Ông Võ Văn Thưởng: Phải coi trọng công tác tư tưởng trong cơ quan báo chí

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/12/2019 16:48 GMT+7

Cho biết gần đây có ý kiến chỗ này, chỗ khác về quy hoạch báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đề nghị đọc lại quy hoạch báo chí và thực hiện cho nghiêm, chứ không bàn nên hay không nên.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí” ngày 6.12, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, khẳng định thực tiễn cho thấy, cơ quan báo chí nào quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, thì cơ quan báo chí đó hoạt động ổn định, ít có sai phạm.
Ngược lại, nếu buông lỏng, không quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng Đảng thì cơ quan báo chí đó mắc nhiều sai phạm trong cả công tác cán bộ, nội dung thông tin, cũng như thực thi đạo đức nghề nghiệp.
Đánh giá trong thời gian qua, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản, bản thân cơ quan báo chí đã coi trọng công tác xây dựng Đảng trong cơ quan báo chí, song ông Thưởng cũng chỉ rõ vẫn còn nhiều khuyết điểm, hạn chế chậm được khắc phục.
Đặc biệt, có hiện tượng người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị cám dỗ, sa ngã, đánh mất dũng khí, quên đi sứ mạng, không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác, thậm chí còn cố bẻ cong ngòi bút, tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
“Các cơ quan báo chí bàn chuyện bên ngoài, nói chuyện xã hội, phê bình người khác giỏi hơn là nói chuyện của mình, nói chuyện cơ quan mình, xây dựng và củng cố cơ quan mình”, ông Thưởng nhận định, và cho rằng những hạn chế này cần được nhìn nhận khắc phục triệt để.

"Chỉ nói chuyện người khác mà không nhìn lại mình là không đúng"

Từ phân tích trên, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chỉ rõ, để tăng cường công tác xây dựng Đảng, cần nhận thức đúng đắn sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí đối với hoạt động báo chí.
Theo ông Thưởng, cần xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, có ý nghĩa then chốt với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động báo chí và sự phát triển của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam để bảo đảm mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, giỏi chuyên môn.
“Nhiều khi chính các cơ quan báo chí chúng ta lại không nắm chắc chủ trương đường lối, quy định pháp luật, nên có nhiều tuyến bài, nhiều vấn đề nêu ra không chuẩn xác, có tác động rất là không tốt đối với dư luận”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Một vấn đề khác mà Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đề nghị phải quan tâm chính là phải coi trọng công tác tư tưởng, lý luận, trong cơ quan báo chí, thường xuyên nắm bắt tư tưởng các cán bộ đảng viên, quan tâm ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện về tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ những người làm báo.

Ông Võ Văn Thưởng trao đổi với các đại biểu tại hội thảo

Ảnh Ngọc Thắng

Bên cạnh đó, ông Thưởng đề nghị cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, quy hoạch cán bộ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan báo chí.
Ông Thưởng cho hay, thời gian qua có hiện tượng một số cơ quan khi bổ nhiệm lãnh đạo báo chí không đủ điều kiện, thiếu tiêu chuẩn, đặt cơ quan lãnh đạo báo chí vào một điều kiện hoặc là tờ báo đó không có lãnh đạo, hoặc là chấp nhận đồng chí A, B làm lãnh đạo và đưa đi học.
“Đây là biện pháp chữa cháy không hay lắm”, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư lưu ý và nói thêm: vừa rồi một số nơi xảy ra tình trạng này thì báo chí phê bình tới nơi tới chốn nhưng ngay trong cơ quan mình thì nhiều tổng biên tập, phó tổng biên tập cũng là đối tượng phê phán vì thiếu tiêu chuẩn.
Từ đây, ông Thưởng đề nghị đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí, mà trước hết là kiểm tra giám sát việc thực hiện Điều lệ Đảng.
“Tôi nghĩ làm cái này thú vị lắm. Để giúp cho các cơ quan báo chí nhận thức về mình đầy đủ hơn, đúng thực chất hơn. Nói như một số đồng chí có trích dẫn: "Người làm công tác giáo dục cũng tới lúc cần phải được giáo dục", chứ đôi khi mình tự cho mình cái quyền được nói, và đúng là xã hội giao cho chúng ta cái quyền được nói và chúng ta có cơ sở, phương tiện để chúng ta nói, nên chúng ta toàn nói chuyện người ta không. Nói chuyện người ta thì đúng rồi nhưng chỉ nói chuyện người khác mà không nhìn lại mình là không đúng”, ông Thưởng phân tích.

