Lính biên phòng dạy tiếng Mông

05/03/2010 18:59 GMT+7

Nói đến một lớp học tiếng Mông ở nơi biên cương Tây Bắc như “chở củi về rừng”. Ấy vậy mà suốt bao nhiêu năm qua, “rừng” vẫn khao khát “củi”.

Nhận tấm bằng khen vì có thành tích học tập đạt loại tốt của lớp học tiếng Mông thí điểm, hai bạn Tòng Thị Thanh và Tòng Thị Lan (bản Phổng) nghẹn ngào chen lẫn niềm tự hào. Nhớ lại hai mùa hè xanh trước, hai bạn đi tình nguyện “ba cùng” với bản Mông. Tuy cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc nhưng không thể nói với bà con một câu chuyện có đầu có cuối. Nhưng từ năm nay, tình nguyện mùa hè xanh chắc chắn sẽ có kết quả nhiều hơn, bởi “không chỉ ba cùng mà sẽ thêm cùng nói tiếng đồng bào nữa” - Thanh tin tưởng.

“Rừng” vẫn khao khát “củi”

Trường THCS Nậm Lạnh có 25% số học sinh là người Mông nhưng giáo viên không ai là người Mông, cũng không ai nói được tiếng Mông. Khi nghe tin về lớp học tiếng Mông do Đồn biên phòng 449 tổ chức, 6 giáo viên của trường tự nguyện đăng ký tham gia lớp học.

Lý giải về sự cần thiết đối với việc học tiếng Mông của thầy giáo, cô giáo trường THCS Nậm Lạnh, thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Xứng kể câu chuyện: “Khi đến nhà vận động phụ huynh cho con em tới trường, vì chưa nắm rõ phong tục tập quán, tiếng Mông lại không biết, nên trong bữa cơm ngày đầu năm, tôi lại chan canh. Người Mông quan niệm chan canh thì nước lũ sẽ tràn vào ruộng, làm chết lúa, đói kém mất mùa cả năm”.

Sau thành công từ mô hình lớp học tiếng Mông thí điểm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và T.Ư Hội LHTN Việt Nam sẽ kết hợp triển khai nhiều mô hình lớp học ngôn ngữ Mông nói riêng và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số nói chung cho cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng, cán bộ Đoàn, Hội các cấp tại những địa bàn dọc tuyến biên giới, vùng sâu vùng xa.

Không chỉ đảm nhận mọi khâu để duy trì lớp học, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 449 còn đóng góp một nửa sĩ số lớp. Với cán bộ chiến sĩ nơi đây, nói được tiếng đồng bào là vũ khí để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Từ khi giao tiếp với đồng bào Mông thành thạo, y sĩ quân y đồn 449 Nguyễn Hữu Tùng dễ dàng hơn trong việc thăm hỏi sức khỏe người già, phụ nữ, trẻ em trên những bản Mông giáp biên. Đây là những đối tượng hay mắc bệnh tật nhưng vì ít ra ngoài nên rất khó giao tiếp bằng ngôn ngữ phổ thông. Bên cạnh đó, nói được tiếng dân tộc giúp cho công tác trinh sát, cắm bản, tuần tra biên giới trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

“Nọ mõ”, “nọ chùa”...

Khi được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La giao nhiệm vụ tổ chức lớp tiếng Mông thí điểm, công việc đầu tiên của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 449 là soạn giáo trình. Trong vòng 1 tháng, 4 cán bộ được phân công đã biên soạn xong giáo trình cho lớp, với 40 bài, tập trung vào những câu giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày của đồng bào Mông huyện Sốp Cộp. Sốp Cộp là nơi sinh sống của nhiều nhóm như: Mông trắng, Mông đen, Mông Lềnh... với ngôn ngữ có một số điểm khác biệt. Do vậy, khi biên soạn giáo trình, cán bộ đồn 449 gặp không ít khó khăn.

Thiếu úy Lý A Tú cho biết, đơn giản như từ “ăn cơm” đã có sự khác nhau: người Mông trắng phát âm là “nọ mõ”, trong khi người Mông đen dùng từ “nọ chùa”. Vốn là người dân tộc Mông, tham gia dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng Mông, thiếu úy Tú khẳng định: “Giáo trình của đồn 449 đáp ứng tốt về nhu cầu giao tiếp với đồng bào”.

Những khâu khác như lên thời khóa biểu, phân công thầy giáo dạy, ra đề thi... đều do cán bộ đồn 449 trực tiếp đảm nhận. Với phương châm “biết thêm một ngôn ngữ là có thêm một thứ vũ khí”, thời điểm khai giảng, lớp mới có 28 người nhưng đã tăng nhanh  và duy trì đều đặn sĩ số 40 người. Để không ảnh hưởng đến công việc hằng ngày, thời gian học diễn ra vào buổi tối. Vượt trên tất cả những khó khăn, trong suốt thời gian học, nhiều học viên đã không quản ngại băng rừng, lội suối trong đêm tối, giữa những cơn mưa rừng để đến Đồn biên phòng 449 đầy đủ.

“Ai cũng nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc học tiếng Mông. Khi nói tiếng đồng bào, người Mông sẽ coi mình như là người nhà” - Sa Thị Tâm, Bí thư Huyện Đoàn Sốp Cộp tâm sự.

Phan Lê Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.