Hội chợ sách thế giới: Tất cả vì độc giả

14/03/2010 11:00 GMT+7

(TNTT>) Hội chợ sách (HCS), dù ở bất cứ quốc gia nào thì cũng là sự kiện mong chờ của những người yêu sách và các độc giả cũng chính là mục tiêu duy nhất để các HCS liên tục làm mới mình mỗi năm...

Có một câu chuyện rất thú vị về chuyện đọc sách liên quan đến tính cách mỗi dân tộc. Khi cần giới thiệu cuốn sách nói về voi thì người Mỹ sẽ có cuốn “Làm cách nào để nuôi voi mà kiếm ra tiền?”, điều đó cho thấy người Mỹ rất thực dụng. Người Nga lại có cuốn “Tổ tiên chúng ta đã săn voi như thế nào?”, cho thấy người Nga luôn coi trọng lịch sử. Người Trung Quốc có cuốn “1.001 cách chế biến món thịt voi” vì người Trung Quốc rất đam mê ẩm thực. Người Pháp sẽ có cuốn “Loài voi yêu nhau như thế nào?” chứng tỏ người Pháp luôn lãng mạn và trăn trở với chuyện tình yêu. Còn người Đức, họ sẽ giới thiệu một cuốn dày cộp có tựa đề “Đôi điều về loài voi, tập 11”. Câu chuyện cười này sẽ làm người Đức cảm thấy tự hào vì đã nói lên được sự ham đọc sách của họ, mới chỉ nghiên cứu về một ít về voi thì họ đã đọc hàng chục tập.

Bán sách là tiêu chí đầu tiên

Một minh chứng cho sự ham đọc sách của người Đức là HCS uy tín nhất thế giới Frankfurt được tổ chức từ cách đây hơn... 500 năm. Người Đức có lẽ còn tổ chức HCS sớm hơn nếu công nghiệp in ấn phát triển. Chỉ một thời gian sau khi Johanes Gutenberg phát minh ra máy in kiểu mới giúp việc in sách nhanh, rẻ hơn, HCS đầu tiên đã được tổ chức bởi những nhà bán sách địa phương. Mục đích của việc tổ chức HCS không khác gì các hội chợ khác trong thế kỷ 15 và 16: bán hàng. Cho đến giờ, HCS Frankfurt không chỉ là của những người bán sách địa phương mà là nơi tập hợp của nhiều người, nhiều đối tượng trên toàn cầu. Năm 2009, đã có hơn 7.000 gian hàng sách từ hơn 100 quốc gia góp mặt tại HCS này với hàng trăm nghìn người tham quan, mua sách.

Hội chợ sách Paris mừng sinh nhật lớn

Là một trong những HCS “đình đám” nhất thế giới, HCS Paris năm nay (từ 26-31.3) tại khu triển lãm Porte de Versailles sẽ mừng sinh nhật 30 tuổi rất hoành tráng: ngoài 2.300 tác giả có tác phẩm tham dự, có 90 tác giả được mời đặc biệt (30 tác giả người nước ngoài); 500 diễn đàn; 25 quốc gia tham dự. Ngoài ra HCS Paris năm nay cũng là dịp khai trương Trung tâm bản quyền, Trung tâm giao dịch (nơi để các tổ chức, NXB, tác giả gặp gỡ riêng để trao đổi, thương thảo). Những năm gần đây, HCS Paris luôn đón tiếp trên 150.000 lượt người tham dự (riêng năm 2009 lên đến 200.000 lượt). Lấy tiêu chí “bình đẳng” làm kim chỉ nam: mọi NXB, không phân biệt lớn, bé, đều có cơ hội được thể hiện mình; nhờ thế thể loại, đề tài, đối tượng của HCS Paris rất đa dạng. Người Pháp vốn rất thích đọc sách và những HCS đa dạng tại nước này luôn là dịp để phổ biến hơn văn hóa đọc đến công chúng.

