'Ông tổ' và những bậc thầy trên thế giới về nghệ thuật tranh cắt dán gỗ

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
05/08/2022 15:21 GMT+7

Tranh cắt dán gỗ là một loại hình xuất hiện muộn hơn so với cắt dán giấy. Trong nghệ thuật này nghệ nhân thường sử dụng gỗ tự nhiên hoặc các bộ phận của thân, cành, que hoặc vỏ cây, thậm chí... dăm gỗ để tạo ra tác phẩm.

Đối với những tác phẩm tranh cắt dán gỗ có quy mô nhỏ, nghệ nhân có thể đóng khung, treo lên tường giống như một bức tranh. Chính màu sắc tự nhiên, sự đa dạng kết cấu của vật liệu đã giúp nghệ nhân tạo ra những bức tranh ghép, những phù điêu gỗ giống như tranh vẽ.

Bức tranh Merz mới của Kurt Schwitters (năm 1931) với chất liệu gỗ, giấy, vải; kỹ thuật sơn dầu; phong cách nghệ thuật: trường phái Đa Đa và Ấn tượng (trên); bức Merzbild 1A. The mental doctor (1919) và Art (phải dưới) là tranh cắt dán

arthive.com

Kỹ thuật cắt dán gỗ đôi khi cũng được kết hợp với hội họa và các phương tiện truyền thông khác để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật duy nhất. Khi đến với nghệ thuật cắt dán gỗ người ta có thể tạo ra nhiều liên hợp và bố cục hình ảnh khác nhau.

Tranh cắt dán gỗ có nguồn gốc ở phương Tây

Ý tưởng về tranh cắt dán gỗ có thể do Georges Braque (1882 – 1963) nghĩ ra đầu tiên. Georges Braque là một họa sĩ Pháp, đồng thời còn là nghệ nhân cắt dán, người soạn thảo, thợ in và nhà điêu khắc lớn của thế kỷ 20. Đóng góp của ông đáng chú ý nhất là những tác phẩm thuộc Trường phái dã thú (Fauvism) kể từ năm 1905, ngoài ra ông có vai trò đáng kể trong sự phát triển của Trường phái Lập thể trong hội họa. Tác phẩm của Braque từ năm 1908 đến năm 1912 gắn liền với tác phẩm của đồng nghiệp Pablo Picasso. Công chúng không thể phân biệt các tác phẩm lập thể của hai họa sĩ này trong nhiều năm, nhưng bản chất trầm lặng của Braque đã bị che khuất phần nào bởi danh tiếng và tai tiếng của Picasso.

Chân dung họa sĩ kiêm điêu khắc gia Pháp Georges Braque

David E. Scherman

Năm 1912, Braque và Picasso bắt đầu thử nghiệm cắt dán rồi phát minh kỹ thuật cắt dán giấy, đặt thuật ngữ gọi là Papier collé. Có thể nói rằng chính Braque là người nghĩ ra ý tưởng “cắt dán gỗ”. Vì Braque là người khởi đầu, cắt ra những mảnh giấy dán tường mô phỏng vân gỗ sồi rồi gắn chúng vào các bức vẽ bằng than của ông.

Tuy nhiên, nếu nói đến nghệ thuật cắt dán gỗ thì giới chuyên môn lại nghĩ ngay đến “ông tổ” Kurt Schwitters (1887 – 1948). Đây là một nghệ sĩ người Đức, ông thể nghiệm tranh ghép gỗ vào những năm 1920, với tác phẩm tiêu biểu và sớm nhất là Bức tranh Merz với ngọn nến.

Schwitters sáng tạo trong một số chuyên ngành, bao gồm thơ ca, hội họa, điêu khắc, thiết kế đồ họa, kiểu chữ và nghệ thuật sắp đặt, tất cả đều có dấu ấn của trường phái Đa Đa (Dadaism), Kiến tạo (Constructivism) và Siêu thực (Surrealism). Ông nổi tiếng nhất với những bức tranh ghép gọi là tranh Merz. Merz là một thuật ngữ do Schwitters nghĩ ra, một từ đồng nghĩa với thuật ngữ Dada, do muốn thành lập một phân nhánh của trường phái Đa Đa phù hợp với triết lý và tầm nhìn nghệ thuật của riêng ông.

Những tác phẩm tường gỗ đơn sắc

Người thứ hai được nhắc đến trong nghệ thuật cắt dán gỗ là Louise Nevelson (1899 - 1988), một nhà điêu khắc Mỹ gốc Ukraine, bà được biết đến với những tác phẩm tường gỗ đơn sắc và điêu khắc ngoài trời. Trong khoảng thời gian 15 năm thử nghiệm liên tục từ giữa những năm 1940, bà đã phát triển các tác phẩm cắt dán gỗ từ những phế liệu, bao gồm các bộ phận của vật dụng nội thất, thùng gỗ, thậm chí là lan can cầu thang và khuôn đúc trong kiến trúc….

Nevelson thường chọn vật liệu rồi bắt tay vào vẽ và in ấn trước khi thực hiện công đoạn điêu khắc. Những tác phẩm của bà trông giống như trò chơi xếp hình, với nhiều mảnh được cắt tinh xảo, gắn vào nhau để thành tác phẩm điêu khắc trên tường hoặc các mảnh độc lập, thường là 3D.

Bức Nhà thờ bầu trời (trên) và Vườn trăng của Louise Nevelson

moca.org

Bức Phong cảnh của George Morrison (trên) và bức tranh cắt dán gỗ của Josef Twirbutt

wam.umn.edu, 1stdibs

Bà có những tác phẩm hình chữ nhật rất lớn, sơn màu đen, trông giống như những bức tranh khổng lồ hoặc những bức tường lớn bằng đá nguyên khối, đôi khi có thể được nhìn từ hai phía, hoặc thậm chí nhìn xuyên qua.

Hiện nay nhiều tác phẩm của Louise Nevelson hiện diện trong các bộ sưu tập lớn ở các viện bảo tàng, đặc biệt là bức Nhà thờ bầu trời (Sky Cathedral, 1958), một tác phẩm trên tường chế tác từ gỗ sơn đen, trưng bày ở Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian.

Bà Louise Nevelson là một trong những nhân vật quan trọng nhất của nghệ thuật điêu khắc Mỹ và là nhà tiên phong của nghệ thuật tranh cắt dán gỗ trong thế kỷ 20.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.