Tấm khiên của Ấn Độ

20/03/2010 22:50 GMT+7

Quốc gia đông dân thứ nhì hành tinh đang gấp rút hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó với những người láng giềng khó chịu.

Từ bãi phóng ở bang Orissa, một tên lửa đất đối đất tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II được phóng đi. Ngay lập tức, từ một vị trí khác, một tên lửa đánh chặn được khai hỏa. Tuy nhiên, trong vụ thử cách đây mấy ngày, tên lửa đánh chặn đã không thể phóng đi do trục trặc kỹ thuật.

Dù thất bại trong lần thử này, chương trình xây dựng lá chắn tên lửa của Ấn Độ vẫn đang tiến những bước khá chắc chắn kể từ vụ thử thành công đầu tiên vào năm 2006.

Những mối đe dọa

Ấn Độ nằm trong số chưa tới 10 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ tên lửa cũng giúp nước này, về mặt lý thuyết, có thể đưa các đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu cách xa hàng ngàn cây số. Việc thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Agni-III, có tầm bắn lên tới 5.000 km, vào năm 2008 giúp Ấn Độ có thể “vươn tới” một phần châu u, châu Phi, Nga và hầu như bất kỳ mục tiêu nào tại Trung Quốc. Tên lửa đạn đạo Agni-V hiện đang trong quá trình phát triển được xếp vào dòng tên lửa liên lục địa, có tầm bắn trên 5.500 km.

Là quốc gia có năng lực tên lửa rất lớn, nhưng đồng thời Ấn Độ cũng đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Họ có biên giới chung với hai quốc gia hạt nhân là Pakistan và Trung Quốc, cũng là hai nước có nhiều xung khắc với Ấn Độ. Nằm về phía tây bắc Ấn Độ, Pakistan sở hữu hệ thống tên lửa từ tầm ngắn tới tầm trung, với loại xa nhất là Shaheen-III có thể bắn tới mục tiêu cách xa 4.000 km, hầu như có khả năng “bao phủ” toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ. Lâu nay, mối xung khắc giữa Pakistan và Ấn Độ, trong đó tranh chấp vùng Kashmir là một chủ đề lớn, luôn căng thẳng cao độ. Các bên đã có nhiều nỗ lực đối thoại, nhưng xen giữa đối thoại là nhiều “sự cố” không có lợi cho hòa bình, như vụ khủng bố ở Mumbai vào năm 2008 mà phía Ấn Độ cáo buộc là có sự hậu thuẫn từ Pakistan. Các chuyên gia an ninh quốc tế từng không ít lần nhận định rằng khu vực Nam Á là nơi có nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân cao nhất thế giới.

Bên cạnh Pakistan, Ấn Độ cũng có một mối quan hệ không mấy êm thấm với quốc gia hạt nhân nằm ở phía bắc và đông bắc, đó là Trung Quốc. Là nước phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa khá sớm, Trung Quốc giờ đây đã có một hệ thống vũ khí chiến lược đáng kể, trong đó cơ số tên lửa tầm trung, tầm xa và liên lục địa khá lớn. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh của quốc gia này trong thời gian gần đây cho phép họ không ngừng gia tăng năng lực quân sự. Giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại từng xảy ra chiến tranh biên giới hồi năm 1962. Từ đó đến nay thì vùng biên giới hai quốc gia này luôn là đề tài tranh cãi và có rất nhiều cáo buộc về sự xâm phạm đường biên của bên này hay bên kia. Một trong những bước đi đáng chú ý của Ấn Độ đó là tăng cường lực lượng không quân lên mạn biên giới giáp Trung Quốc vào năm ngoái và sẽ tiếp tục hướng đi này trong tương lai. Trong hoàn cảnh hiện tại, mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc là điều mà giới chức Ấn Độ không thể bỏ qua.

Bên cạnh những nguy cơ sát sườn này, việc phát triển hệ thống lá chắn tên lửa hiện đại cũng giúp Ấn Độ nâng cao vị thế của họ trên trường quốc tế, phục vụ nhiều mục tiêu chiến lược dài hạn và tổng thể chứ không chỉ nhằm vào một mối đe dọa cụ thể nào. Xuất phát từ điều đó mà cùng với sự phát triển của hệ thống tên lửa đạn đạo, quốc gia đông dân vùng Nam Á cũng không ngừng xây dựng lá chắn.


Hệ thống đánh chặn ADD trong vụ phóng vào tháng 12.2007 - Ảnh: FIDSNS

Lá chắn

Kể từ khi mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Pakistan xuất hiện hồi đầu thập niên 1990, Ấn Độ đã bắt tay vào việc xây dựng năng lực đánh chặn. Theo các tài liệu quốc phòng, sau khi Pakistan triển khai tên lửa M-11 mua từ Trung Quốc, vào tháng 8.1995, Ấn Độ đã tậu sáu dàn phóng tên lửa S-300 của Nga để bảo vệ thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác. S-300 là hệ thống tên lửa đánh chặn khá hiện đại, có khả năng bắn hạ máy bay cũng như một số loại tên lửa đạn đạo.