Lan Chi

Dẫu HCS đã tồn tại hơn 500 năm nhưng tôn chỉ ban đầu là “bán sách” vẫn được nhắc đến trên trang chủ của HCS Frankfurt: “Hội chợ sách Frankfurt” là nơi để các NXB, nhà sách, đại lý, các nhà văn và khách hàng gặp gỡ và tìm ra những điều mới”. Người bán sách cần biết người mua sách cần gì ở họ, người viết sách cần biết người đọc sách đang trông đợi điều gì, còn người mua sách, người đọc sách cần biết xu thế của thời đại đang đi ở đâu, họ nên tiếp cận với lĩnh vực nào.

Đổi mới, giảm giá tùy vào tâm lý độc giả

Một HCS ở Đức thu được bao nhiêu tiền bán sách? Các NXB không coi việc “bán sách” trong hội chợ là điều tối quan trọng hay nói cách khác, họ không coi hội chợ là dịp để bán sách giảm giá, đẩy sách tồn ế ra ngoài thị trường. Dân Đức có 80 triệu người nhưng chỉ có vài trăm nghìn người có điều kiện xem triển lãm sách. Đối tượng của các nhà xuất bản là thị trường hàng chục triệu độc giả tại Đức với doanh thu 10 tỷ euro mỗi năm chứ không phải chỉ là vài chục hay vài trăm triệu euro bán sách trong hội chợ. HCS là nơi để họ quảng bá sách cho người đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách của người đọc trong cả đời, từ ngày này qua ngày khác chứ không phải trong một vài ngày hội chợ. Vì vậy, hội chợ tổ chức bài bản, màu sắc như một lễ hội, với sự góp mặt của các nhân vật uy tín giao lưu với độc giả cũng là cách để hội chợ PR tên tuổi, làm độc giả nhớ đến. Còn giảm giá sách cũng chỉ là một trong các cách để kéo độc giả đến hội chợ và nhớ đến NXB.

Andrew Wilkins - chủ tạp chí Bookseller & Publisher của Úc, cho biết: “Mỗi năm có 1,2 triệu đầu sách được xuất bản”. Đó là một con số khổng lồ và người đọc sẽ không thể biết mình nên chọn cuốn nào nếu không có sự hướng dẫn. HCS là nơi tốt nhất để làm điều đó. Một ví dụ để thấy hiệu quả mà các HCS tác động đến thị trường sách là tại Ba Lan. Theo trang chủ của HCS Frankfurt, hiện giờ, 58% dân số Ba Lan đọc sách trong khi 10 năm trước chỉ 2 triệu (trong số gần 40 triệu) dân Ba Lan có thói quen đọc sách. Ngoài lý do kinh tế khó khăn trước đây, điều chủ yếu khiến người Ba Lan ít đọc sách lúc bấy giờ là vì họ chẳng biết đọc sách gì. Nhưng sau này, khi các HCS, các đầu sách nổi tiếng được giới thiệu liên tục với độc giả Ba Lan thì họ đổ xô đi mua sách.

Tại Đức không chỉ mỗi Frankfurt tổ chức HCS mà còn có nhiều HCS uy tín khác, trong đó phải kể đến hội chợ Leipzig, nơi cũng được tổ chức từ vài thế kỷ trước. Thậm chí trong suốt một thời gian dài, Leipzig là nơi tổ chức hội sách lớn nhất nước Đức và nó chỉ bị mất vị trí số 1 vào tay Frankfurt từ 1945. Việc có nhiều HCS được tổ chức trong một năm không làm độc giả nhàm chán nhưng vì nhà tổ chức luôn biết cách làm mới mình. Ngoài thay đổi cách bố trí, trang hoàng, họ còn rất chú trọng đến việc tạo chủ đề để thu hút độc giả. Chẳng hạn năm 2006, hội chợ Frankfurt tập trung về văn hóa Hàn Quốc thì năm 2007 họ tập trung về Tây Ban Nha và năm 2008 là Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi vấn đề sẽ có những nhân vật khác nhau thuyết trình và người tham gia HCS, đặc biệt là lượng đông đảo hàng nghìn phóng viên trên thế giới sẽ có chuyện để xem, để kể lại cho khắp thế giới. Dù có nhiều HCS thì Frankfurt vẫn có uy tín, có bản sắc riêng và các NXB vẫn muốn tham gia lễ hội này, người đọc sách tại Đức vẫn muốn đi tham quan HCS này.