Phải hiểu báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, báo chí của Đảng, nhà nước

Để làm tốt những nhiệm vụ trên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, các cơ quan Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin - Truyền thông, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, Hội Nhà báo Việt Nam phải phối hợp thật chặt chẽ, trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước đối với hoạt động báo chí.
Ông Thưởng đề nghị cải tiến mạnh hơn hội nghị giao ban báo chí để lãnh đạo đúng vai trò định hướng lãnh đạo; quản lý nhà nước phải đúng quản lý nhà nước; phán quyết về nghiệp vụ đạo đức phải đúng phán quyết nghiệp vụ, đạo đức; giải trình phải cho ra giải trình; trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải cho ra trách nhiệm của cơ quan chủ quản và lãnh đạo của cấp ủy cấp trên phải rõ vai trò vì hiện nay trong giao ban báo chí cái này chưa được mạch lạc lắm.
Lưu ý vấn đề giải trình của các cơ quan báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, "các cơ quan báo chí hay đi phê bình cơ quan khác là không có trách nhiệm giải trình đầy đủ, nhưng khi đề nghị giải trình thì lại giải trình rất cửa quyền".
“Tôi nghĩ trách nhiệm giải trình qua lại, làm rõ thông tin là một bước cần thiết, rất dân chủ trong hoạt động báo chí. Nó thể hiện mối quan hệ công bằng giữa cơ quan báo chí với đối tượng được báo chí nêu. Các đồng chí nói rằng chúng tôi chỉ cung cấp cơ sở (của bài viết - phóng viên) khi có lệnh của tòa. Nhưng chúng ta phải hiểu, báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, báo chí của Đảng, của nhà nước và Đảng lãnh đạo báo chí”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng đề nghị các cơ quan nêu trên chủ động định hướng, hỗ trợ các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí triển khai thực hiện quy hoạch, phát triển quản lý báo chí 2021 đến năm 2025.
"Cái này phải thực hiện nghiêm thôi. Gần đây đọc chỗ này, chỗ khác cũng có thông tin nêu tại sao trước không làm, gần tết rồi lại làm. Thưa các đồng chí, việc này triển khai 4 - 5 năm nay rồi mà không làm, giờ là giới hạn cuối phải làm”, ông Thưởng nói, và đề nghị các cơ quan báo chí đọc lại quy hoạch và thực hiện cho nghiêm chứ không bàn nên hay không. 

Quản lý tốt hoạt động của phóng viên, cộng tác viên báo chí

Đối với cơ quan chủ quản, ông Thưởng đề nghị tăng cường hơn nữa với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với Hội Nhà báo Việt Nam để làm tốt hơn nữa cơ chế kiểm tra, giám sát Đảng trong cơ quan báo chí; chủ động ngăn ngừa kịp thời, hiệu quả các xu hướng không lành mạnh, thậm chí tiêu cực trong hoạt động báo chí như xa rời tôn chỉ mục đích, “đánh đấm”, tư nhân hóa...
Đối với các cơ quan báo chí, tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí, ông Thưởng đề nghị quản lý tốt hoạt động của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, đặc biệt là các phóng viên, công tác viên tại các văn phòng đại diện thường trú.
“Người đứng đầu các cơ quan báo chí, đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, bí thư cấp ủy với sai phạm của cán bộ, phóng viên báo chí ở đơn vị mình”, ông Thưởng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.