Thêm một đòn giáng mạnh vào đảng Dân chủ Mỹ

16/02/2010 08:25 GMT+7

(TNO) Chiều 15.2, thượng nghị sĩ (TNS) Evan Bayh, đảng Dân chủ đại diện cho tiểu bang Indiana, tuyên bố là ông sẽ không ra tái tranh cử nhiệm kỳ 3 vào Thượng viện Mỹ tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Đây là một đòn "sét đánh ngang tai" đối với đảng Dân chủ, khi lãnh đạo tại lưỡng viện Quốc hội và Nhà Trắng đang lo lắng cho sự mất thêm nhiều ghế trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong một cuộc họp báo tổ chức ở thành phố Indianapolis, đứng bên cạnh là vợ và 2 con, TNS Bayh nói rằng, ông rất yêu thích công việc phục vụ dân chúng, phục vụ cộng đồng, nhưng ông chẳng thể nào yêu thích Quốc hội cho được.

Lý do ông Bayh chỉ trích là "Quốc hội đã không hoạt động đúng chức năng của nó", vì theo ông, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã bị đảng phái chi phối quá nhiều, và rằng "công việc lo cho dân chúng thì không hoàn thành", ngay cả lúc toàn liên bang đang ở vào thời kỳ thách thức nhất.

TNS Bayh dẫn chứng qua việc thất bại gần đây của Thượng viện khi không thông qua được dự luật kiến tạo việc làm, và dự luật thiết lập một ủy ban lo việc cắt giảm thâm thủng ngân sách.

Ông Bayh cho đó là những chứng cứ cho thấy sự đổ vỡ của hệ thống chính trị Mỹ. Theo ông, việc hai đảng quá thiên lệch về chính đảng của mình đã tạo không ít khó khăn cho Tổng thống Obama, khi phía hành pháp muốn đưa ra những dự luật để thông qua một Quốc hội được xem là "ngựa chứng".

TNS Evan Bayh là một nhân vật đầy uy tín trong đảng Dân chủ. Năm nay 55 tuổi, ông từng là Thống đốc tiểu bang Indiana 2 nhiệm kỳ, và lần đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 1998 với số phiếu ủng hộ lên đến 62% của cử tri bang nhà (thông thường, trong các cuộc bầu cử ở Mỹ, số phiếu chênh lệch chỉ vài phần trăm).

Sáu năm sau, ông tái đắc cử vào Thượng viện với 64% phiếu bầu. Ông cũng từng là nhân vật được cân nhắc đứng chung liên danh với ông Barack Obama để tranh cử ghế Phó tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm 2008.

Theo CNN, một nguồn tin từ đảng Dân chủ cho biết, tuyên bố của TNS Bayh ngay vào lễ kỷ niệm Ngày Tổng thống (President’s Day, 15.2) đã khiến cho những người Dân chủ trên toàn liên bang ngạc nhiên.

Điều đáng lo là ông Bayh không phải là người đầu tiên quyết định không ra tái tranh cử; trong khi các nhà phân tích cho rằng, đảng Dân chủ còn có 6 chiếc ghế nữa sẽ bị ứng viên của phe Cộng hòa thách thức mạnh mẽ trong cuộc "thư hùng" vào tháng 11 tới đây.

Như vậy, kể từ ngày 19.1 vừa qua, khi ứng viên đảng Cộng hòa ít danh tiếng ở Massachusetts là ông Scott Brown đã tạo nên "một cơn lốc chính trị" khi đánh bại ứng viên đảng Dân chủ là nữ Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Martha Coakley, trong cuộc bầu cử bổ sung vào chiếc ghế TNS bỏ trống từ sau khi ông Edward Kennedy qua đời, thì cán cân quyền lực nghiêng về phía Dân chủ bị rúng động.

Chiếc ghế đại diện cho tiểu bang Massachusetts được xem là "thành trì lâu đời" của đảng Dân chủ suốt mấy mươi năm qua, mà trong cuộc bầu cử mới nhất hồi năm 2006, TNS Kennedy đã chiến thắng áp đảo tới 69% so với đối thủ Cộng hòa chỉ được 31% phiếu bầu.

Thế nhưng, một khu vực bầu cử mà lúc đầu tưởng rằng đã cầm chắc phần thắng trong tay, đã trở thành một cố gắng tuyệt vọng cho phe Dân chủ. Chỉ mấy tháng trước đó, sau cái chết của TNS Edward Kennedy, vấn đề của đảng Dân chủ đặt ra là nhân vật nào của đảng sẽ "thay" vào chiếc ghế của ông Kennedy, chứ chưa đặt thành vấn đề cạnh tranh với phe Cộng hòa.

Sau thất bại ở Massachusetts, nội bộ đảng Dân chủ tiếp tục biến động. TNS Christopher Dodd, bang Connecticut và TNS Byron Dorgan, bang North Dakota lần lượt tuyên bố nghỉ hưu, không tái tranh cử nữa. Rồi nay, đến lượt "ngôi sao" Evan Bayh.

Hiện nay, tại Thượng viện Mỹ, phe Cộng hòa có 41 ghế. đảng Dân chủ được 57 ghế, và lại được 2 TNS độc lập là Joe Lieberman (bang Connecticut) và Bernie Sanders (bang Vermont) hậu thuẫn.

Sau khi mất thế thượng phong là đa số quyết định, đa số đặc biệt (supermajority) 60 ghế ở Thượng viện, đảng Dân chủ không còn dễ dàng thông qua các dự luật quan trọng, vì phe Cộng hòa nay đã "có quyền" vận dụng thủ tục Filibuster, tức chiến thuật câu giờ, không cho đưa dự luật ra bỏ phiếu.

Filibuster cho phép bất cứ vị TNS nào cũng có quyền lên diễn đàn Thượng viện để nói "thao thao bất tuyệt" mà không ai có quyền ngăn cản. Và thế là các nghị sĩ phe thiểu số, mỗi khi muốn cản trở một dự luật, thì chỉ cần bàn bạc, thay thế nhau chiếm diễn đàn, rồi cứ nói hoài, nói mãi, bất chấp bên dưới có nghe hay không. Filibuster chỉ được chặn đứng khi có đủ đa số 60 TNS đồng ý.

Đảng Dân chủ hiện vẫn kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ, và thành viên đảng này vẫn nắm các vị trí chủ chốt là chủ tịch các ủy ban ở lưỡng viện. Tuy nhiên, thế đa số đó đang dần bị thu hẹp.

Theo các nhà phân tích thì đến cuộc bầu cử tháng 11.2010, đảng Dân chủ vẫn còn chiếm đa số, nhưng mọi sự có thể sẽ thay đổi trong kỳ bầu cử quyết định vào năm 2012, khi cử tri Mỹ đi bầu Tổng thống, Phó tổng thống lẫn nghị sĩ Quốc hội.

Tuyết Linh
(Từ California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.