Nhạc nào người ấy!

16/01/2010 09:46 GMT+7

Trao đổi về Những ca từ nghe phát khiếp (TNTT> 15.1.2010) (TNTT>) Sau khi đăng bài viết về thực trạng ca từ trong nhạc trẻ, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của bạn đọc. Đi sâu thêm về vấn đề này, TNTT> đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ, một người nổi tiếng với những sáng tác trữ tình độc đáo.

Là một nhạc sĩ có uy tín, anh nghĩ sao về tình trạng ca từ trong nhạc trẻ hiện nay?

Cái gốc của vấn đề nằm ở văn hóa của người viết nhạc. Thời trước, việc sáng tác nhạc được coi như một lĩnh vực sáng tạo đòi hỏi tài năng và học vấn ở mức độ cao, nghĩa là nó có một cái chuẩn nào đó. Vì vậy làm nhạc sĩ sáng tác không phải dễ, và để được thừa nhận, để có tên tuổi còn khó hơn gấp bội phần. Bây giờ thì khác, ai cũng sáng tác được nhạc cả. Vì cứ viết cho nó thành bài (khó gì đâu, không ký âm được thì nhờ anh em ban nhạc ký âm hộ, nếu câu cú lủng củng thì khi phối, anh phối khí sẽ chỉnh lại, còn ca từ thì mỗi nốt nhạc có một chữ (nếu bí chữ thì là lá la) là được). Còn chữ gì thì không quan trọng lắm. Vì đã có sẵn một số chữ để dùng cho mỗi tình huống. Nói về vẻ yêu kiều thì “bờ môi”, “bờ vai”, đang rạo rực tình thì “đắm say”, “ngất ngây”, “nhớ nhung”, chán tình thì “phôi pha”, “nhạt nhòa”... cứ thế mà lắp vào thôi. Hoặc không “nghĩ sao nói vậy” chỉ có đừng chửi bậy mà thôi.

Theo anh, vì sao lại có thực trạng này? Và những bài hát có ca từ dễ dãi, nghèo nàn đang ngày một  phổ biến đến mức “không thể kiểm soát” được như vậy là lỗi tại ai?

Tuy chỉ là chuyện ca từ rẻ tiền nhưng việc nó trở thành phổ biến và đang trở thành một thứ “văn hóa âm nhạc” mới, “phủ sóng” rộng tới mức lấn át tất cả, nên nó không chỉ là vấn đề của âm nhạc, tôi nghĩ đúng hơn nó là vấn đề của văn hóa của xã hội. Nó chỉ rõ sự xuống cấp của cả người nghe và người viết.

Còn nếu bạn muốn tôi bắt lỗi cụ thể, lỗi trực tiếp thì xin nói thẳng: Các bạn - ngành truyền thông (báo chí, các đài phát thanh và truyền hình) cùng với các nhà xuất bản âm nhạc, các hãng phát hành âm nhạc đã góp phần chủ yếu để tạo ra thực trạng này.

Nguyên nhân trực tiếp có phải do chúng ta thực sự không có những nhạc sĩ trẻ tài năng? Hay là sức ép của “cơm áo gạo tiền” đã biến tác phẩm của các người viết trẻ trở nên méo mó như vậy?

Thời nào cũng có tài năng, có điều những điều kiện để tài năng đó phát triển mới quyết định.

Hiện nay, giới nhạc sống khá đàng hoàng, nhất là với các bạn trong khu vực “nhạc thị trường”. Chẳng có “sức ép cơm áo gạo tiền" nào cả. Đó chẳng qua chỉ là sức ép của thói háo danh và những giấc mộng làm giàu, sức ép của lối sống đua đòi, chạy theo tiện nghi vật chất. Không sống như một người sáng tạo, không đầu tư thời gian vào việc học, đọc, nghe, xem như là một trải nghiệm văn hóa, không gắn bó với đời sống, với xã hội thì làm sao làm sao có tác phẩm tử tế được. Nhạc là người, nhạc nào người nấy. Nhạc kém thì người kém, nhạc hay thì người hay. Tôi không tin một người có thực tài, người hay lại có thể viết nhạc dở hoặc trở nên méo mó vì lý do “cơm áo gạo tiền” không có thực mà bạn vừa nêu trên. Nếu bạn nhìn thấy cái gì méo mó, bởi vì nó chính là một vật méo mó (so với chuẩn chứ không phải so với chính nó, bởi nó có vuông, tròn bao giờ đâu).

