Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 21: Khi Mỹ trở thành đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo

12/03/2004 09:57 GMT+7

Sau Tết Mậu Thân 1968, quân giải phóng tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường. Mặt trận Khe Sanh trở thành "địa ngục trần gian" của quân Mỹ.

Phong trào chống chiến tranh dâng cao trên khắp nước Mỹ. Giới cầm quyền Sài Gòn lâm vào hoàn cảnh đen tối. Lúc này Johnson có tái đắc cử Tổng thống Mỹ hay không là tùy thuộc vào tình hình Việt Nam. Tháng 6.1968, Johnson tuyên bố ném bom hạn chế để đi vào Hội nghị Paris. Ông Ba Quốc nhớ lại: "Lúc đó khắp nơi phấn khởi nhưng bọn cực hữu trong và ngoài chính quyền Sài Gòn dao động đến cực độ. Vợ Nguyễn Văn Thiệu khóc oán trách người Mỹ...". Lúc này phái hiếu chiến trong giới cầm quyền Mỹ đã có liên lạc với giới chính trị chống cộng cực đoan ở Sài Gòn tác động Nguyễn Văn Thiệu phá hoại thương thuyết để tiếp tay cho đảng Cộng hòa hạ bệ Johnson. Kết quả là Nguyễn Văn Thiệu trì hoãn không chịu ngồi vào bàn đàm phán, rồi bày ra chuyện "chỉ xanh, chỉ đỏ", "bàn méo, bàn tròn", cù cưa kéo dài thời gian cho đến khi Johnson rút lui không ứng cử tổng thống. Trong chuyện này, Nguyễn Văn Thiệu được coi là đã góp phần đáng kể cho Nixon lên làm Tổng thống Mỹ.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 21: Khi Mỹ trở thành đối tượng của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 12.3.2004

Nguyễn Văn Thiệu một mặt phá hoại đàm phán để kéo dài chiến tranh, mặt khác ra sức củng cố thế đứng. Thiệu tiến hành cải tổ Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, biến cơ quan này thành tổ chức mật vụ để khống chế, kiểm soát, lũng đoạn, vô hiệu hóa các đảng phái đối lập và các lực lượng hòa bình, đồng thời theo dõi các âm mưu của Mỹ nhằm đề phòng đảo chính. Thiệu đưa người bí thư thân tín của mình là tướng Nguyễn Khắc Bình về làm Đặc ủy trưởng. Phủ Đặc ủy được cải tổ sâu rộng. Về tổ chức, ngoài Văn phòng Đặc ủy trưởng, còn có 3 văn phòng phụ tá: An ninh, Điều hành và Kế hoạch. Cục Tình báo quốc nội và Cục Tình báo quốc ngoại được "nâng cấp". Riêng Cục Tình báo quốc nội có ba nha: Nha Điệp báo (ban K), Nha Phản gián (ban U) và Nha Chính trị (ban Z). Về nhân sự, Nguyễn Khắc Bình loại hết những người của Mỹ và của "chế độ cũ" (chỉ chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh) ra khỏi các chức vụ chỉ huy từ cấp phòng trở lên. Ví dụ, trung tá Nguyễn Văn Hữu, Trưởng ban E (tình báo quốc ngoại) người của Mỹ và khoảng 25 sĩ quan từ cấp úy trở lên người của "chế độ cũ" bị trả về Bộ Quốc phòng hoặc Tổng nha Cảnh sát. Người Mỹ chỉ quản lý được ban Q (Trung tâm Thẩm vấn quốc gia), cơ quan này chỉ làm nhiệm vụ tiếp nhận các tù binh từ các quân khu đưa về thẩm tra. Mặc dù trên văn bản không nêu, nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo là bảo vệ Nguyễn Văn Thiệu, đối tượng của Phủ Đặc ủy là Mỹ và các thế lực chống đối trong và ngoài chính quyền. Các kế hoạch và biện pháp an ninh trong Phủ Đặc ủy được bảo đảm hết sức chặt chẽ. Từ nhân viên cho đến chỉ huy ra vào cơ quan đều qua các lần kiểm tra an ninh. Khu vực đi lại trong cơ quan được quy định nghiêm ngặt. Ngay cả các cố vấn Mỹ cũng không được tùy tiện vào ra Phủ Đặc ủy, họ chỉ được tiếp xúc với trưởng ban E, ban K, ban U. Để đối phó với thái độ của Nguyễn Khắc Bình, Mỹ cắt các khoản viện trợ về tiền và phương tiện, cắt các cố vấn SOC. Mỹ chỉ còn chi tiền cho từng kế hoạch cụ thể, còn người và phương tiện thì chỉ còn dành cho Trung tâm Thẩm vấn quốc gia mà thôi.

