Nghịch lý lãi suất huy động

15/03/2010 00:07 GMT+7

Nghịch lý lãi suất huy động hiện được biểu hiện trên hai mặt. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất huy động vẫn còn được khống chế bằng trần - ở mức 10,49% - 10,499%/năm, tương ứng với 150% mức lãi suất cơ bản 8%/năm hiện hành theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Việc khống chế trần lãi suất huy động hiện nay có ba điểm bất hợp lý. Bất hợp lý thứ nhất là trần lãi suất cho vay trung, dài hạn được bỏ tiếp; mức lãi suất cho vay đã ở mức trên 16%/năm - tức là đã vượt quá 200% so với mức lãi suất cơ bản 8%/năm hiện hành. Không ít ngân hàng thương mại đã “lách” và thỏa thuận với khách hàng không chỉ vay vốn trung, dài hạn mà cả đối với vốn vay ngắn hạn cũng vượt trần.

Như vậy, “đầu ra” không có trần, nhưng “đầu vào” lại có trần, thì lợi ích sẽ nghiêng về các ngân hàng thương mại, chứ không nghiêng về người gửi tiền và cũng không nghiêng về người vay. Người có tiền vì thế ít lựa chọn gửi tiết kiệm; nếu có gửi thì chủ yếu là gửi ngắn hạn hoặc chỉ mang tính “tạm trú”, mà lựa chọn các kênh đầu tư khác có lợi suất hấp dẫn hơn - điều này cũng đã giải thích tại sao trong 2 tháng đầu năm, trong đó có cả tháng sau Tết Nguyên đán tiền nhàn rỗi thường nhiều, nhưng tốc độ tăng tiền gửi còn thấp; riêng tiền gửi của các tổ chức còn tăng trưởng âm. Thực tế lãi suất gửi tiết kiệm đã bị thực âm từ tháng cuối năm trước đến nay, khi tốc độ tăng giá tiêu dùng liên tục cao hơn lãi suất tiết kiệm.

Bất hợp lý thứ hai là người vay tiền mới được “giải cứu” khi được cấp bù lãi suất, nhiều người chưa hết khó khăn, nay vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn khá nhiều thì sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn, tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế vừa mới thoát đáy, đang vượt dốc đi lên, đích phục hồi hoàn toàn sẽ còn xa.

Bất hợp lý thứ ba là nguy cơ tái lạm phát cao đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nay đã đến gần, thậm chí đã có dấu hiệu xuất hiện; Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo tập trung vào các biện pháp kiềm chế lạm phát. Để kiềm chế lạm phát thì một trong những biện pháp có tầm quan trọng hàng đầu là hút bớt tiền từ lưu thông về bằng lãi suất hấp dẫn, như đã thực hiện trong thời lạm phát phi mã trước đây và mới thực hiện cách đây gần 2 năm.

Một biểu hiện khác là “đường cong” lãi suất đã bị “bẻ thẳng”. Lý luận kinh điển và thực tiễn đã chỉ ra rằng, lãi suất tiết kiệm theo thời hạn gửi phải được hình thành theo đường cong, có nghĩa là kỳ hạn ngắn thì lãi suất thấp, kỳ hạn dài thì lãi suất cao hơn để khuyến khích người gửi tiền gửi kỳ hạn dài để bảo đảm sự ổn định cho các ngân hàng thương mại. Nhưng đã từ vài ba năm nay, người gửi tiền thường chọn kỳ hạn ngắn, một phần vì diễn biến giá cả khó lường định, một phần vì kỳ hạn ngắn lãi suất cũng cao bằng kỳ hạn dài. Khi tiền huy động với kỳ hạn ngắn, nhưng cho vay theo yêu cầu và chu kỳ sản xuất kinh doanh nói chung, đặc biệt là đầu tư đổi mới thiết bị, kỹ thuật - công nghệ đòi hỏi phải thời gian tương đối dài. Trong khi đó, theo quy định việc sử dụng tiền vay ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn chỉ trong giới hạn nhất định và tỷ lệ này đã được rút từ 40% xuống còn 30%.

Người viết cho rằng cùng với định hướng chuyển sang lãi suất thỏa thuận, cần phải dỡ bỏ trần lãi suất huy động (Hiệp hội Ngân hàng VN cũng đã có kiến nghị tại cuộc họp ngày 9.3); đồng thời cũng bảo đảm “đường cong” lãi suất huy động.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.