Kỳ tích của những học trò “tí hon”

20/03/2010 17:29 GMT+7

Kém may mắn, sinh ra trong những hình hài không như người bình thường. Nhưng bằng nỗ lực phi thường, những người bạn ấy đã chiến thắng được số phận.

Vạn bước đến trường

Ở tuổi 20 đẹp nhất đời con gái, cô sinh viên Lê Thị Vy (lớp K08 Công nghệ thông tin - trường ĐH Quảng Nam) chỉ cao 75 cm và nặng chưa đầy 30 kg. Nhưng vóc dáng tí hon đó đang nuôi một hoài bão lớn. Từ cổng trường ĐH Quảng Nam đến lớp học của Vy chỉ độ hơn 300 m, hằng ngày Vy đi nhờ xe bạn cùng phòng trọ đến nhà giữ xe, rồi lật đật lên lớp. Đoạn đường ấy không dài, nhưng đối với mỗi bước chân chỉ 20 - 30 cm của Vy, thì đó lại là chuyện khác. Vy là con út trong một gia đình thuộc diện cận nghèo của xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Mẹ Vy - cô Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi) kể lại, khi vừa chào đời, khác với 3 anh chị cao lớn phổng phao, Vy bỗng nhiên không lớn nữa kể từ khi 4 tuổi. Kết quả giám định y khoa tại TP Tam Kỳ cho biết Vy bị dị tật trong thai, mất sức 80%.

Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và THCS Nguyễn Đình Chiểu của Vy cũng gần nhà, nhưng đối với Vy thì xa lắm. Vy nói lần xa nhất em đi bộ được 1 km là đã hụt hơi. Cô Hồng nhớ lại, nỗi lo của người mẹ càng lớn lên theo cấp học của Vy. Đó là vào ngày đầu tiên chở Vy đến trường THPT Tiểu La, hàng chục câu hỏi cứ xoay vòng trong đầu người mẹ. Nhưng vừa dừng ở cổng trường, hai người bạn học cùng Vy từ lớp 1 ùa ra xách cặp, cầm tay đưa Vy vào lớp, mẹ Vy đứng trước cổng trường mà trào nước mắt. Suốt 9 năm liền ở tiểu học và THCS, Vy đều đoạt danh hiệu học sinh giỏi, còn 3 năm THPT, Vy nhận danh hiệu học sinh tiên tiến.

Câu chuyện của cậu học trò Hồ Văn Điều (lớp 9 trường THCS Trà Mai, Nam Trà My, Quảng Nam) lại là một câu chuyện khác. Từ khi chào đời đến lúc được 10 tuổi, với một hình hài nhỏ thó, Điều nằm bất động tại chỗ với mọi sinh hoạt đều trông cậy vào bố mẹ. Mỗi khi nghe 2 đứa em của mình kể về chuyện học tập, vui chơi ở lớp, Điều ứa nước mắt. Một ngày, Điều thủ thỉ với cha mẹ ước mong được đến trường. Cha mẹ cùng òa khóc. Hoàn cảnh nhà Điều khó đến cùng cực, cha bị mù, toàn bộ 5 người trong nhà đều trông cậy vào bàn tay lao động của mẹ. Thương con, người cha mù hằng ngày nhờ mấy đứa trẻ trong làng dẫn đường, cõng Điều đến trường tiểu học cách đó khá xa. Năm 12 tuổi, Điều vào lớp 1, trường học cách thôn Tắc Rao (xã Trà Mai) nơi Điều ở đến 2 giờ đồng hồ đi bộ, vậy mà ba vẫn vượt suối hằng ngày cõng Điều đến lớp.


Học trò Hồ Văn Điều - Ảnh: Diệu Hiền

Ước mơ của Vy và Điều

Khi đi lại được, cứ sáng sớm tinh mơ, khi buôn làng còn chìm trong sương mù dày đặc, Điều đã bắt đầu soạn sách vở để chuẩn bị đến trường. 3 giờ đồng hồ cho đoạn đường từ  nhà đến trường nhưng Điều không bao giờ nản chí, không bỏ học một bữa nào trừ những hôm do lũ lụt chia cắt không có đường đến lớp. 20 tuổi, học lớp 9, Điều có suy nghĩ rất người lớn, mong mình sẽ trở thành người hữu ích sau khi học tập xong. "Em mong mình không sống suốt đời dựa vào ba mẹ! Không thể đỡ đần được ba mẹ thì em phải cố gắng học thật tốt, để có cái chữ giúp gia đình bớt khó khăn!". Vì vậy mà Điều luôn giữ danh hiệu học sinh khá dù bao khó khăn chất chồng.

Còn Vy, trong suốt hai học kỳ đầu tiên tại trường ĐH Quảng Nam, điểm tổng kết của Vy lần lượt là 7,9 và 6,9, Vy đều được nhận học bổng của nhà trường. Nhưng vào tháng 12.2009, ước mơ trên giảng đường của Vy một lần nữa gặp trắc trở do tai nạn giao thông. Vy phải bỏ lỡ kỳ thi học kỳ sau một tháng nằm viện, Vy đã được đưa về nhà để điều trị, tập đi lại nhưng sức khỏe còn yếu mỗi khi thay đổi thời tiết. “Bạn bè gọi điện hỏi thăm liên tục nên em cũng vui lắm” - Vy nói.

Khi nói về ước mơ của mình, hai người bạn giàu nghị lực này chia sẻ: Vy thì mong muốn trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý. Còn Điều thì mong muốn mình học cái chữ, trở thành thầy giáo truyền thụ kiến thức cho các em nhỏ.

Diệu Hiền - Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.