Ông Ba Quốc kể: "Trước khi Nguyễn Khắc Bình về Phủ Đặc ủy 1 tuần, Nguyễn Văn Giàu cho tôi biết là Giàu sẽ nằm trong Bộ Tham mưu của Bình làm kế hoạch cải tổ Phủ Đặc ủy, ông ta bảo sắp xếp xong tổ chức tôi sẽ về chỗ ông ta. Sau khi cải tổ, Giàu làm Giám đốc Cục Tình báo quốc nội. Tôi gặp ông ta để bàn công việc của tôi, nhưng Giàu khuyên tôi không nên về vì chính ông ta cũng định không nhận nhiệm vụ đó. Ông ta tỏ ra thất vọng. Tôi hỏi vì sao, ông ta nói: Nguyễn Khắc Bình đã không thực hiện đúng chức năng của một cơ quan tình báo chiến lược chống cộng. Kế hoạch đề ra chức năng là vậy nhưng sau khi đưa cho Tổng thống Thiệu duyệt, Nguyễn Khắc Bình đã biến Phủ Đặc ủy thành tổ chức chỉ để bảo vệ Tổng thống Thiệu. Giàu không chống lại việc bảo vệ chế độ của Thiệu nhưng ông ta cho rằng chỉ cần dành 30% hay nhiều nhất là 50% cho công việc này là đủ. Bình không những không nghe mà còn coi Giàu là một phần tử chống Thiệu. Từ lúc đó tôi gần như ngày nào cũng vào giải thích cho Giàu, tôi bảo với ông ta rằng chủ trương của tướng Nguyễn Khắc Bình là đúng, vì nếu không tích cực bảo vệ Tổng thống Thiệu thì rất có thể bị đảo chính. Nguyễn Văn Giàu dần dần nghe lời tôi, nhưng giữa Bình và Giàu vẫn còn mâu thuẫn, bởi vậy tuy Giàu vẫn là Cục trưởng Cục Tình báo quốc nội nhưng 3 nha của Cục này đều làm việc trực tiếp với Bình, không thông qua Giàu".

Theo ông Ba Quốc, việc củng cố và chuyển hóa Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo (cũng như Cơ quan An ninh quân đội) thành công cụ để bảo vệ bản thân mình là phản ứng tự nhiên của Nguyễn Văn Thiệu để đối phó với Mỹ và các tướng tá trong quân đội cũng như các phong trào chính trị nhằm ngăn ngừa các âm mưu đảo chính. Do vậy, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo và Cơ quan An ninh quân đội trở thành mục tiêu thù ghét của các tổ chức khác, kể cả Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh cảnh sát. Bởi vậy mà tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, cấm không cho Bộ Tổng tham mưu trao tin tức tài liệu cho Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.

Trước tình hình đó, ông Ba Quốc thấy rằng, trừ các văn phòng của Đặc ủy trưởng, việc bám vào các vị trí khác của Phủ Đặc ủy, kể cả ở Cục Tình báo quốc nội hay quốc ngoại đều không đáp ứng được yêu cầu điều tra mà cấp trên giao cho ông.

Lúc này Nguyễn Văn Thiệu không chỉ đưa người thân tín về làm Đặc ủy trưởng mà còn đưa "người nhà" vào nắm các vị trí then chốt của Phủ Đặc ủy. Ông Ba Quốc lại "nhắm" vào những người này... (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.