"Giám đốc" chùa Hương

01/04/2010 13:48 GMT+7

(TNTT>) Những ngày tháng này, nếu nói tới người đặc biệt nhất ở Nam thiên đệ nhất động Hương Tích, chắc chắn nhiều người sẽ nhắc tới thượng tọa Thích Minh Hiền, vị “giám đốc” đang trụ trì các ngôi chùa nổi tiếng ở nơi “non cao, động thẳm” này.

Đầu xuân 2010, trong dịp tới thăm chùa Hương cùng đoàn nhà báo Hà Nội, chúng tôi có dịp may mắn được tiếp xúc và hầu chuyện ông. Có thể nói, thượng toạ Thích Minh Hiền có sức thu hút khá đặc biệt bởi kiến văn quảng bác và sự thông tuệ của một trí thức Phật giáo.

Hương của trí tuệ, hương của mùa xuân

Dưới mái chùa thoang thoảng gió xuân, thượng tọa giảng giải cho chúng tôi nghe về hương của trí tuệ và hương của mùa xuân. Ông cắt nghĩa, hương thơm mùa xuân thơm ngát tỏa trong từng nhụy hoa, hòa lẫn cùng đất trời, nhưng hương giải thoát chỉ đến với những người con Phật sẵn lòng trở về cội nguồn, trở về với bản thể chân như.

“Hương của chùa Hương là của lòng từ bi cứu khổ độ sinh. Hương thơm tưởng như vô tình mà gần gũi, sâu sắc mà như thoảng qua, trong vạn người, chẳng bỏ quên một người,  thật trân quý biết bao!" thượng tọa chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi về lễ hội chùa Hương, thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng, từ nhiều năm nay, lễ hội đã trở thành một lễ hội văn hóa Phật giáo mang tính tín ngưỡng, mọi người đi lễ chùa đều mong muốn làm trọn bổn phận của một người sùng kính đạo Phật.

Theo thượng tọa, điều quan trọng nhất là mỗi người đi lễ chùa nên giảm thiểu nhiều thứ. Nói một cách dễ hiểu là chúng ta không nên “mang nhà vào chùa”, vì ở nhà, chúng ta có quá đầy đủ, nhất là những người ở thành phố. Khi vào chùa đi lễ, nếu chúng ta mang theo tất cả những tư duy đó, nào phải ăn, phải uống thoải mái đầy đủ “khoái khẩu” như ở nhà thì chắc chắn sẽ làm mất đi vẻ thanh tịnh của nơi cửa Phật tôn nghiêm.

Vì thế, mọi người hãy tập giảm thiểu một chút về đời sống sinh hoạt khi đi lễ chùa thì mọi thứ sẽ khác ngay và quy luật cung cầu cũng khác ngay.

Chùa Hương "không làm du lịch”

Thượng tọa cũng cho biết, cái quan trọng nhất của Phật giáo là môi trường không gian phải thanh tịnh. Nhưng với nhu cầu sinh hoạt của mọi người hôm nay thì số người ăn chay rất ít, vì thế, người ta phải cung cấp mọi thứ cho nhu cầu ăn uống thường ngày của người đi lễ chùa, dẫn đến việc hàng quán tràn lan khắp nơi. Điều đáng ngại nhất hiện nay là rác thải, tính trung bình mỗi ngày, một người đi lễ chùa Hương thải ra 0,5kg vật dụng và với số lượng 3-4 vạn khách mỗi ngày, số lượng rác thải ra là rất lớn.


Thượng tọa Thích Minh Hiền "Bà con có hiểu đấy là loại hình du lịch thì cũng chẳng sao. Nhưng Phật giáo không làm du lịch” - Ảnh: N.V.C

“Nhà chùa chúng tôi vẫn khuyến cáo mọi người khi đi lễ Phật chỉ cần thanh bông hoa quả nhẹ nhàng, giản tiện. Nhưng căn bệnh cố hữu của con người là “sợ đói’ nên chúng ta cố mang theo tất cả những gì phải mang đi, rồi  thải ra bừa bãi khắp nơi đủ mọi thứ vỏ hộp, giấy báo, túi nilon... làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cảnh quan chùa Hương. Nên chúng tôi khuyên mọi người hành hương lễ Phật đúng với ý nghĩa của việc hành hương, giảm thiểu mọi nhu cầu của con người về vật chất để cảnh quan chùa chiền được sạch đẹp và thanh tịnh”, thượng tọa nhắn nhủ.