Thư từ, bài vở xin gửi về:
vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn

Anh có thấy buồn khi những tác phẩm của mình hiện nay được công chúng ít biết đến, trước “cơn bão” của nhạc thị trường?

Trước đây khi tôi viết rất nhiều, có nhiều tìm tòi về hình thức âm nhạc nhưng chỉ được một vài đàn anh biết đến, còn với công chúng, hoàn toàn vô danh. Thế mà tôi vẫn vui vì thấy ít nhất cũng có người hiểu được mình. Bây giờ hơn thế nhiều. Tôi không có nguyện vọng được công chúng của “nhạc thị trường” biết đến. Chúng ta cần biết chỗ của mình và hãy yên chỗ, đừng có nhấp nhổm làm gì. Tôi có công chúng của mình. Có thể công chúng của tôi không đông đảo bằng công chúng của các nhạc sĩ khác. Nhưng tôi yêu họ, tôi muốn viết để họ nghe, muốn chia sẻ cùng họ. Điều ấy là quá đủ.

Anh có lòng tin rằng nhạc Việt sẽ "trong sạch" và mới mẻ hơn?

Cái bi kịch lớn nhất mà tôi cảm nhận được là chúng ta đang đánh mất lòng tin vào những điều tốt đẹp, những điều lẽ ra chúng ta có thể hy vọng và nên hy vọng. Sự đổ vỡ ấy bắt đầu bởi những ảo tưởng. Ảo tưởng về quá nhiều thứ nên cũng vỡ mộng vì quá nhiều thứ. Tôi nghĩ lòng tin phải được xây dựng trên thực tại, trên sự hiểu biết rộng hơn và bằng một thái độ tích cực.

 Năm năm nay tham gia Bài hát Việt trong vai trò thành viên của Hội đồng thẩm định, được nghe hàng nghìn bài hát của các tác giả trẻ, tôi thấy họ đang rụt rè cất lên tiếng nói của thế hệ mình, một tiếng nói đa dạng hơn, ít biểu cảm hơn nhưng mới mẻ hơn về mặt hình thức biểu đạt và cũng trong sạch đấy. Tôi đã bắt đầu nhớ được tên một số người và bắt đầu thuộc được những bài hát của họ: Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An, Võ Thiện Thanh, Nguyễn Xinh Xô, Trịnh Minh Hiền, Nguyễn Duy Hùng, Sa Huỳnh, Thanh Tâm, Văn Phong, Nguyễn Hải Phong, Jazzy Dạ Lam, Tinna Tình... Nhưng trong 10 năm nữa, tiếng nói ấy có mạnh mẽ không, có còn trong sạch không lại tùy thuộc vào môi trường âm nhạc, môi trường văn hóa và môi trường xã hội.

* Có thể do phản ánh gay gắt của dư luận về ca từ, nên trong tháng 10

vừa qua, các cơ quan chức năng đã kịp thời có văn bản mới đề nghị hạn chế những bài hát không có văn hóa, ca từ không đẹp. Quy định này yêu cầu hạn chế, chứ chưa cấm hẳn. Ngày trước, những câu đại loại như em lừa dối tôi hay tôi lừa dối em, được phép lưu hành, nhưng trên tinh thần của quyết định mới sẽ bị hạn chế. Thành ra mới có chuyện, tác giả thắc mắc rằng sao năm ngoái mình viết bài với ca từ tệ hơn bài năm nay mà được duyệt mà bây giờ lại không. Đơn giản năm ngoái chưa có quy định đó mà! Cho nên, những quy định mới như thế nên được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng để người làm nghề kịp thời cập nhật.

Bên cạnh đó cần giáo dục tính thẩm mỹ về âm nhạc ngay từ trên ghế nhà trường. Như thế khoảng 10 năm sau chúng ta sẽ có thế hệ nghe nhạc tốt hơn. Nếu chúng ta không triển khai kế hoạch hành động cụ thể cho việc tổ chức giáo dục mà cứ ngồi bó gối than thở ca từ như thế này thế nọ, có giải quyết được vấn đề gì?_Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện

* Tất nhiên, ca từ của hôm nay sẽ khác so với… 30 năm về trước. Cho nên, khi nhìn vào các ca khúc hiện nay, người nghe sẽ khó chấp nhận được những cái mới, lạ. Nếu nói về ca từ, những bài hát trên Bài hát Việt của các nhạc sĩ trẻ cũng hay và đẹp đấy chứ. Đương nhiên trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng ta khó tránh khỏi những bài hát mang tính thương mại. Tuy nhiên không thể quy kết cho rằng toàn bộ cục diện của ca khúc hiện nay đều sặc mùi thương mại. Muốn giữ gìn sự trong sáng cho ca từ, theo tôi thì trước tiên, ý nghĩ sáng tác của người nhạc sĩ phải trong sáng._ Nhạc sĩ Đức Trí

Đường Lam (ghi)

Ý kiến...