Năm 1999, khi chiến tranh Kargil giữa Pakistan và Ấn Độ xảy ra, người ta đã liên tưởng tới bóng ma hạt nhân. Lúc bấy giờ, cả hai quốc gia này đều đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân. Sự lo ngại của nhân loại càng tăng khi vào ngày 31.5.1999, Ngoại trưởng Shamshad Ahmad đã nói bóng gió rằng một khi chiến tranh leo thang thì Pakistan có thể sử dụng bất cứ loại vũ khí nào.

Năm 1999 cũng là thời điểm khởi đầu cho chương trình phát triển lá chắn tên lửa đạn đạo của Ấn Độ. Theo hãng tin Hindu Business Life, có tới 40 công ty tư nhân và nhà nước đã tham gia vào việc phát triển tấm khiên che chắn đất nước, trong đó nhiều phần mềm điều khiển được giao cho các tập đoàn lớn ở trung tâm công nghệ thông tin Bangalore.

Chương trình ban đầu nhận được sự hợp tác của Israel, một quốc gia có công nghệ tên lửa và ra-đa rất phát triển. Cùng với nhau, hai quốc gia này đã phát triển ra-đa tầm xa cho hệ thống tên lửa phòng không Prithvi (PAD). PAD, sử dụng tên lửa hai tầng Prithvi, là một hệ thống tên lửa đánh chặn dùng để tiêu diệt các tên lửa tấn công ở độ cao từ 50 đến 80 km. Bên cạnh hệ thống này, Ấn Độ còn phát triển hệ thống đánh chặn Phòng không tối tân (AAD), sử dụng tên lửa một tầng, dùng vào việc triệt hạ mục tiêu tầm thấp, với độ cao đến 30 km. PAD và AAD tạo thành một tấm áo giáp có hai lớp che chở cho quốc gia vùng Nam Á. Theo lý thuyết, hệ thống phòng thủ hai lớp này có thể bắn hạ bất cứ tên lửa nào được phóng đi từ cự ly cách xa 5.000 km.

Sau chừng bảy năm phát triển, đến tháng 11.2006, Ấn Độ đã đạt được một bước tiến quan trọng. Theo tạp chí Frontline, trong một vụ thử nghiệm, hệ thống đánh chặn PAD đã bắn trúng tên lửa tấn công Prithvi-II được cải biên ở độ cao 50 km. Tên lửa “kẻ thù” Prithvi-II trong cuộc thử nghiệm này đã được chỉnh sửa để mô phỏng tên lửa M-11. Từ thành công ấy, Ấn Độ tiếp tục nghiên cứu để cải tiến tấm lá chắn của mình.

Đến 2009, chương trình phòng thủ tên lửa lại tiến tới một bước ngoặt mới. Theo tờ Frontline, hệ thống PAD trong cuộc thử nghiệm vào tháng 3 năm ấy đã được sử dụng để hạ một mục tiêu cao hơn. Tên lửa mục tiêu Dhanush, tầm bắn 1.500 km, được phóng đi từ tàu chiến, đã bị hệ thống ra-đa “cá kiếm” (LRTR) phát hiện và bị phá hủy bởi một tên lửa PAD ở độ cao 75 km. Theo các nguồn tin quốc phòng, thì đến nay, về mặt lý thuyết, hệ thống PAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới 5.000 km và có tốc độ Mach 5.

Cùng với PAD, Ấn Độ cũng đã phát triển hệ thống lá chắn AAD sử dụng tên lửa đánh chặn một tầng để hạ các loại tên lửa đạn đạo ở độ cao 30 km. Vào ngày 6.12.2007, AAD đã chặn thành công một tên lửa Prithvi-II được cải biên mô phỏng tên lửa kẻ thù. Điểm va chạm xảy ra ở độ cao 15 km.

Những thành công ban đầu này đã tạo ra động lực to lớn cho người Ấn Độ. Họ tiếp tục cải tiến tính năng để lá chắn ngày một hoàn thiện hơn. Trong một diễn biến mới nhất, vào ngày 15.3.2010 vừa qua, Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm hệ thống AAD một lần nữa với mục tiêu hạ tên lửa kẻ thù ở độ cao từ 15 tới 20 km. Tên lửa mục tiêu được phóng đi vào lúc 10 giờ 2 phút sáng, nhưng sự cố kỹ thuật đã khiến tên lửa đánh chặn không thể xuất kích. Tên lửa mục tiêu sau đó đã rơi xuống biển.

Vụ thử thất bại này là một nốt trầm trong tham vọng lập lá chắn của Ấn Độ. Nhưng mặt khác, qua đó, người ta cũng có thể nhận ra những khiếm khuyết để khắc phục, để cho ra đời một tấm khiên kín kẽ hơn.

Sau hơn 10 năm phát triển, lá chắn tên lửa của Ấn Độ, dù chưa được triển khai một cách chính thức, đã đạt được những bước tiến khá lớn. Giới chuyên môn dự báo chỉ trong vài năm nữa, xứ sở cà ri sẽ đưa hệ thống lá chắn nội địa của mình vào lực lượng quốc phòng. Khi đó, một cán cân mới về an ninh trong khu vực và thế giới sẽ hình thành.

Nhiều nước khác, đặc biệt là Pakistan và Trung Quốc, chắc hẳn đang rất quan tâm tới sự chuyển động của chương trình lá chắn tên lửa Ấn Độ cũng như chuẩn bị những đối sách của mình.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.