Kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động

09/03/2010 22:53 GMT+7

Hôm qua, ngày 9.3 các ngân hàng (NH) tại TP.HCM đã thống nhất kiến nghị bỏ trần lãi suất (LS) huy động 10,5%. Nghe đọc bài

Ngày 9.3, NH TMCP Á Châu (ACB) đưa ra LS huy động tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán linh hoạt LS thả nổi tiền đồng kỳ hạn 36 tháng từ 10,44% - 10,499%/năm. Điểm đặc biệt là khoản tiền nhỏ 5 triệu đồng đến 10 tỉ đồng ở kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng đều bằng 10,499%/năm. Cùng ngày, một NH cổ phần đẩy LS huy động tuần tăng từ 9,6%/năm lên 10,49%/năm.

Ngoài ra, một số địa phương còn đưa ra mức trần LS huy động khác. Chẳng hạn như tại Bắc Ninh, đối với NH Nhà nước kỳ hạn dưới 6 tháng LS là 10%/năm; từ 6 tháng đến 12 tháng là 10,2%/năm; trên 12 tháng là 10,49%/năm. Còn các NH cổ phần, quỹ tín dụng, kỳ hạn dưới 6 tháng là 10,1%/năm; từ 6 tháng đến 12 tháng là 10,3%/năm; trên 12 tháng là 10,49%/năm. Tại Đà Nẵng, LS kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống của các NH thương mại nhà nước và NH cổ phần chi phối bởi nhà nước không vượt quá 10%/năm; các NH cổ phần, liên doanh không vượt quá 10,2%/năm. LS huy động trên 6 tháng không vượt 10,3%/năm.

Hôm qua, một số NH tại TP.HCM đã thống nhất kiến nghị việc bỏ trần LS huy động 10,5%/năm. Trên thực tế, với dự báo về lạm phát và tỷ giá như hiện nay thì nếu tiếp tục duy trì mức trần 10,5%, chắc chắn ngân hàng sẽ phải tìm cách đi đường vòng để tăng LS thật lên. Tình trạng này khiến thị trường LS huy động trở nên méo mó. Mức LS thực tế mà các NH đang huy động lên đến khoảng 13%- 14%/năm. Các khách hàng có nguồn tiền lớn mới có thể có được mức LS cao, còn những khoản tiết kiệm với số tiền nhỏ chỉ nhận được mức LS thấp dưới 10,49%/năm.

Cũng có một số ý kiến lo ngại việc bỏ trần LS huy động sẽ tạo ra cuộc chạy đua LS huy động giữa các NH để thu hút vốn, đẩy LS huy động lên mức cao hơn. Khi đó LS cho vay tất nhiên cũng tăng cao. LS cho vay hiện nay ở mức 18%/năm, nhiều doanh nghiệp đã không chấp nhận vay. Vì vậy, nếu bị đẩy lên mức cao hơn nhiều doanh nghiệp sẽ phải chào thua. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra bởi thị trường LS sẽ do cung cầu quyết định. Đơn cử trước năm 2008, cơ chế LS huy động trên thị trường đã được áp dụng theo LS thỏa thuận nhưng không xảy ra cuộc đua LS ở mức cao bởi ngay chính bản thân các NH cũng không muốn đẩy LS huy động lên cao, tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp vay và áp lực cho chính mình. Minh chứng rõ ràng nhất là năm 2008, năm mặt bằng LS huy động và cho vay ở mức cao dẫn đến một số NH đã phải chịu lỗ khi cho vay. Chẳng hạn ACB đã lỗ 700 tỉ đồng vì LS cho vay không gánh nổi LS huy động.

Theo quy định, các NH được phép dùng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Thế nhưng nguồn vốn mà NH huy động hiện chủ yếu là ngắn hạn bởi biểu LS huy động tuần, tháng hay năm đều được "cào bằng" ở mức 10,499%/năm nên tất nhiên khách hàng sẽ chọn kỳ hạn ngắn. Do đó, nguồn vốn cho vay trung dài hạn không có nhiều để NH thỏa thuận LS vay. Để có được nguồn vốn trung dài hạn, quy định bỏ trần LS huy động cần sớm hơn, NH đưa ra mức LS kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn (hiện nay các kỳ hạn gửi ngắn có LS cao hơn kỳ hạn dài).

NH Nhà nước đã cho phép các NH được thỏa thuận LS cho vay trung và dài hạn. Chính vì vậy mà quy định trần LS huy động cũng cần bỏ và cho phép NH đưa ra LS huy động thỏa thuận.

Lãi suất huy động vàng gần 0%

Trong những ngày gần đây, một số NH đã giảm LS huy động vàng gần như bằng 0%. LS huy động vàng ACB đưa ra ngày 9.3 từ 0,4% - 1,8%/năm. LS huy động vàng của NH TMCP Phương Nam khoảng 0,5%/năm. LS huy động vàng liên tục giảm nhưng huy động vàng thì bình thường và có xu hướng tăng. Trong khi đó hoạt động cho vay vàng của NH gần như không có đầu ra. Huy động vàng là một trong những kênh huy động vốn của các NH. Trước đây, NH huy động vàng và bán ra lấy tiền đồng để cho vay. Nhằm tránh rủi ro, NH cân đối mua lại khoản vàng này qua tài khoản ở nước ngoài. Sau quyết định không được kinh doanh vàng trên tài khoản, các NH đã không dám huy động nhiều vàng dẫn đến LS vàng càng giảm mạnh.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.