Buổi chuyện trò ngày xuân càng trở nên thú vị khi chúng tôi được biết, thượng tọa Thích Minh Hiền còn là Phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa Phật giáo.

Với góc độ một nhà báo, thượng tọa trình bày suy nghĩ của mình về cái gọi là “du lịch tâm linh” và cho biết: “Chúng tôi cố gắng duy trì xây dựng truyền thống gắn với chùa chiền để sống và để tu cho những đệ tử của Phật chứ chúng tôi không làm du lịch, không khai thác mảng này. Còn việc bà con đi chùa Hương và đi nhiều lần thì chúng tôi coi đấy là đi hành hương lễ Phật. Bà con có hiểu đấy là loại hình du lịch thì cũng chẳng sao. Nhưng Phật giáo không làm du lịch”.

Theo thượng tọa thì hiện nay có một thuật ngữ chuyên môn xuất hiện rất nhiều trong dư luận là từ “tâm linh”, chẳng hạn như  "tôi có bà mẹ rất là tâm linh” hoặc có người nói “hôm qua cả đoàn chúng tôi đi vào trong chùa Hương, tâm linh lắm anh ạ!”.

Thượng tọa nhẹ nhàng phân tích: "Theo tôi người ta đã quá lạm dụng từ “tâm linh”. Khi dùng từ đó chúng ta phải cẩn trọng, nếu cần diễn đạt thì chúng ta có thể nói: “Hôm nay đoàn chúng tôi đi chùa Hương lễ Phật với tấm lòng sùng kính, thành kính”, hoặc nói “Bà cụ nhà tôi rất kính tín, thành tâm kính Phật, rất sùng tín đạo Phật” nói cho nó rõ ràng ra chứ không thể nói “tâm linh” với Phật được”.

Thượng tọa đa tài

Dẫn chúng tôi sang phòng triển lãm mỹ thuật Phật giáo nằm ngay dưới chân chùa Thiên Trù, thượng tọa Thích Minh Hiền giới thiệu những bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ về đề tài tôn giáo và đạo Phật. Nhiều người ngỡ ngàng trước sự am hiểu hội họa và thưởng ngoạn nghệ thuật của ông.

Ông bảo: “Phật giáo luôn luôn tôn trọng “ngay ở đây và bây giờ” chứ không phân vùng đâu là quá khứ, đâu là truyền thống, đâu là hiện tại, đâu là tương lai. Chúng tôi luôn coi trọng sống trong thực tại nhiệm mầu “ngay ở đây và bây giờ”.

Theo thượng tọa, Phật giáo xưa nay không chỉ gắn liền với khía cạnh thiêng liêng mà còn gắn cả với khía cạnh thường tình của nghệ thuật. "Nghệ thuật của Phật giáo Đại thừa là nền nghệ thuật siêu việt, thiêng liêng hơn cả”, thượng tọa Thích Minh Hiền nhận xét.

Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi được biết, thượng tọa còn là một nhiếp ảnh gia tôn giáo khá uy tín và ông sử dụng khá điêu luyện các loại máy ảnh hiện đại với nhiều loại ống kính góc rộng, góc hẹp khác nhau để chụp những bức ảnh mang tính nghệ thuật thật sự. Ông cho biết mình chỉ chuyên chụp ảnh về đề tài Phật giáo, chủ yếu là chụp tư liệu, chụp các bản kinh, trong đó 108 bức ảnh về các ngôi chùa ở Hà Nội sẽ được trưng bày một triển lãm ảnh sắp tới.

“Nghệ thuật Phật giáo mà trong đó hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, âm nhạc và thi ca đã hòa nhập vào truyền thống tâm linh và được sử dụng không chỉ để làm phương tiện hoằng truyền Phật pháp mà còn là đối tượng để quán tưởng thiền định. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để nâng cao tâm thức mà con người tạo ra”, thượng tọa dẫn giải.

Chia tay chúng tôi, thượng tọa Thích Minh Hiền rất ý nhị đọc tặng hai câu thơ: “Trèo non mới biết tâm không loạn. Xuống động càng sâu thấy Phật gần”.

Và ông nhắn nhủ mọi người rằng: “Bao giờ con người còn khát khao những tình cảm đẹp đẽ, trong sáng và thanh thoát; bao giờ con người còn đau khổ vì cái tôi tự kỷ, hẹp hòi và muốn giải thoát khỏi sự trói buộc của nó thì Phật giáo vẫn còn hiện hữu. Mà Phật giáo còn thì nhất định phải tạo dựng được một ảnh hưởng đẹp đẽ đáng trân trọng cho nền văn hóa của dân tộc”.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.