường, áp dụng các giải pháp kích cầu, các chương trình bình ổn giá để đầu tư sản xuất, tạo nguồn hàng lâu dài, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Các doanh nghiệp tham gia "Đề án chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường TP.HCM đến năm 2015" sẽ được thành phố hỗ trợ vốn với lãi suất 0% và phải chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình sử dụng nguồn vốn này. Về việc quản lý giá tại thành phố, các điểm đăng ký kinh doanh phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Sở Công thương đã dự trù 9 mặt hàng thiết yếu phải bình ổn thị trường đến năm 2015 gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, trứng, sữa, rau quả củ.

Lợi thế của siêu thị trong việc thu hút khách hàng đến mua sắm là các chương trình khuyến mãi và cạnh tranh về giá bán. Thế nên khi các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, siêu thị thường rất khó xử.

Giám đốc một siêu thị lớn tại TP.HCM chia sẻ: “Trong tháng 3, sữa bột, điện, thép và nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá từ 5-10%. Tháng 4 lại một đợt tăng giá mới, sẽ là gánh nặng cho người tiêu dùng. Nhà cung cấp nào cũng đòi tăng giá hàng. Nếu mình không đồng ý thì chỉ còn cách không nhập hàng của họ về bán nữa”.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C - thì thông tin: “Trong tháng 4, một số mặt hàng vải sợi sẽ tăng khoảng 3%. Đối với mặt hàng điện tử điện lạnh, nhiều nhà cung cấp đề nghị tăng từ 8-20% nhưng Big C đang thương lượng. Ở thời điểm này nhu cầu mua sắm chưa nhiều, nếu tăng giá trong đợt này thì sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Vì thế Big C sẽ tiếp tục thực hiện chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thiết yếu”. 

Còn Saigon Co.op cho biết, để hạn chế việc phụ thuộc vào nhà cung cấp, Saigon Co.op sẽ phát triển nguồn hàng riêng. Hiện Saigon Co.op tiếp tục thực hiện những biện pháp giữ giá như chủ động nguồn hàng, tiết kiệm chi phí bán hàng, thực hiện khuyến mãi nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Cụ thể từ nay đến 18.4, Co.op Mart khuyến mãi giá tốt nhất 300 mặt hàng thực phẩm tươi sống - chế biến nấu chín, nhóm hàng công nghệ, đồ dùng, trong đó có mặt hàng giảm giá đến 46%. Co.op Mart cũng thực hiện thưởng chiết khấu trên doanh số mua hằng năm 2009 đối với khách hàng thành viên từ ngày 1.4 đến 15.6. Đây là một số biện pháp nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm với chất lượng hàng hóa tốt, qua đó góp phần bình ổn giá thị trường.

Giá thép, xi măng tăng mạnh

Hôm qua 2.4, Tổng công ty thép VN (trụ sở phía Nam) công bố giá thép bán ra tăng thêm 500.000 đồng/tấn, nâng giá thép cuộn giao tại nhà máy lên 13.770.000 đồng/tấn và thép cây là 13.870.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Trước đó, lần tăng giá gần nhất của công ty này là vào ngày 23.3. Tương tự, Công ty thép Việt cũng đã tăng giá bán ra 500.000 đồng/tấn cho cả hai loại thép cuộn và thép cây kể từ ngày 2.4...

Nguyên nhân được các công ty thép giải thích chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào đang tăng quá cao khiến công ty phải tăng giá bán ra. Theo ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty thép Việt - giá phôi thép và sắt phế liệu đều tăng 50% so với giá tháng 2.2010, giá phôi thép đang là 630 USD/tấn, sắt phế liệu 400 USD/tấn. Thậm chí giá quặng sắt cũng tăng đến 100% so với tháng 12.2009.

Theo phân tích của ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội thép VN (VSA) - các doanh nghiệp (DN) ngành thép cũng phải tăng thêm chi phí sản xuất vì giá điện, giá xăng dầu, lãi suất vay, tỷ giá USD đều đã tăng. Ngoài việc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà máy sản xuất thép trong nước, DN còn phải đối đầu với sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó theo ông Nghi, các DN không thể tự tăng giá bán nếu không chịu áp lực chi phí đầu vào tăng.

Việc tăng giá thép của các DN đã được nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) đoán trước và đã chủ động tăng giá bán lẻ trước đó. Ngày 2.4, khảo sát tại một số đại lý bán lẻ VLXD ở TP.HCM, giá thép bán lẻ vẫn đứng yên so với tuần trước, dao động từ 15.200.000 đồng/tấn - 15.700.000 đồng/tấn (tùy theo thương hiệu).

Trong khi đó, dù không tăng giá bán mạnh như thép xây dựng nhưng xi măng cũng tăng giá từ ngày 1.4 với mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/bao (50 kg). Đại diện của Xí nghiệp tiêu thụ Công ty xi măng Hà Tiên 1 cho biết công ty vẫn giữ nguyên mức giá bán đã điều chỉnh tăng từ ngày 15.2 đến nay. Tuy nhiên ông Đào Đức Toàn - Giám đốc Công ty cổ phần TM-DV Đức Toàn, chuyên phân phối xi măng các loại - cho biết do các nhà sản xuất đã cắt giảm mức chiết khấu cho nhà phân phối nên bắt buộc nhà phân phối phải tăng giá bán tương ứng. Ví dụ, nếu nhà sản xuất giảm mức chiết khấu từ 100.000 đồng/tấn còn 80.000 đồng/tấn (tương đương 1.000 đồng/bao) thì nhà phân phối sẽ tăng giá bán ra lên 1.000 đồng/bao.

Ông Toàn nhận định: "Ít khi nào các nhà sản xuất nói rằng mình tăng giá bán ra. Tuy nhiên, họ sẽ cắt giảm những khoản hỗ trợ khác cho nhà phân phối như giảm chiết khấu, giảm khuyến mãi... Khi đó bắt buộc nhà phân phối phải tăng giá bán để đảm bảo mức lãi cho mình".

Mai Phương

Quang Thuần - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.