Ông Võ Văn Thưởng: 'Đảng viên ở nước ngoài phải có khả năng tự miễn dịch'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/12/2021 13:17 GMT+7

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, cán bộ, đảng viên ở nước ngoài phải có khả năng tự miễn dịch, tự đề kháng cao, luôn tỉnh táo, không để bị tác động, lôi kéo bởi bất cứ âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn nhất

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tham quan triển lãm về 60 năm công tác Đảng ngoài nước bên lề hội nghị

Đậu tiến đạt

Phát biểu tại Hội nghị về tăng cường xây dựng đảng và nâng cao chất lượng công tác đảng nước ngoài, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho hay, với 13.000 đảng viên, Đảng bộ Bộ Ngoại giao là đảng bộ có số đảng viên lớn nhất trong Đảng bộ khối cơ quan T.Ư với đảng viên cả trong nước và nước ngoài.

Các tổ chức đảng và đảng viên có mặt rộng khắp các châu lục với những khác biệt vể chế độ chính trị, có điều kiện tiếp cận thành tựu thế giới về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ song cũng “dễ bị tác động ảnh hưởng nhiều chiều”.

Theo ông Thưởng, những đặc điểm ấy vừa là thuận lợi nhưng cũng là khó khăn, thách thức cho công tác tổ chức đảng ở ngoài nước.

Biểu dương nhiều kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ Bộ Ngoại giao thời gian qua, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý công tác giáo dục, chính trị tư tưởng cho đảng viên hiệu quả chưa cao, có nơi, có lúc chưa phù hợp với tình hình thực tế; công tác kiểm tra giám sát còn hình thức; một số cán bộ đảng viên ngoài nước chưa phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, chưa làm tròn trách nhiệm thậm chí làm ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh đất nước, con người Việt Nam

Khẩn trương xử lý vấn đề đảng viên 2 quốc tịch

Trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng Bộ Ngoại giao cần sớm triển khai nghiên cứu, học tập Kết luận 21 Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng; và Quy định 27 về những điều đảng viên không được làm.

Theo ông Thưởng, quy định mới về những điều đảng viên không được làm đã rõ hơn, gọn hơn. Chẳng hạn như vấn đề xử lý đảng viên 2 quốc tịch, trước đây đã có nhưng chưa sâu thì quy định mới đã mạnh mẽ và rõ ràng hơn.

Cho rằng vấn đề này liên quan tới công tác thường xuyên của tổ chức đảng ngoài nước, ông Thưởng đề nghị Đảng bộ Ngoại giao cần có sự khẩn trương, bước chuyển phù hợp để xử lý.

Ông Thưởng cũng đề nghị ngay sau hội nghị, Đảng bộ Bộ Ngoại giao chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới đây.

Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị tăng cường đổi mới nội dung, phương thức giáo dục, tư tưởng, đẩy mạnh tuyên tuyền, nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phục vụ công tác đối ngoại.

“Đặc biệt cán bộ, đảng viên ở nước ngoài, xa Tổ quốc, hoạt động độc lập, càng cần nhận thức đúng, kiên định lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng tự miễn dịch, tự đề kháng cao, luôn tỉnh táo, không để bị tác động, lôi kéo bởi bất cứ âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”, ông Thưởng nói.

Luân chuyển cán bộ giữa ngành ngoại giao và các ngành khác

Ông Thưởng cũng đề nghị, tập trung xây dựng chỉnh đốn đảng về tổ chức nhất là đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

đậu tiến đạt

Thường trực Ban Bí thư dẫn lại lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Một nhà ngoại giao, một nhà hoạt động đối ngoại giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc, chế độ làm kim chỉ nam trong hành động đồng thời phải có phong cách ứng xử văn hóa... Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, đất nước, nhân dân, phải tự tin vững vàng, kiên định, khôn khéo và mưu lược”.

Theo ông Thưởng, cán bộ ngành ngoại giao ít luân chuyển sang các lĩnh vực khác, và ngược lại cũng có ít cán bộ lĩnh vực khác được phân công bổ sung cho ngành ngoại giao đã “vô tình tạo ra sự khép kín”. Do đó, ông đề nghị ngành ngoại giao cần nghiên cứu để làm tốt hơn việc cung cấp cán bộ cho ngành khác đồng thời tiếp nhận cán bộ ngành khác cho ngành ngoại giao.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ đảng ở nước ngoài; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong ngành ngoại giao.

Ông Thưởng cho rằng, việc phân công đại sứ làm bí thư đảng ủy các đảng bộ tại nước ngoài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị; song cũng phải chú ý phân định rõ vai trò, không nhầm lẫn công tác tránh độc đoán, chuyên quyền.

“Tôi nghĩ, các chi bộ, đảng bộ trong nước bị cái này nhiều thì tổ chức ngoài nước cũng không ngoại lệ, nên nếu không chú ý dễ mắc khuyết điểm này”, ông Thưởng nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị

đậu tiến đạt

Ông Thưởng cũng cho biết, thực tế cho thấy việc quản lý đảng viên là khó nhất và là công tác trọng tâm. Ông đề nghị phải thực hiện tốt phương châm không để đảng viên nào ra nước ngoài không được bố trí sinh hoạt đảng, quản lý giao nhiệm vụ. Cùng với đó, phải quan tâm phát triển đảng viên mới, tạo nguồn bổ sung sinh lực, chất lượng cho Đảng.

Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực; kịp thời phát hiện từ nội bộ, chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Đồng thời, phải tăng cường công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, bí mật của đảng và nhà nước; chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả hoạt động chống phá của thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, góp phần bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, đất nước, từ sớm, từ xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.