(Nhân đọc Những ca từ nghe phát khiếp - TN TT&GT 15.1.2010)

* Tôi đồng ý với TN TT&GT rằng dòng nhạc thị trường hiện nay ca từ có phần thiếu trau chuốt. Tuy rằng cũng không thể phủ nhận nó như một món fast food (thức ăn nhanh) để đáp ứng cho nhu cầu thị trường khi mà người người đều có thể trở thành ca sĩ như hiện nay. Thế nhưng, viết với hoàn cảnh như vậy chả trách các sáng tác của họ cũng đành vỡ tan như bong bóng xà phòng thôi. Khán giả nghe xong rồi quên, chẳng còn đọng lại chút nào cả. Tình cờ, tôi còn nghe được một bài hát do chính một ca sĩ sáng tác, mà nội dung chỉ là lý giải cho việc để đầu trọc của anh ta. Chợt nghĩ, có lẽ anh ta nên giữ lại bản nhạc ấy trong nhật ký của riêng mình, chứ cũng không nên phổ biến trước công chúng nghe nhạc.

Ngẫm lại một chút về các tác phẩm âm nhạc của dòng nhạc xưa: xin lấy ví dụ như ca khúc Đêm đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chẳng hạn. Mặc dù, nội dung của bản nhạc ấy đơn thuần chỉ là cảm xúc về nỗi nhớ nhà của nhạc sĩ (khi đó còn là một học sinh đi học xa nhà, không có tiền về quê ăn Tết), thế nhưng khi đã trở thành một tác phẩm âm nhạc, được phổ biến trước công chúng, thì ca từ không thể chê vào đâu được. Bài hát ấy, tuy đã lâu lắm rồi, nhưng cho đến nay khi được trình diễn thì nó vẫn như truyền hết cảm xúc thật của tác giả đến với người nghe. Thật đáng khâm phục!_Nguyễn Hải (hainguyen126@gmail.com)

* Cần nhìn nhận một thực tế rằng, chưa bao giờ việc trở thành ca sĩ lại dễ dàng như hiện nay. Những cuộc thi hát, sự bùng nổ các mạng thông tin… là cầu nối đắc lực, làm thỏa mãn những tâm hồn khát khao ước mơ vươn tới một ngôi sao. Thực tế, không ít ca sĩ khởi nghiệp trên sân khấu ảo, thu hút khán giả bằng những cú… click chuột. Với những hình ảnh xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang cùng giọng hát được công nghệ phòng thu chỉnh sửa hoàn hảo, ca sĩ “ảo” bỗng dưng nổi tiếng, đua nhau kiếm bài hát độc quyền, thu âm, chụp hình để rải lên sân khấu ảo. Nhờ thế, giới nhạc sĩ vốn bị coi là người nghèo tiền nghèo bạc bỗng dưng gặp… thời, liên tiếp nhận hợp đồng sáng tác hoặc ký âm thuê cho ca sĩ trẻ làm album. _My Lâm (thanhuy1982…@gmail.com)

* Có thể nói, tình trạng bát nháo trong ca từ bắt nguồn từ chuyện lạm dụng danh xưng "nhạc sĩ". Hễ ai viết ra được nhạc và bản nhạc đó được phổ biến thì họ liền tự phong là nhạc sĩ. Thế nên có thể vì hám danh, mà người người đổ xô đi viết nhạc, nhà nhà chen chân sáng tác lời, càng khiến tình trạng loạn ca từ trở nên không thể kiểm soát._Trần Quang (Chung cư Thế kỷ 21, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

* Nhân đọc bài viết về ca từ phản cảm trong các bài hát Việt hiện nay , tôi nghĩ việc để cho các bài hát có các ca từ nhảm nhí được phổ biến ra công chúng là trách nhiệm của các nhà kiểm duyệt và thẩm định các bài hát đó, nếu các vị có một cái đầu văn hóa, tôi bảo đảm sẽ không có việc các bài hát nhảm đó được phép lưu hành. Mong các vị có một tâm hồn âm nhạc và văn hóa khi thẩm định các bài hát._Nguyễn Minh Duy (duynm15040608@yahoo.com.vn)

Thúy Vy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.