Hiện giờ, không chỉ người Đức ham đọc sách mà cả nhân loại đều ham đọc sách khi tất cả cùng ý thức được rằng tri thức là chìa khóa của nhân loại. HCS nổi tiếng thứ ba thế giới (sau Frankfurt và London) được nhiều người biết đến không phải ở u-Mỹ mà là một nước châu Á, HCS Calcutta tại Ấn Độ. Chỉ có hơn 30 năm tổ chức nhưng HCS Calcutta đã có uy tín nhờ biết cách áp dụng đổi mới mỗi năm một chủ đề bắt đầu từ 1991. Vấn đề đáng lo và đáng mừng nhất của ban tổ chức HCS Calcutta là có quá nhiều khách đổ về trong hội chợ. HCS Calcutta không tiện nghi nhưng họ đánh đúng vào tâm lý của dân địa phương nên đông người đến: sách giảm giá.

Trong khi đó HCS tại Bắc Kinh hồi 2006 là một kỷ niệm buồn khi có rất ít người đến tham quan so với kỳ vọng dù trang hoàng ấn tượng. Các nhà tổ chức đặt nặng vấn đề giao dịch bản quyền nhưng quên mất mối quan tâm người đọc là mua sách rẻ. Khi một hội chợ vắng khách thì các NXB nhìn cũng nản.

Đào Thị Thúy Hảo (24 tuổi, công ty KPMG Việt Nam): Từng tham quan hội sách 2008 tại công viên Lê Văn Tám, tôi thấy việc tổ chức hội sách thật sự rất thu hút những bạn đọc yêu sách, góp phần nâng cao và khuyến khích văn hóa đọc trong giới trẻ. Phần lớn các hội sách được đầu tư tổ chức khá quy mô với nhiều gian hàng, đầu sách mới, đa dạng.

Tuy nhiên, điều mà tôi chưa hài lòng đó là theo quảng cáo thì sách tại hội chợ sẽ giảm giá từ 10 - 80%, tuy nhiên trên thực tế, những cuốn sách hay đang “hot”, sách ngoại văn chỉ được giảm 10 - 20% (bình thường tôi vẫn nhận được mức giảm giá này khi mua sách tại một số cửa hàng sách lớn). Những đầu sách giảm 50 - 80% chủ yếu là sách cũ, tồn kho, nội dung kém hấp dẫn. Do đó, việc giảm giá không phải là điểm thu hút đối với khách tham quan. Tôi nghĩ, nếu BTC và các gian hàng đưa ra một mức giảm giá hợp lý hơn với cả những tác phẩm hay thì chắc chắn sẽ khuyến khích được nhiều người hơn nữa đến với hội sách. Ngoài ra, đội ngũ bán sách cũng kém nhiệt tình, thân thiện, không chủ động giúp đỡ, hướng dẫn khách trong việc chọn lựa, tìm kiếm sách.

Nguyễn Thị Thanh Tuyền
(P.Tân Kiểng , Q.7, TP.HCM): Kinh nghiệm tham gia hội sách của tôi là nên đi dạo một vòng quanh các gian hàng, chọn lọc kỹ rồi hãy mua những quyển sách ưng ý nhất. Vì hầu hết các gian hàng đều có poster giới thiệu rất bắt mắt, lại được khuyến mãi như tác giả ký tặng, giảm giá... nên nếu mua ngay mà không chọn lựa cẩn thận, mang bao nhiêu tiền cũng không đủ. Nếu bạn đến hội chợ sách chỉ để tìm mua sách thì tốt nhất nên chọn thời điểm khoảng 4-5 giờ chiều, vừa đỡ chịu cảnh nắng nóng khó chịu, vừa không phải chen chúc với quá nhiều người.

Nguyễn Loan (ghi)

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.